Thí sinh phấn khởi vì đề thi môn Văn hay, giàu tính sáng tạo

Kết thúc môn thi đầu tiên trong ngày 2-6, nhiều thí sinh bước khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi vì đề thi vừa sức và khuyến khích học sinh sáng tạo, trình bày cảm xúc của mình.

Nhiều thí sinh tỏ ra phấn khởi sau khi thi xong môn Văn vì đề thi vừa sức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo thí sinh Huỳnh Nguyễn Bảo Châu (Trường THCS Chu Văn An quận 1), đề thi rất hay, nhẹ nhàng, tạo cảm hứng để học sinh có thể nói lên suy nghĩ, cảm nhận về những gì được học và liên hệ thực tế.

Ở câu 1 (3 điểm), đề thi cho hai văn bản kèm hình ảnh của Joseph Schooling và Jack Nicholson đã vượt qua thần tượng bằng nỗ lực phi thường, tài năng tỏa sáng đã thắp lên niềm tin, đam mê và thành công cho giới trẻ khiến nhiều thí sinh thích thú. Hơn nữa, với cách ra đề mở, gần gũi với suy nghĩ của học sinh đã giúp các em hiểu rõ giới hạn của sự hâm mộ cũng như định hướng đam mê thần tượng theo hướng tích cực.

Ở câu hai (3 điểm) yêu cầu viết bài văn ngắn khoảng 1 trang giấy xung quanh câu hỏi “Tuổi trẻ có cần sự khác biệt” kèm theo bức hình minh họa về vòng tròn kết nối nhiều người cũng được thí sinh nhận định là hay, dễ ăn điểm. Thí sinh Phi Long, Trường THCS Đồng Khởi quận 1, chia sẻ: “Em thích nhất câu này và theo em dù có tính tập thể, hòa đồng với nhóm nhưng tuổi trẻ cần có sự khác biệt để chứng tỏ bản thân nhằm theo đuổi đam mê riêng, sở thích riêng chứ không thể đồng nhất”.

Ở Hội đồng thi tuyển sinh lớp 10 chuyên Nguyễn Khuyến quận 10, nhiều thí sinh cũng nhận định đề thi môn Văn năm nay khá hay và thí sinh làm bài với tâm trạng hứng khởi, được thỏa thích trình bày ý tưởng, suy nghĩ chứ không bị ràng buộc theo mô típ cũ chỉ dừng ở một tác phẩm văn học.

Thí sinh Thanh Thảo ( Trường THCS Đặng Trần Côn quận 4) cho rằng câu 3 về nghị luận xã hội hay nhất và tạo cảm hứng để học sinh thăng hoa, trình bày cảm xúc về quá trình học Văn, hiểu biết về các tác phẩm văn học. Học sinh được chọn 1 trong hai đề nên dễ dàng làm bài theo năng lực, sở thích. Đề Văn ra theo hướng mở, sát chương trình học và yêu cầu thí sinh biết vận dụng, liên hệ thực tế chứ không rập khuôn sách giáo khoa. Cụ thể trong đề 1 của câu 3 về thể loại nghị luận xã hội, ngoài yêu cầu thí sinh cảm nhận về hai khổ thơ trích đoạn trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận, đề thi còn mở rộng biên độ, cho phép thí sinh liên hệ với một tác phẩm khác hoặc thực tế cuộc sống để thấy được tình yêu, sự gắn bó của con người Việt Nam với biển quê hương. Với những thí sinh có cảm nhận văn học tốt, có năng khiếu thì lại thích thú với đề 2 của câu 3. Đề yêu cầu “Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, em hãy viết bài Văn với nhan đề “Đọc một tác phẩm - Đi muôn dặm đường”.

Theo một nhóm học sinh Trường THCS Nguyễn Du, đề Văn dễ và nó giúp học sinh cảm thấy học Văn không bị gò bó, học Văn là để sáng tạo, thăng hoa với những cảm xúc thật của mình.

Cô Trần Mộng Vân, Tổ trưởng Tổ Văn của Trường THCS Lạc Hồng và tổ trưởng tổ Văn của phòng GD-ĐT quận 10 cũng nhận định rằng đề văn năm nay quá hay, thoát khỏi văn mẫu và có sự sáng tạo trong việc câu hỏi vừa có chữ vừa có hình. Cụ thể như câu 2 đề thi có chữ rất ngắn kèm hình ảnh với yêu cầu viết bài văn ngắn trình bày suy nghĩ, cảm nhận về chủ đề “Tuổi trẻ có cần sự khác biệt?”. Điều này đòi hỏi thí sinh phải biết quan sát hình ảnh kèm theo câu hỏi và có kỹ năng, biết thuyết minh, trình bày nội dung theo yêu cầu đề thi. Cách ra đề thi này rất sáng tạo và thí sinh phải suy nghĩ kỹ để thể hiện quan điểm cần có nét riêng, sáng tạo, linh hoạt, nhất là cái tôi của mình trong cái chung của tập thể như thế nào cho hài hòa. Riêng ở câu 3 về nghị luận, cô Mộng Vân cũng nhận định đề Văn ra theo hướng phân hóa rõ rệt và học sinh có năng lực trung bình sẽ chọn đề 1 vì dễ, theo mô típ cũ, dễ kiếm điểm. Còn đề 2 dành cho học sinh khá giỏi về môn Văn, có khả năng cảm thụ văn học tốt. Các em này sẽ có “đất dụng võ”, thể hiện năng khiếu của mình cũng như đúc kết cái hay, cái đẹp trong những tác phẩm văn học mà mình yêu thích. Cách ra đề theo hướng mở, liên hệ thực tế này đã đi đúng hướng đổi mới cách dạy và học Văn trong trường phổ thông, triệt tiêu cách học tủ, học vẹt của học sinh.

Chiều nay, thí sinh tiếp tục thi môn thứ hai là ngoại ngữ với thời gian làm bài là 60 phút ( từ 14 giờ đến 15 giờ).

KHÁNH BÌNH

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/thi-sinh-phan-khoi-vi-de-thi-mon-van-hay-giau-tinh-sang-tao-448155.html