Thi nhan sắc quốc tế: Cứ thoái mái tham dự, nhưng...

Ông Nguyễn Đăng Chương vừa rời ghế, Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Vương Duy Biên tạm kiêm nhiệm điều hành Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Cục này liền có thay đổi, bắt đầu từ tư duy.

Nguyễn Thị Thành - người nhiều lần bị mang tiếng "thi chui".

Thay đổi này được Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết, sắp tới sẽ kiến nghị sửa đổi một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP theo hướng: Các người đẹp không cần có sự cho phép của cơ quan quản lý Nhà nước, không cần phải có danh hiệu trong nước mới được đi dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế.

Phải nói ngay rằng, đây là một tinh thần đổi mới theo hướng cởi mở hơn của ông Thứ trưởng. Bởi lâu nay ai cũng biết, các người đẹp khi không được cấp phép đi thi chính thức, thì họ đi "thi chui", rồi đạt danh hiệu và trở về với tiếng tăm nhất định. Dù Cục NTBD không công nhận những danh hiệu đó, nhưng cộng đồng biết, thị trường showbiz ghi nhận, thì sự không công nhận của Cục NTBD cũng chẳng có ý nghĩa gì, nếu không muốn nói điều đó cho thấy sự muốn xác lập, và trở thành, một thứ giá trị bảo thủ kìm hãm khát vọng của những người đẹp.

Mới đây, Mark Zuckerberg - CEO của Facebook - giàu sụ trong Top 10 tỉ phú thế giới và đặc biệt nổi tiếng với tài năng và sự thông minh, sáng tạo, trở lại Đại học Harvard nơi anh chưa bao giờ tốt nghiệp, nói chuyện với sinh viên và nhấn mạnh rằng: Phải thổi vào giới trẻ những khát vọng, những giấc mơ.

Vâng, cả những giấc mơ dù xa vời nhưng đẹp đẽ mà nếu nó trở thành hiện thực cũng có lợi cho cá nhân và cộng đồng, thì tại sao không? Vâng, những khát vọng và những giấc mơ đó có thể giúp thay đổi cuộc đời họ và gia đình họ, tại sao không?

Quay lại việc qui định cấp phép/không cần cấp phép cho người đẹp thi nhan sắc quốc tế: Có cần thiết không, để làm gì? Người đẹp Nguyễn Thị Thành "thi chui" bị cộng đồng mạng ném đá te tua, thử hỏi thực ra cô ấy có tội gì, hay mong muốn, khát vọng, ước mơ của cô, điều mà CEO Mark của Facebook kêu gọi và trân trọng, là một cái tội? Hay do qui định quá bảo thủ và lạc hậu?

Sự tham mưu để ban hành qui định phải cần được cho phép/cấp phép chỉ là thứ sản phẩm xuất phát từ tư duy cửa quyền, chứ không phải từ tư duy kiến tạo. Vậy nay, Thứ trưởng Biên đã đụng đến vấn đề, cũng là điều nhức nhối, thì nên cởi bỏ và kiến tạo cho những khát vọng, cho những giấc mơ tuổi trẻ có cơ hội vươn được tới bến bờ của họ.

Tuy nhiên theo chúng tôi, "cởi trói" và cởi mở, tạo sự thông thoáng và kiến tạo, nhưng vẫn phải có sự quản lý nhất định của nhà nước. Hiện nay trên thế giới, trong khu vực, mỗi năm có hàng chục, hàng trăm cuộc thi sắc đẹp mỗi năm. Những cuộc thi không đủ sức hấp dẫn, các thứ danh hiệu phù phiếm thiếu bền vững, rồi theo thời gian cũng tự phai mờ mà thôi.

Song nhà nước, cần giữ lại sự quản lý, đối với việc cử người đi thi các cuộc thi nhan sắc quốc tế như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, là những cuộc thi được đánh giá ngay từ dải ruybăng "Miss Vietnam", "Miss Universe Vietnam", là đại diện cho quốc gia. Còn các người đẹp đi dự những cuộc thi không cần được cấp phép, cứ dòng chữ trên ruybăng "from Vietnam" là được. Nguyễn Thị Thành là trường hợp đã xử lý tình huống theo hướng này.

Thẩm Hồng Thụy

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan/thi-nhan-sac-quoc-te-cu-thoai-mai-tham-du-nhung-673328.bld