Thí điểm phá sản ngân hàng: Cần thiết nhưng phải thận trọng!

Lâu nay, tại Việt Nam chưa từng có tiền lệ cho ngân hàng nào phá sản. Do vậy, đối với nhiều người, phá sản ngân hàng là điều gì đó rất nghiêm trọng, khó có thể chấp nhận. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, nhằm giảm gánh nặng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong giai đoạn tới, phá sản ngân hàng yếu kém cũng là ý tưởng rất đáng xem xét.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sẽ thí điểm phá sản ngân hàng yếu kém

Lâu nay chúng ta vẫn luôn có thông điệp nếu ngân hàng mất khả năng thanh khoản và đứng trước khả năng đổ vỡ thì Ngân hàng Nhà nước sẽ ra tay can thiệp.

Với vai trò và tính chất nhạy cảm của hoạt động tín dụng ngân hàng đối với nền kinh tế, trong quá trình tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại 3 ngân hàng thương mại với giá 0 đồng là VNCB, Oceanbank và GPBank và cho các ngân hàng yếu kém tự tái cơ cấu hoặc có thêm thời gian để xử lý nợ, tránh đổ vỡ hệ thống.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, nếu việc này vẫn tiếp tục kéo dài sẽ tồn tại không ít ngân hàng yếu kém chưa được xử lý triệt để, trở thành gánh nặng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong giai đoạn tới. Đồng thời, cũng không phù hợp với quy luật cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 22/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém.

“Làm được như vậy thì có tác dụng cảnh tỉnh rất nhiều. Chứ bây giờ cứ thành lập ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi Nhà nước phải mua lại 0 đồng, rồi Nhà nước đứng ra lo thì ai chả muốn làm. Như vậy, với tổ chức ngân hàng nào còn có thể phục hồi được thì chúng ta nói là tái cơ cấu, còn với những ngân hàng không phục hồi được thì chúng ta gọi là xử lý ngân hàng yếu kém”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, khi đề cập đến các biện pháp phá sản đối với các ngân hàng thương mại yếu kém, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, nhưng còn những ngân hàng bê bết quá thì không thể tồn tại được.

Đồng tình quan điểm này, nhiều ý kiến đồng thuận rằng, bản chất ngân hàng thương mại cũng là một doanh nghiệp. Do vậy, họ phải tự chịu trách nhiệm về những thất bại trong kinh doanh của mình, nếu hoạt động không hiệu quả thì chấp nhận sự phá sản. Chứ không có chuyện cứ làm ăn thua lỗ yếu kém lại để Nhà nước phải gánh chịu hoặc xử lý hậu quả.

Cần thận trọng

Dường như chủ trương Chính phủ sẽ thí điểm phá sản ngân hàng yếu kém đang nhận được nhiều ý kiến đồng tình bởi phù hợp với quy luật cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao việc thí điểm phá sản ngân hàng yếu kém phải đảm bảo được 2 nguyên tắc quan trọng nhất: Phải bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, chúng ta có thể triển khai theo phương án này nhưng hết sức thận trọng, cần phải làm từ từ.

Một số chuyên gia cho rằng, trước khi xem xét cho ngân hàng nào phá sản thì cần giám sát chặt chẽ quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng. Xem ngân hàng nào là ngân hàng gây ra nợ xấu nhiều nhất. Bởi thời gian qua, một số ngân hàng yếu kém không hề minh bạch thông tin, kinh doanh bất chấp pháp luật. Hàng loạt các ông chủ ngân hàng phải ra trước vành móng ngựa đã chứng minh cho điều này.

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, quá trình tiến hành phá sản ngân hàng, đặc biệt là hoạt động thanh lý tài sản, có thể mất một khoảng thời gian dài, gây ra tâm lý tiêu cực cho người gửi tiền. Do vậy, cần làm tốt việc bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền. Chính phủ cũng có thể đứng ra bảo lãnh thanh toán trước cho người gửi tiền nếu như các thỏa thuận thanh lý tài sản với các đối tượng mua đã hoàn tất.

PV.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/thi-diem-pha-san-ngan-hang-can-thiet-nhung-phai-than-trong-95017.html