Thị trấn thân thiện môi trường

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế nhanh từng phá hủy môi trường với tốc độ chóng mặt ở Hàn Quốc.

Ô nhiễm không khí, nước, rác thải và mưa a xít xuất hiện đã trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái ở Hàn Quốc những năm cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, "xứ sở Kim chi" lại đang trở thành quốc gia đi đầu ở Châu Á trong bảo vệ môi trường và bằng chứng rõ nhất là sự ra đời của những thị trấn thân thiện môi trường.

Theo số liệu nghiên cứu, năm 1990, lượng khí CO2 thải ra của Hàn Quốc là 310 triệu tấn, đến năm 2004 đã tăng lên 590 triệu tấn, tương đương với 1,8% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Các ngành công nghiệp nặng và chế biến đã tiêu thụ khoảng 30% năng lượng của Hàn Quốc. Trong khi đó, cùng những ngành này thì Nhật Bản tiêu thụ 20%, Mỹ với quy mô kinh tế lớn nhất thế giới cũng chỉ tiêu thụ 14% năng lượng cho các ngành công nghiệp nặng và chế biến.

Diện tích lãnh thổ hẹp, phần lớn là núi đá vôi, dân cư đông đúc khiến Hàn Quốc được xếp vào hàng các nước có mức độ thải rác cao nhất thế giới. Nhiều đô thị, thành phố lớn, đặc biệt là thủ đô Seoul đã lâm vào tình trạng khủng hoảng rác, khi cao điểm thậm chí đã gây ra những phản ứng nhất định trong dân chúng. Điều này buộc Chính phủ Hàn Quốc phải đưa ra những quyết sách để bảo vệ môi trường, trong đó có việc xử lý rác thải. Cụ thể, chính quyền đã tổ chức tốt việc phân loại rác sinh hoạt và phát triển các cơ sở tái chế. Các nhà máy xử lý rác thải thân thiện môi trường đã ra đời. Tại đây, hằng ngày có hàng trăm tấn rác được xử lý bằng công nghệ đốt. Nhiệt lượng sản sinh từ quá trình này sau đó được nhà máy tận dụng để sản xuất điện. Ví dụ như Nhà máy Mapo Resource Recovery Plant gần thủ đô Seoul, trong những năm gần đây có thể giúp giảm được 645 tấn khí nhà kính. Khoảng 60% điện năng phát ra được nhà máy sử dụng lại, phần 40% còn lại được bán ra ngoài.

Sự thành công của những mô hình nhà máy xử lý rác thải như trên đã được áp dụng, nhân rộng tại nhiều thành phố, thị trấn của Hàn Quốc, trong đó có thị trấn Hongcheon (tỉnh Gangwon). Đây được mệnh danh là thị trấn thân thiện với môi trường đầu tiên của Hàn Quốc khi lượng rác thải, khí thải đều được xử lý bằng các công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng tái tạo.

Những tấm pin năng lượng mặt trời khổng lồ, khu xử lý và tái chế rác quy mô và sạch sẽ là những hình ảnh rất quen thuộc đối với người dân tại Hongcheon. Đây là nơi có nền công nghiệp năng lượng tái tạo hết sức phát triển. Từ pin mặt trời và khu xử lý rác, người dân Hongcheon sản xuất ra điện, gas sinh học thậm chí cả đất trồng cây, phục vụ đời sống thường ngày. Thậm chí lượng điện và gas sinh học (hơn 90%) sản xuất được còn dùng để bán, thu lại lợi nhuận. Bên cạnh đó, chi phí tiêu thụ điện của người dân Hongcheon cũng giảm chỉ còn 1/4 so với mức thông thường nhờ hệ thống pin năng lượng mặt trời. Lợi nhuận thu được từ việc bán điện, tất cả cư dân thị trấn đã cùng nhau góp sức xây dựng một Hiệp hội Nông nghiệp và trả lương cho nhân viên hiệp hội. Mặc dù sở hữu một hệ thống năng lượng tái tạo phát triển nhưng thứ mà chính quyền thị trấn tập trung thúc đẩy vẫn là hoạt động nông nghiệp của người dân.

Có thể thấy những chính sách bảo vệ môi trường của Chính phủ Hàn Quốc nhiều năm qua đã đem đến những thành công tích cực. Thị trấn thân thiện với môi trường như Hongcheon là mô hình mà nhiều nước Châu Á khác rất cần học hỏi; nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng đe dọa trực tiếp đến người dân khu vực và thế giới.

Quang Huy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chuyen-la/855573/thi-tran-than-thien-moi-truong