'Thi đấu' nội bộ ở đội tuyển bơi quốc gia trước thềm SEA Games 29

Đương kim vô địch SEA Games Lâm Quang Nhật bị 'ép' phải thi đấu nội bộ với 2 VĐV khác để chọn 2/3 VĐV cuối cùng dự nội dung 1.500m tại SEA Games 29. Nhật không chấp nhận, đứng trước nguy cơ bị loại nhưng rồi phút cuối, với sự vào cuộc dữ dội của báo giới, Ban huấn luyện đội tuyển bơi lội và Tổng cục Thể dục Thể thao buộc phải chọn Nhật, tạo ra hàng loạt lùm xùm không đáng có.

Cuộc đấu bất thình lình

Cho đến trước khi Giải bơi vô địch thế giới diễn ra hồi tháng 7 vừa qua ở Hungary, danh sách vận động viên Việt Nam tham dự cự ly 1.500m nam tại SEA Games 29 năm 2017 hầu như đã được chốt lại là Lâm Quang Nhật (20 tuổi) và Nguyễn Huy Hoàng (17 tuổi).

Trong số này, kình ngư Lâm Quang Nhật đã hai lần liên tiếp vô địch SEA Games. Ở SEA Games 28 năm 2015, thành tích của Lâm Quang Nhật (15 phút 31 giây 03) còn phá kỷ lục SEA Games. Đấy là thành tích tốt nhất của một kình ngư tại đường bơi 1.500m – vốn cực nhọc nhất trong các cự ly bơi, ở đấu trường SEA Games.

Trong khi đó, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (Quảng Bình) mới nổi lên trong 2 năm gần đây. Tại Giải bơi vô địch quốc gia năm 2016, thành tích của Nguyễn Huy Hoàng (15 phút 30 giây 11) còn vượt kỷ lục SEA Games 28 của Lâm Quang Nhật.

Kình ngư Lâm Quang Nhật đã hai lần liên tiếp vô địch SEA Games.

Kình ngư Lâm Quang Nhật đã hai lần liên tiếp vô địch SEA Games.

Cho đến khi ấy, bơi Việt Nam đã có thể yên tâm chinh phục tấm huy chương vàng SEA Games 29 dù các kình ngư Malaysia, Indonesia đã tiến bộ mạnh mẽ. Cũng không ngẫu nhiên khi trong các cự ly của nam, bơi Việt Nam chỉ đặt mục tiêu giành huy chương vàng ở nội dung 1.500m.

Tuy nhiên, thành tích đột biến của kình ngư 15 tuổi Nguyễn Hữu Kim Sơn tại giải bơi vô địch thế giới năm 2017 đã khiến Ban huấn luyện tính lại. Tại giải này, Lâm Quang Nhật không tham dự vì muốn toàn tâm toàn ý tập luyện tại Trung Quốc để chuẩn bị cho SEA Games 29.

Còn Nguyễn Hữu Kim Sơn được tung vào thi đấu cọ xát. Với tâm lý thoải mái khi không bị ràng buộc nhiệm vụ giành huy chương nên kình ngư 15 tuổi này đã đạt thành tích cực kỳ ấn tượng là 15 phút 29 giây 90.

Thành tích này còn tốt hơn cả kỷ lục trước đó của Lâm Quang Nhật, Nguyễn Huy Hoàng nên mới khiến Ban huấn luyện tổ chức kiểm tra nội bộ giữa Lâm Quang Nhật, Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Hữu Kim Sơn.

Theo nhiều nguồn tin, sau cuộc kiểm tra này, 2 kình ngư có thành tích tốt nhất sẽ được cử tham dự nội dung 1.500m nam tại SEA Games 29. Người còn lại sẽ phải sang thi đấu ở nội dung khác.

Đấy là cuộc kiểm tra không có trong kế hoạch của đội tuyển và chỉ phát sinh sau khi kình ngư trẻ Nguyễn Hữu Kim Sơn (cũng là học trò của huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia tại An Giang) bất ngờ đạt thành tích tốt ở giải bơi vô địch thế giới năm 2017.

Một cuộc kiểm tra bất ngờ, đột xuất như vậy đương nhiên không có lợi cho một kình ngư đã chọn điểm rơi phong độ tại SEA Games 29 như Lâm Quang Nhật.

