Thi THPT 2017: Những lưu ý thí sinh nên biết trước khi thi

Sáng 19.6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga dẫn đầu Đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, sau đó sẽ tới một số địa điểm khác để khảo sát tính an toàn tại các tỉnh cho kỳ thi THPT 2017.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về công tác thi THPT Quốc gia năm 2017

Quảng Ngãi thuê tàu siêu tốc chở đề thi ra đảo trước 1 ngày

Cùng với các biện pháp an ninh khác, để đảm bảo an toàn và kịp thời, đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 tại điểm thi huyện đảo Lý Sơn sẽ được tàu siêu tốc chở riêng và đi trước 1 ngày so với các nơi khác trong đất liền của tỉnh Quảng Ngãi.

Theo báo cáo của lãnh đạo các cấp ngành liên quan tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm này mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất. Ngày 21.6, trong đất liền có 3 đoàn vận chuyển đề thi do Giám đốc sở GD-ĐT Quảng Ngãi phụ trách sẽ đưa đến.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga lưu ý cho Ban chỉ đạo Cụm thi tỉnh Quảng Ngãi về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nơi ăn chốn ở... cho thí sinh và giáo viên tham gia kỳ thi, nhất là các điểm thi ở vùng xa của miền núi và nông thôn.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá cao công tác giáo dục của Quảng Ngãi và công tác tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Thứ trưởng mong các địa phương tiếp tục hỗ trợ công tác thi, không để xảy ra sự cố.

Lịch thi THPT 2017

Những lưu ý cho thí sinh khi thi

Chia sẻ với phóng viên, thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý các thí sinh nếu bị đình chỉ thi môn thi nào sẽ bị điểm 0 môn thi đó, không được thi các môn thi tiếp theo, không được xét tốt nghiệp.

Năm nay, Bộ GD-ĐT tổ chức 5 bài thi, gồm 3 bài độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đối với thí sinh học chương trình THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).

Với các thí sinh học chương trình Giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.

Với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT sẽ phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.

Các thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh giáo dục thường xuyên có thể chọn dự thi cả bài thi Ngoại ngữ, điểm bài thi này để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, không dùng để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Để xét tuyển ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ.

Theo lý giải của Thứ trưởng GD-ĐT Bùi Văn Ga, khái niệm “tổ hợp” chỉ là sự thay đổi về kỹ thuật để ghép 3 môn thành một bài thi, nhằm giảm bớt thời gian thi.

Trong số những môn thi trắc nghiệm, đáng chú ý, lần đầu tiên môn Toán thi trắc nghiệm. Thông tin này được công bố đầu năm học 2017 dấy lên luồng tranh cãi trong dư luận và giới chuyên môn trước đó. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn lựa chọn phương pháp này để thử sức cho các thí sinh thi THPT 2017.

Trước lo ngại về tính an toàn của kỳ thi, Bộ GD&ĐT quy định mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng. Cụ thể, một phòng thi sẽ có 24 mã đề khác nhau nhằm hạn chế tình trạng quay cóp, trao đổi khi làm bài trắc nghiệm.

Tuy nhiên, việc tăng số lượng mã đề thi cũng chỉ mang tính kỹ thuật. Để đảm bảo khách quan, công bằng, nghiêm túc của kỳ thi, vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở khâu coi thi, thanh tra, giám sát kỳ thi. Năm nay, lần đầu tiên các địa phương đứng ra gánh vác trọng trách của kỳ thi. Trước đây, họ chỉ chủ trì việc xét tốt nghiệp.

Thứ trưởng GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định trong kỳ thi này, các khâu đều quan trọng bởi chỉ cần sơ hở nhỏ là sẽ ảnh hưởng lớn đến kỳ thi. Do vậy, bộ đã nhắc nhở các trường đại học phối hợp, các địa phương phải hết sức thận trọng thực hiện đúng theo quy chế. Công tác in sao đề áp lực hơn do số lượng tăng. Các khâu từ đề thi, coi thi, chấm thi đều có bộ phận an ninh giám sát, chặt chẽ.

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm nay, khoảng 866.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 75% (hơn 640.000 em) thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học. Lãnh đạo bộ này chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ quý I rằng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH và CĐ sư phạm thuộc Bộ GD-ĐT là 392.000.

Vậy, hơn 60,3% thí sinh dự thi sẽ trúng tuyển đại học. Nếu năm trước mỗi thí sinh chỉ được đăng ký nguyện vọng vào 2 trường (mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng) thì năm nay không có giới hạn. Thí sinh có thể đăng ký một loạt ngành từ các trường có điểm chuẩn cao đến thấp nên mới có trường hợp một thí sinh đăng ký tới 48 nguyện vọng. Điều này giúp thí sinh tăng khả năng trúng tuyển của thí sinh lên nhiều lần.

Lưu ý với các thí sinh về môn thi đầu tiên, TS. Trịnh Thu Tuyết - giáo viên chuyên Văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho hay để làm tốt đề thi môn Ngữ văn, học sinh cần lưu ý yêu cầu và phương pháp làm bài với mỗi kiểu câu hỏi. Ví dụ với phần đọc hiểu, câu hỏi 1 thường là câu hỏi nhận biết, kiểm tra kiến thức tiếng Việt. Học sinh cần nhanh chóng xác định chính xác yêu cầu, trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi, không cần dẫn giải dài dòng nếu đề không yêu cầu giải thích.

Riêng về môn Toán, thầy Lê Anh Tuấn (Giáo viên Toán học - Hệ thống Giáo dục Hocmai.com) trong thời gian cuối cùng, học sinh nên tập trung ôn luyện lý thuyết, chăm chỉ rèn luyện đề thi, nghiên cứu kỹ và làm thuần thục các dạng bài được ra ở 3 đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó.

Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/thi-thpt-2017-nhung-luu-y-thi-sinh-nen-biet-truoc-khi-thi-65409.html