Thi tay nghề ASEAN lần thứ XI: Cơ hội để GD dạy nghề khẳng định mình

Tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI tổ chức tại Malaysia, Đoàn Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục khẳng định vị trí của mình trên đấu trường kỹ năng nghề của khu vực, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Doanh nghiệp tham gia huấn luyện

Rút kinh nghiệm từ những lần tham gia Kỳ thi tay nghề ASEAN trước đây, từ năm 2015, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức thi tay nghề các cấp theo hướng nâng cao chất lượng. Thông qua Kỳ thi tay nghề quốc gia vào tháng 5/2016, đã lựa chọn được 62 thí sinh xuất sắc tham gia huấn luyện ở 22 nghề được tổ chức tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI.

Công tác huấn luyện bắt đầu từ ngày 16/6/2016, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn một kết thúc ngày 30/6/2016, đã tổ chức kiểm tra sát hạch, lựa chọn được 44 thí sinh tiếp tục tham gia huấn luyện giai đoạn hai để tham dự thi tay nghề ASEAN lần thứ XI, mỗi nghề 2 thí sinh. Giai đoạn hai thí sinh được huấn luyện chuyên sâu và thi thử theo đề; đồng thời rèn luyện bản lĩnh thi đấu, phổ biến kinh nghiệm thi và công tác huấn luyện kết thúc vào ngày 16/9/2016.

Có 90 chuyên gia, hình thành nhóm theo nghề đã huấn luyện thí sinh ngay từ đầu. Đây là những chuyên gia có chuyên môn giỏi, nhiệt huyết, kinh nghiệm từ các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp có uy tín trên cả nước, trong đó có nhiều chuyên gia đã từng huấn luyện đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới trước đây.

Việc huấn luyện được thực hiện theo kế hoạch phù hợp với từng nghề theo yêu cầu của đề thi tay nghề ASEAN tại 13 trường có chuyên gia giỏi, trang thiết bị dạy nghề đáp ứng yêu cầu, có kinh nghiệm và uy tín trên cả nước. Trong quá trình huấn luyện có sự tham gia của doanh nghiệp để rèn luyện kỹ năng, cường độ lao động, bản lĩnh thực hiện bài thi.

Các cơ sở đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp chuyên ngành trong công tác huấn luyện, không những chuẩn bị cho Kỳ thi tay nghề ASEAN mà còn chuẩn bị cho cả Kỳ thi tay nghề thế giới sắp tới, nổi bật là Công ty TNHH Vikotec, Samsung của Hàn Quốc; Công ty Denso của Nhật Bản, Festo của Cộng hòa Liên bang Đức...

Áp dụng phương thức chấm điểm kép

Tại Hội nghị Ủy ban Kỹ thuật lần thứ nhất chuẩn bị cho Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI, Ủy ban Kỹ thuật đã thống nhất áp dụng phương thức chấm điểm kép và chấm điểm bằng đánh giá đã được sử dụng lần đầu tại Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2015 tại Brazil cho Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI. Việc áp dụng hai phương thức chấm điểm mới này sẽ do Ban giám khảo của các nghề quyết định khi dự thảo đề thi tay nghề ASEAN lần thứ XI. Có 5 nghề áp dụng phương thức chấm điểm kép là nghề Hàn, Thiết kế trang web, Dịch vụ nhà hàng, Nấu ăn và Bảo trì máy bay (nghề trình diễn); có 8 nghề áp dụng phương thức chấm điểm bằng đánh giá gồm các nghề Thiết kế trang web, Lắp đặt điện, Xây gạch, Dịch vụ nhà hàng, Nấu ăn, Chăm sóc sắc đẹp và Thiết kế các kiểu tóc.

Việc áp dụng hai phương thức chấm điểm mới nhằm làm tăng chất lượng Kỳ thi tay nghề ASEAN, phù hợp với quy định của thi tay nghề thế giới, và nâng cao tính khách quan, minh bạch của Kỳ thi tay nghề ASEAN.

Ngày 18/9, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức Lễ xuất quân đoàn Việt Nam tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI năm 2016, diễn ra từ 19 - 29/9 tại Malaysia. Tham dự kỳ thi, Đoàn Việt Nam có 109 thành viên chính thức, trong đó có 44 thí sinh, 33 chuyên gia kỹ thuật làm công tác giám khảo ở 22 nghề, 21 phiên dịch cho thí sinh và các thành viên khác. Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI được tổ chức tại Malaysia với sự tham gia của gần 280 thí sinh của 9 nước ASEAN (Brunei không tham dự), dự thi ở 25 nghề trong đó có 23 nghề chính thức và 2 nghề trình diễn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/thi-tay-nghe-asean-lan-thu-xi-co-hoi-de-gd-day-nghe-khang-dinh-minh-2319033-b.html