Thí điểm cấp thị thực điện tử trong 2 năm, kể từ 1-2-2017

Với 449 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành (91,08%), sáng nay, 22-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Tạo lựa chọn mới cho người nước ngoài

Trước khi thông qua Nghị quyết, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Điều 3 và Điều 7 dự thảo Nghị quyết với đa số ĐBQH tán thành.

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Võ Trọng Việt trình bày cho thấy, một số ý kiến đề nghị không ban hành Nghị quyết, vì cho rằng việc thí điểm gây tốn kém; nhiều quốc gia phát triển cũng không cấp thị thực điện tử; Luật công nghệ thông tin và Luật giao dịch điện tử đã quy định cụ thể vấn đề này…

Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt trình bày báo cáo giải trình

Tuy nhiên UBTVQH thấy rằng, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của UBQPAN đã báo cáo lý do về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đồng thời nhận thấy, thị thực điện tử là một loại thị thực mới sẽ được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử với quy trình, thẩm quyền, điều kiện cấp chưa được quy định trong Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cũng được thực hiện trên cơ sở quy định của Luật công nghệ thông tin, Luật giao dịch điện tử. Đây là một trong những chính sách mới thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính của nước ta, phù hợp chủ trương hội nhập quốc tế, nhằm tạo thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

“Nhất là những người chưa có điều kiện liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam để làm thủ tục mời, bảo lãnh theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tạo thêm một lựa chọn mới cho người nước ngoài khi làm thủ tục đề nghị cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết này” – Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt nhấn mạnh.

Đa số ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, đối tượng được cấp thị thực điện tử như dự thảo Nghị quyết là quá rộng và đề nghị chỉ thực hiện thí điểm đối với công dân một số nước theo nguyên tắc có đi có lại, hoặc nước có quan hệ truyền thống với Việt Nam, hoặc một số khu vực, quốc gia nhất định.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý nội dung này theo hướng chỉ áp dụng cấp thị thực điện tử đối với công dân của những nước có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết.

Chỉ đóng dấu nhập cảnh, không làm thủ tục vào hộ chiếu

Về ý kiến băn khoăn cho rằng, việc cấp thị thực qua hệ thống giao dịch điện tử thì khó bảo đảm quốc phòng, an ninh; cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin chưa bảo đảm; thời gian chuẩn bị cho việc thí điểm ngắn, UBTVQH nhận thấy, những nội dung nêu trên đã được báo cáo cụ thể tại Tờ trình số 500/TTr-CP của Chính phủ (các điểm 2,3,4,5 Mục V).

Mặt khác, Bộ Công an đã có Đề án cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và triển khai, nâng cấp các hệ thống bảo đảm an ninh, an toàn mạng để có thể triển khai thực hiện thí điểm được khi Quốc hội thông qua Nghị quyết.

“Đối với ý kiến băn khoăn đối với cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin chưa bảo đảm, tiếp thu ý kiến ĐBQH, BTVQH đã chỉ đạo quy định theo hướng giao Chính phủ quy định danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử;bảo đảm các điều kiện về cơ sở hạ tầng để việc cấp, kiểm soát thị thực điện tử được chặt chẽ, an toàn, thống nhất, linh hoạt, thuận lợi như Điều 3, Điều 6 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua”, ông nói.

ĐBQH nhấn nút biểu quyết

Có ý kiến cho rằng, việc người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử sẽ khó khăn trong việc xử lý đối với trường hợp sử dụng hộ chiếu nhập cảnh mà hộ chiếu đó ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia. UBTVQH cho rằng, mẫu thị thực điện tử ban hành kèm theo dự thảo Nghị định trong hồ sơ dự thảo Nghị quyết tương tự như mẫu thị thực rời.

“Khi người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh Việt Nam, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh làm thủ tục đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh, xuất cảnh như đối với thị thực rời, không làm thủ tục gì vào hộ chiếu” – Chủ nhiệm UBQPAN khẳng định.

Một số ý kiến không nhất trí thời điểm bắt đầu thực hiện thí điểm là ngày 1-1-2017 và đề nghị lùi thời điểm thực hiện thí điểm cho phù hợp với hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều 151 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về các ý kiến này, UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu về thời điểm bắt đầu thí điểm từ ngày 1-2-2017.

Điều kiện đối tượng được cấp thị thực điện tử (Điều 3 Nghị quyết)

1. Việc thí điểm cấp thị thực điện tử áp dụng đối với công dân của nước có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam;

b) Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ;

c) Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

2. Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/thi-diem-cap-thi-thuc-dien-tu-trong-2-nam-ke-tu-1-2-2017-418021/