Không kể, Lâm Quang Nhật mới trở về nước vào ngày 2-8 sau chuyến tập huấn tại Trung Quốc và đang điều chỉnh để đạt thành tích tốt nhất ở SEA Games 29 chứ không phải ở cuộc kiểm tra “bất ngờ” này.

Phản ứng là đương nhiên

Ý định kiểm tra nội bộ của Ban huấn luyện đội tuyển bơi quốc gia, đứng đầu là huấn luyện viên trưởng Đặng Anh Tuấn lập tức gặp phản ứng từ ngành thể thao TP Hồ Chí Minh – đơn vị chủ quản của Lâm Quang Nhật.

Theo đó, ngành thể thao TP Hồ Chí Minh cho rằng không nơi nào lại tổ chức thi đấu nội bộ vào thời điểm chỉ còn 2 tuần là diễn ra giải đấu nhằm lựa chọn vận động viên. Nếu cứ làm vậy thì vận động viên chỉ lo tập luyện để giành vé tham dự hơn là giành huy chương.

Điều này sẽ tạo nên sự lãng phí cho công tác chuẩn bị của cả huấn luyện viên, vận động viên, đơn vị chủ quản. Trong đơn kiến nghị của ngành thể thao TP Hồ Chí Minh gửi tới Tổng cục Thể dục thể thao đã khẳng định: “VĐV Lâm Quang Nhật đang là đương kim vô địch SEA Games và cũng là người đang nắm giữ kỷ lục SEA Games. Lâm Quang Nhật cũng là người đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á vô địch cự ly 1.500m tự do ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp. Điều này đã khẳng định đẳng cấp của Lâm Quang Nhật tại đấu trường SEA Games. Chính vì vậy, Lâm Quang Nhật đang rất quyết tâm và tự tin có thể lập nên kỳ tích mới với lần thứ 3 đoạt HCV SEA Games”.

Không kể, Lâm Quang Nhật không dự giải vô địch thế giới 2017 nên khó có thể so sánh phong độ và trình độ của 2 kình ngư này.

Cũng vì những lý do trên mà ngành thể thao TP Hồ Chí Minh đã không để Lâm Quang Nhật tham dự cuộc kiểm tra nội bộ trên ở đội tuyển quốc gia vào ngày 8-8. Ngay một số nhà chuyên môn cũng cho rằng thi đấu tuyển chọn chỉ 2 tuần trước SEA Games là phản khoa học, không phản ánh đúng cơ hội giành huy chương của các tuyển thủ.

Trong trường hợp này, Tổng cục Thể dục Thể thao đã để Ban huấn luyện được toàn quyền chuyên môn (chính họ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về thành tích trước Tổng cục Thể dục Thể thao) nhưng cách làm của Ban huấn luyện đã khiến dư luận dậy sóng.

Phút cuối, trước sức ép dữ dội của dư luận và giới chuyên môn, ban huấn luyện đội tuyển lại buộc phải điền tên Quang Nhật vào thành phần dự SEA Games 29, ở nội dung 1.500m sở trường.

Nhưng với tất cả những gì đã diễn ra liệu Lâm Quang Nhật có thể đạt được một trạng thái lý tưởng nhất để tiến đến mục tiêu giành huy chương vàng SEA Games lần thứ 3 liên tiếp hay không?

Rõ ràng câu chuyện để lại một bài học lớn không chỉ với Đội tuyển bơi lội, mà với cả công tác quản lý của ngành Thể dục thể thao nói chung.

Bóng bàn cũng từng "dậy sóng" vì chuyện đấu nội bộ trước thềm SEA Games

Chuyện của Lâm Quang Nhật làm người ta nhớ đến cuộc tuyển chọn nội bộ ở đội tuyển bóng bàn quốc gia trước SEA Games năm 2013. Năm đó, cuộc tuyển chọn được tổ chức gấp gáp ít ngày trước SEA Games 2013 sau lá đơn kiến nghị của một tay vợt trong đội dự tuyển về việc không được dự SEA Games. Tay vợt số 1 Việt Nam khi ấy là Đinh Quang Linh cũng bỏ tham dự tuyển chọn nội bộ vì không chấp nhận cách làm mang tính không có kế hoạch, đường đột này.

Minh Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/so-tay-the-thao/co-dang-day-song-nhu-vay-453038/