Thí điểm dạy tiếng Trung, Nga: Không nên là môn ngoại ngữ bắt buộc

'Gia đình nào có định hướng cho con đi du học hay làm những ngành nghề liên quan trực tiếp tới ngoại ngữ nào thì cho con học ngoại ngữ ấy. Hoặc học sinh nào yêu thích ngoại ngữ nào các em sẽ tự nguyện đăng ký học', thạc sĩ Ngô Thị Kim Chi cho hay.

Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có mục tiêu chính nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cùng với tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật Bản... như ngoại ngữ thứ nhất.

Theo đó, Bộ sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017.

Năm học 2016-2017, Bộ đã cho thí điểm dạy tiếng Nhật từ lớp 3 tiểu học tại 5 trường ở Hà Nội và TP HCM. Môn này lần lượt nhân rộng trên cả nước, đặc biệt là những địa phương có nguyện vọng và điều kiện triển khai. Đề xuất này của Bộ GD&ĐT đã gây ra không ít ý kiến trái chiều.

Lớp học ngoại ngữ (ảnh minh họa)

Lớp học ngoại ngữ (ảnh minh họa)

Để rộng đường dư luận, PV có cuộc trò chuyện cùng chuyên gia giáo dục, thạc sĩ Ngô Thị Kim Chi.

Chuyên gia giáo dục Ngô Thị Kim Chi cho hay: “Kiến thức của học sinh tiểu học hiện nay cũng khá nặng. Ngoài ngôn ngữ, các em cũng cần trau dồi rất nhiều kỹ năng như: Kỹ năng thoát khỏi nguy hiểm, kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng tạo sự chú ý...Đó là chưa kể, nhiều phụ huynh còn muốn cho con em mình học môn năng khiếu như hát, múa, họa, nhạc....

Vì thế, ngay từ bậc tiểu học nhưng các em cũng phải học rất nhiều thứ, chúng ta đừng tạo áp lực cho học sinh bằng cách cho các em học các ngôn ngữ khác như: Tiếng Nhật, Trung...để các em bị loạn bởi chính các ngôn ngữ không phải tiếng Việt.

Trước đó, tôi đã có nhiều cuộc nói chuyện với các phụ huynh tại TP.Hồ Chí Minh, hầu hết cha mẹ đều mong muốn nhà trường tập trung dạy thật tốt tiếng Anh thay vì thí điểm nhiều ngoại ngữ như hiện nay với một số trường tiểu học”.

Chuyên gia giáo dục, thạc sĩ Ngô Thị Kim Chi.

Chuyên gia giáo dục Ngô Thị Kim Chi cũng cho biết: "Cá nhân tôi nghĩ rằng không nên để tiếng Trung và tiếng Nga là môn ngoại ngữ thứ nhất (môn học ngoại ngữ bắt buộc) mà nên để phụ huynh học sinh được tự chọn với những định hướng khác nhau của từng gia đình.

Ví như, gia đình nào có định hướng cho con đi du học hay làm những ngành nghề liên quan trực tiếp tới ngoại ngữ nào thì cho con học ngoại ngữ ấy.

Hoặc học sinh nào yêu thích ngoại ngữ nào các em sẽ tự nguyện đăng ký học. Chỉ khi các em tự nguyện và yêu thích thì việc học ngoại ngữ mới có hiệu quả thực sự. Học học ngôn ngữ nào cũng tốt nhưng quan trọng hình thức tổ chức cũng như nội dung phù hợp và hiệu quả. Thiết nghĩ, chúng ta cần phải nghiên cứu, chuẩn bị thật kỹ lưỡng và có lộ trình rõ ràng để không thể mang con trẻ ra làm “chuột bạch” như nhiều người vẫn nói”.

Hiện nay, các nước trên thế giới hiện nay đang tiến tới toàn cầu hóa và tiếng Anh đang là ngôn ngữ chính. Ngay như các nước châu Âu (Tiệp, Hà Lan, Đức...) tiếng Anh gần như là ngôn ngữ gần như chính, bắt buộc ở các trường cấp tiểu học, THCS và THPT. Như vậy, có thể nói tiếng Anh là thứ tiếng phổ biến trên toàn thế giới rất tiện lợi vì có tính trung lập cao khiến ngôn ngữ này phát triển hơn so với nhiều thứ tiếng khác.

“Cho dù các ngôn ngữ khác có ảnh hưởng đến chúng ta về mặt văn hóa, kinh tế nhưng khó có khả năng thay thế được vai trò của tiếng Anh vì tính tiện lợi, đơn giản và dễ sử dụng cũng như sự phổ biến hiện nay của nó”, chuyên gia giáo dục Ngô Thị Kim Chi cho hay.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thi-diem-day-tieng-trung-nga-khong-nen-la-mon-ngoai-ngu-bat-buoc-post210285.info