Thi đua phải thực chất

Có thể nói, trong nhiệm kỳ 2013-2018, với vai trò, chức năng của mình, tổ chức công đoàn đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Đặc biệt, các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, người lao động đã có những thay đổi quan trọng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, người lao động, trọng tâm là thi đua "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo" được nhiều đơn vị cụ thể hóa phù hợp với thực tiễn của ngành, địa phương, cơ sở đem lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động các cụm, khối thi đua của các cấp công đoàn dần đi vào nền nếp, thiết thực hơn. Nhiều mô hình tốt, cách làm hiệu quả ở các ngành, địa phương tiếp tục được phát huy, động viên người lao động tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập.

Việc tổng kết phong trào thi đua, bình xét khen thưởng, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến, quan tâm tới tỷ lệ công nhân lao động trực tiếp được khen thưởng, bước đầu chuyển biến tích cực. Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành đã khen thưởng hàng nghìn tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một số vấn đề còn tồn tại, đó là phong trào thi đua có nơi thực hiện còn hình thức, chạy theo thành tích, không thường xuyên, liên tục; nội dung thi đua chung chung. Việc phát động, triển khai các phong trào thi đua trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Đáng chú ý, công tác khen thưởng còn tập trung vào những tập thể lớn khu vực nhà nước, người có chức vụ, chưa chú trọng khen thưởng đối với các tập thể nhỏ, doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là công nhân trực tiếp sản xuất. Tỷ lệ này mới đạt chưa đầy 2% tổng số cá nhân đề nghị khen thưởng.

Công tác tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến chưa được quan tâm đúng mức. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thi đua khen thưởng chưa thường xuyên. Chưa có cơ sở đào tạo chuyên ngành công tác thi đua khen thưởng, cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan làm công tác thi đua khen thưởng chưa thống nhất giữa các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương cũng là những hạn chế trong phát huy sức mạnh của các phong trào thi đua, nhân rộng điển hình tiên tiến...

Thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới nội dung, cách thức tổ chức các phong trào thi đua trong cán bộ, đoàn viên, người lao động và hoạt động công đoàn sao cho thi đua phải thực chất, phải tạo động lực góp phần tăng năng suất lao động, thi đua lan tỏa giữa tập thể với tập thể, cá nhân với cá nhân. Phong trào "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo" cần được cải tiến, đổi mới phù hợp thực tiễn từng ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp.

Trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, phong trào thi đua nên tập trung vào nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế chính sách pháp luật; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu" cần đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, đúng chủ trương mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra nhằm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.

Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cần gắn với phong trào "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật", "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi", "Kinh doanh giỏi, quản lý tốt", "Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động"; phong trào "Mỗi kỹ sư một đề tài, mỗi tổ công đoàn một sáng kiến"... Đồng thời, các cấp công đoàn cần lựa chọn phát động các phong trào thi đua phù hợp, gắn liền với nhiệm vụ chính trị, sản xuất, kinh doanh của ngành, địa phương, doanh nghiệp góp phần trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của ngành, địa phương, doanh nghiệp, lợi ích của đoàn viên, người lao động.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh, đẩy nhanh việc đổi mới công tác đánh giá thi đua theo hướng lượng hóa các tiêu chí nhằm đánh giá một cách thực chất, minh bạch, công khai hơn. Chú trọng phát hiện khen thưởng kịp thời, khen thưởng đột xuất đối với những tập thể nhỏ, tập thể và cá nhân trong khu vực sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, người trực tiếp lao động sản xuất.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33201802-thi-dua-phai-thuc-chat.html