Thi trắc nghiệm: Vừa học vừa lo

Trước khi Bộ GDĐT đưa ra 14 đề thi minh họa cho các môn thi THPT quốc gia 2017, thì nhiều trường THPT của Hà Nội đã sớm chủ động hướng dẫn học sinh ôn luyện kiến thức cũng như làm quen dần với phương thức thi trắc nghiệm mới sẽ diễn ra trong kỳ thi quan trọng này. Song theo ghi nhận của PV, dù chủ động nhưng cả thầy và trò vẫn vừa học vừa lo.

Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2017, theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Văn Đại, ngay đầu tháng 10, Sở GDĐT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Phòng GDĐT các quận, huyện, các trường THPT… triển khai tổ chức dạy học, kiểm tra và đánh giá học sinh ôn tập kiến thức theo phương thức thi mới, nhất là hình thức thi trắc nghiệm các môn Toán, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.

Vì vậy, các trường không chỉ đảm bảo kế hoạch hoàn thành chương trình theo đúng thời gian quy định của ngành, mà còn phải bám sát yêu cầu của kỳ thi sắp tới để hướng dẫn kỹ năng cho học sinh có thể đảm bảo có đủ kiến thức dự thi, tránh để học sinh học tủ …Đồng thời, các trường phải tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo cho những học sinh học lực yếu kém, người nước ngoài, thí sinh tự do xin ôn tập. Việc ôn tập phải bám sát đề thi minh họa do Bộ GDĐT ban hành. Các trường phải thông báo và phối hợp với cha mẹ học sinh để tạo điều kiện tốt cho việc học, ôn tập của học sinh.

Nghiêm túc trong thi cử.

Bên cạnh đó, nhằm chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia trong những năm tới, Sở GDĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường điều chỉnh ngay phương pháp dạy và học kiểm tra đánh giá cho không chỉ học sinh lớp 12 mà cả với khối lớp 10 và lớp 11. Bởi theo lộ trình đổi mới thi sẽ triển khai vào năm 2018 với nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình các lớp cấp THPT.

Trước yêu cầu này, nhiều trường ở Hà Nội đã sớm lên kế hoạch đổi mới dạy học và kiểm tra. Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, theo tiến độ chương trình năm học, giáo viên và học sinh đã khá vất vả với kiến thức các môn học năm lớp 12 nhưng với yêu cầu đổi mới, bắt buộc giáo viên và học sinh phải nỗ lực hơn nữa để bắt nhịp với những thay đổi trong kỳ thi sắp tới. Hiện chúng tôi đã lên kế hoạch và thực hiện để học sinh, giáo viên vào guồng học tập, ôn luyện ngay từ đầu học kỳ I này.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Siêu cho biết thêm, từ năm ngoài (trước thực tế là có nhiều học sinh của nhà trường tham dự cuộc thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Quốc Gia Hà Nội cũng như làm các bài thi trắc nghiệm để kiểm tra đầu vào một số trường quốc tế), nhà trường đã chủ động cho các em học sinh làm quen với các dạng đề thi khác nhau, trong đó có cả phần thi tự luận và trắc nghiệm. Vì vậy, khi Bộ GDĐT công bố phương thức thi mới, trong các bài kiểm tra 1 tiết hàng tháng của học sinh khối 12 năm nay của trường đã điều chỉnh theo hướng thi mới cũng như quán triệt các em học sinh tích cực ôn luyện và nắm chắc kiến thức cơ bản thì chắc chắn sẽ đạt được kết quả thi tốt. Đồng thời, “trong từng bộ môn, nhà trường cũng đã cắt cử hẳn một cán bộ chuyên trách làm công tác về khảo thí để cập nhật, tham khảo được kịp thời cách thức ra ma trận đề thi của các chương trình của quốc tế cũng như của Bộ GD-ĐT để có những hướng dẫn kịp thời phục vụ cho việc dạy và học của thầy và trò nhà trường đạt kết quả tốt nhất”- Ths. Minh Thúy khẳng định.

Thậm chí, một số trường THPT thuộc Cầu Giấy, Từ Liêm, Hoàn Kiếm… còn “bắt tay” nhau để cùng đưa ra hướng đổi mới trong dạy học, kiểm tra theo định hướng thi mới. Theo đó, tất cả các môn trong danh sách thi THPT quốc gia đều được bàn thảo để đưa ra định hướng đổi mới ra đề kiểm tra, ôn tập cho học sinh. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều giáo viên bộ môn Toán- một trong các môn sẽ tiến hành thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, với quy định 4 tiết Toán/ tuần đối với khối 12 hiện nay thì việc đảm bảo dạy và học để hoàn thành kiến thức lớp 12 đã là cả vấn đề khó khăn rồi nên thời gian dành cho việc giúp học sinh ôn luyện kiến thức, phương pháp làm thi trắc nghiệm vô cùng áp lực, nếu không nói là rất lo.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Ths. Minh Thúy cho hay: “Quan điểm cá nhân tôi ủng hộ việc đổi mới phương thức thi mới của Bộ GDĐT, bởi đây đang là xu thế của thế giới và nó giúp học sinh Việt Nam có thể hội nhập với môi trường giáo dục quốc tế dễ dàng, tiện lợi hơn. Song nếu được thì việc đổi mới này cần có lộ trình từng bước chứ không nên đột ngột thay đổi để tránh cho học sinh bị ảnh hưởng về tâm lý dẫn tới sợ thi (mà điều này đôi khi chưa phải xuất phát từ học sinh mà lại do tác động từ dư luận xã hội, trong đó tác động trực tiếp nhất lại là phụ huynh). Thực tế tại Trường THPT Nguyên Siêu đã xảy ra hiện tượng, có cả nguyên một lớp học các em đồng loạt đi du học chỉ vì sợ thi”.

Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia giáo dục, mặc dù thi trắc nghiệm là phương thức thi mới đối với học sinh nhưng không vì thế mà mắc sai lầm chạy theo luyện thi khi chưa nắm chắc nguyên tắc thi trắc nghiệm. Còn nguyên tắc cơ bản nhất khi làm bài trắc nghiệm với đề thi chuẩn là phải nắm vững kiến thức cơ bản thì mới có thể đạt điểm cao trong kỳ thi này.

Hữu Thành

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thi-trac-nghiem-vua-hoc-vua-lo-43291.html