Thi sắc đẹp quốc tế: Nhiều quá hóa... nhàm?

2016 là năm nở rộ các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, từ các người đẹp cho đến các người mẫu nam. Song rầm rộ nhiều cuộc thi, mà người đẹp đi thi hầu như không đủ để đáp ứng tiêu chí của mỗi nơi, thành ra chưa chắc nhiều đã là tốt. Năm ngoái, có hai người đẹp ghi dấu bước đầu thành công là Lan Khuê và Thúy Vân, và một người để lại ấn tượng tốt là Phạm Hương. Năm nay, tuy chưa có kết quả nhưng dàn thí sinh theo đánh giá chung không mạnh bằng năm trước.

Liên tiếp các cuộc thi quốc tế

Chỉ trong 2 tháng trở lại đây, đã có 8 - 10 cuộc thi nhan sắc quốc tế tầm trung và nhỏ thu hút nhiều thí sinh tham gia. Đã có hai cuộc thi có kết quả, là Nữ hoàng Du lịch quốc tế (Miss Tourism Queen International 2016) vừa diễn ra tại Trung Quốc vào cuối tháng 9 và Nam vương Đại sứ hoàn cầu. Trong đó, người mẫu Ngọc Tình đoạt giải Á vương Đại sứ hoàn cầu kiêm giải Nam vương Châu Á, còn người đẹp Đặng Phạm Phương Chi lọt vào top 10 cuộc thi Nữ hoàng Du lịch quốc tế 2016.

Hoa khôi Nam Em được đánh giá cao ở cuộc thi hạng trung Hoa hậu Trái đất. Ảnh: TL

Tuy nhiên, điều đáng nói là hai cuộc thi không để lại tiếng vang và tiêu chí chọn thí sinh cũng chưa rõ ràng. Một số cuộc thi nhan sắc quốc tế lớn như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ… thường có sự tuyển lựa trong nước và người đăng quang ngôi vị Hoa khôi áo dài Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam mới được cử đi thi quốc tế. Còn những cuộc thi nhỏ lẻ thì chọn những cái tên không mấy người biết đến, hoặc nếu có nghe tên thì cũng chỉ ở trong giới người mẫu. Như Phương Chi chưa từng tham gia các cuộc thi người đẹp uy tín trong nước, chỉ là cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền (nghỉ học giữa chừng).

Hiện tại còn có 5 người đẹp đang dự thi ở đấu trường nhan sắc quốc tế. Cụ thể, Phạm Ngọc Phương Linh dự thi Hoa hậu Quốc tế 2016, Nguyễn Thị Lệ Nam Em - Hoa hậu Trái đất 2016, Nguyễn Thị Loan - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2016, Nguyễn Thị Bảo Như - Hoa hậu Liên lục địa 2016, Nguyễn Thị Ngọc Duyên - Nữ hoàng sắc đẹp toàn cầu 2016.

Trong số các thí sinh nói trên, Á khôi Áo dài Phương Linh và Hoa khôi Nguyễn Thị Lệ Nam Em được chú ý nhất. Phương Linh xuất thân từ cuộc thi Hoa khôi Áo dài Việt Nam - đơn vị nắm bản quyền 3 cuộc thi quốc tế, trong đó có Hoa hậu Thế giới, và Nam Em từ cuộc thi nhỏ hơn - Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long. Theo thông tin ban đầu, Phương Linh vừa giành được danh hiệu Đại sứ du lịch của cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2016 ngay tại giai đoạn khởi động, còn Nam Em giành 2 huy chương bạc phần thi tài năng và trang phục dân tộc tại Hoa hậu Trái đất. So với Phương Linh, Nam Em có được êkíp mạnh từng hậu thuẫn cho Hoa hậu Phạm Hương dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015, nên cả về phần truyền thông và trang phục đều có sự chuẩn bị chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, về thành tích học tập thì hiện Phương Linh dẫn đầu khi đang là sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM).

Nguyễn Thị Loan từng dự thi nhiều cuộc thi trong nước và được đánh giá cao về hình thể, là người thi thế cho Á khôi 1 Hoa khôi Áo dài Yến Nhi khi Yến Nhi không đủ điều kiện visa đi Mỹ. Trước khi tham gia Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2016, người đẹp từng giành giải Người đẹp biển và lọt top 5 chung cuộc Hoa hậu Việt Nam 2010, cô cũng chính là Á hậu 2 của cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2013. Tuy nhiên, những giải phụ này kèm theo độ tuổi hơi cứng và việc chuẩn bị cập rập do thi thế khiến người ta ít kỳ vọng ở chiến thắng của người đẹp này ở đấu trường quốc tế.

Hai người đẹp khác là Bảo Như và Ngọc Duyên đều khá mờ nhạt do chỉ dự những cuộc thi nhỏ trong nước. Bảo Như là Á hậu 1 Hoa hậu Biển Việt Nam 2016 đã kết thúc Hoa hậu Liên lục địa 2016 mà không lọt được vào top 15, còn Ngọc Duyên chỉ vào đến top 5 cuộc thi người đẹp Phụ nữ thời đại 2012, Giải ấn tượng Miss Teen 2012, Giải đồng siêu mẫu 2015.

Công nghệ đào tạo hoa hậu còn yếu

Chính vì xuất phát từ những cuộc thi nhỏ lẻ, hoặc là thí sinh “thi thế”, nên các người đẹp khó có thể tự tin bước ra đấu trường quốc tế. Trong khi các nước, các lò hoa hậu có truyền thống đào tạo thí sinh đoạt giải lâu đời, thì ở Việt Nam, tất cả hãy còn mới mẻ. Chỉ một vài đơn vị nắm giữ bản quyền thi nhan sắc quốc tế mới có một đội ngũ chuyên gia đứng sau tư vấn và hướng dẫn tập luyện thể hình cho thí sinh, như Công ty Elite, hay Công ty Hoàn Vũ. Tuy nhiên, kinh nghiệm chưa thể bằng nước người, sự chuẩn bị cho một người đẹp đi thi trong vòng 2 năm trở lại là chưa đủ thuyết phục. Để có quy trình chuẩn hóa hoa hậu, cần thời gian nhiều hơn, 5 - 10 năm và thậm chí, uốn nắn các bé gái ngay từ khi còn nhỏ. Ngoài nhan sắc, hình thể chuẩn, các người đẹp còn cần được huấn luyện kỹ năng giao tiếp, khả năng nói tiếng Anh cùng phong thái thanh lịch. Và một trong những điểm yếu của các thí sinh Việt chính là vấn đề sức khỏe, độ bền và sự dẻo dai. Điều này không phải qua vài thế hệ là có thể thay đổi được, mà còn phụ thuộc ở chiến lược vun trồng và phát triển giống nòi với nhiều chương trình kết hợp.

Ngoài những yếu tố trên, thi sắc đẹp ngày một trở nên nhàm hơn vì hầu như việc tham gia cuộc thi mới chỉ ở mức độ khỏa lấp chỗ trống chứ chưa thực sự có sự chuẩn bị lâu dài. May ra có thể có một vài thành tích đột phá ở những cuộc thi nhỏ lẻ, nhưng về đường xa, cần phải có chiến lược đào tạo dài hạn cũng như có được số lượng thí sinh có ưu thế vượt trội. Đó còn là bài toán tốn kém cho các công ty đại diện Việt Nam gửi người đẹp đi thi nhan sắc quốc tế.

MINH THI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/thi-sac-dep-quoc-te-nhieu-qua-hoa-nham-604013.bld