Thí điểm dạy tiếng Trung, Nhật: Cấp 1 thông thạo tiếng Việt là tốt lắm rồi

“Bộ nên chọn lọc ngoại ngữ thông dụng để đưa vào chương trình học bắt buộc. Còn những ngoại ngữ khác như Nga, Nhật, Trung, từng gia đình có định hướng riêng cho các cháu thì có thể đầu tư”, một phụ huynh chia sẻ.

Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có mục tiêu chính nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cùng với tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật Bản như ngoại ngữ thứ nhất.

Theo đó, Bộ sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017.

Một lớp học ngoại ngữ (ảnh: Thống Nhất)

Năm học 2016-2017, Bộ đã cho thí điểm dạy tiếng Nhật từ lớp 3 tiểu học tại 5 trường ở Hà Nội và TP HCM. Môn này lần lượt nhân rộng trên cả nước, đặc biệt là những địa phương có nguyện vọng và điều kiện triển khai. Điều này đã tạo ra không ít ý kiến trái chiều từ các bậc phụ huynh.

Chị Trần Hương Giang (có con đang học chuyên Pháp tại THPT chuyên Ngoại ngữ) cho hay: “Bộ nên chọn lọc ngoại ngữ thông dụng để đưa vào chương trình học bắt buộc còn những ngoại ngữ khác như Nga, Nhật, Trung, từng gia đình có định hướng riêng cho các cháu thì có thể đầu tư.

Vì hiện nay các cháu tiểu học trường công lập rất nhiều bài tập mà nặng về lý thuyết (học trong sách giáo khoa) mà không có thực hành (những buổi dã ngoại, những buổi học thực tế, các buổi kỹ năng sống). Trong khi bài tập thì nhàm chán giờ đây lại đưa các ngoại ngữ Nga, Trung, Nhật vào trường tiểu học dạy như ngoại ngữ thứ nhất sẽ rất vất vả cho các cháu.

Quan trọng là khi học các cháu không có môi trường thì không ứng dụng. Bố mẹ thì không biết để hướng dẫn con tiến bộ được. Rồi lại tốn công sức của cả thầy và trò.

Nhiều bé lớp 3 tiếng Việt còn chưa thông, nói tiếng Anh cũng khó lại còn đưa ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh vào chương trình bắt buộc thì khác gì mang các cháu ra làm thí nghiệm?

Bản thân con mình cấp 3 cháu thi vào chuyên ngữ và gia đình định hướng cho cháu đi Canada nên động viên cháu học chuyên Pháp nhưng hiện giờ vẫn học và dùng tiếng Anh. Thậm chí thi tốt nghiệp vẫn chọn tiếng Anh".

Một phụ huynh khác xin giấu tên cho hay: “Theo kinh nghiệm bản thân, nếu tính là đã học thì mình đã tốn nhiều thời gian, công sức và tiền để học qua 3 ngoại ngữ: Tiếng Pháp học 3 năm cấp 3; Tiếng Nga học 4 năm đại học; Tiếng Anh học và dùng khoảng 8 năm.

Tiếng Pháp và tiếng Nga quên sạch sau khoảng 3 năm không tiếp tục học và dùng đến. Tiếng Anh thì nay còn ú ớ như kẻ ngọng và nghe tiếng được tiếng mất như nặng tai.

100% bạn học của tôi quên sạch thứ tiếng đã học chỉ sau 3 năm không dùng đến, chưa kể 70% các bạn vật vã mới qua nổi môn ngoại ngữ dù là chỉ chuyên học đọc hiểu và ngữ pháp. Còn nghe, nói thì chịu hẳn. Vậy nên, việc học và dùng ngoại ngữ nên để học sinh tự chọn, đừng ép uổng các con...

Trẻ con cấp 1 mà thông thạo tiếng Việt là tốt lắm rồi. Con trai mình du học Đức chỉ học 9 tháng (600 tiết) đã đủ tiêu chuẩn sang Đức, sau khi học 1 năm dự bị (cả học tiếng và các môn khác) đã trở thành sinh viên đại học.Vậy nên khi cần ngoại ngữ nào thì các con sẽ học ngôn ngữ đó”.

Chị Đỗ Thị Thu Hồng (phụ huynh có con học lớp chuyên Đức – THPT Chuyên Ngoại Ngữ) bày tỏ quan điểm: “Dạy tiếng Nhật, Trung cho các con từ lớp 3 là quá sớm, thực sự không cần thiết.

Là một phụ huynh, tôi không đồng ý với đề xuất này của Bộ GD&ĐT. Bởi lẽ, các con còn quá nhỏ, học tập đã quá áp lực, không phải học sinh nào cũng lĩnh hội hết kiến thức. Phần lớn là bố mẹ phải kèm thêm cho con và những ngôn ngữ ấy bố mẹ không giúp con được. Trong khi những ngôn ngữ kia không phải quá thông dụng.

Học sinh hiện nay cần phải học một số kỹ năng và lĩnh hội được hết tiếng Việt. Đó mới là điều quan trọng. Bản thân mình thấy các em sinh viên đại học ngành xã hội nhân văn mà viết một báo cáo thực tập cũng không được. Vậy bản chất, ngay cả học tiếng Việt các em còn học chưa xong. Hoặc khi gia đình có mục tiêu cho con đi du học nước ngoài thì có thể tìm đến một số trung tâm và học.

Bản thân con mình đang học tiếng Đức ở THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Dù có nhiều dự định trong tương lai nhưng mình cũng chỉ cho con học tiếng Đức ngay sau khi vào lớp 10. Song song với đó là học cả tiếng Anh bởi khi thi tốt nghiệp con vẫn thi tiếng Anh. Dù sao, tiếng Anh cũng là ngôn ngữ thông dụng nhất”.

Liên quan đến việc dạy và học tiếng Anh được đánh giá chưa hiệu quả, việc đưa thêm nhiều ngoại ngữ khác vào dạy phổ thông có thể gia tăng áp lực cho học sinh, đại diện Ban quản lýđề án Ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2016-2020cho hay:Các ngoại ngữ được dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân là theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.

Chất lượng của dạy học tiếng Anh cũng như các ngoại ngữ khác còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Việc dạy một ngoại ngữ dường như không ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả của dạy ngoại ngữ khác”.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thi-diem-day-tieng-trung-nhat-cap-1-thong-thao-tieng-viet-la-tot-lam-roi-post209773.info