Theo dòng thể thao: Ai bảo vệ cầu thủ?

Sự cố liên quan đến hai cầu thủ Long An bị cấm 2 năm thi đấu vì phản ứng tiêu cực đang đặt ra nhiều vấn đề nóng cần giải quyết ở nền bóng đá.

Phải nhấn mạnh rằng, việc xử lý hai cầu thủ này là cần thiết bởi vi phạm quá rõ ràng. Nhưng, vấn đề đặt ra là làm sao để những sự cố buồn không tái diễn và nếu có biến cố, ai sẽ bảo vệ cầu thủ.

Khi sự cố trên sân Thống Nhất diễn ra, ban lãnh đạo, huấn luyện viên và cầu thủ Long An đồng lòng công kích trọng tài. Thậm chí, người ta còn đòi hỏi phải truy đạo đức, tư tưởng của trọng tài. Nhưng, chỉ vài giờ sau đó, khi tham khảo các chuyên gia, nhận thấy trọng tài không sai khi bắt penalty và lo ngại phản ứng từ dư luận về hành động phi thể thao, ban lãnh đạo, ban huấn luyện đội bóng đã thay đổi thái độ 180 độ. Họ quay sang xin lỗi Ban tổ chức giải, người hâm mộ vì có những hành vi đi ngược lại tinh thần thể thao.

Nhiều người tự hỏi, tại sao Long An lại “nhũn như con chi chi” khi VFF bước vào giai đoạn nghị án? Và khi án được tuyên, tất cả đều hiểu, vì sao ban lãnh đạo đội bóng này chấp lùi một bước. Nói cụ thể hơn là, ban lãnh đạo đội bóng chấp nhận hy sinh các thành viên của mình nhằm tránh án phạt nặng dành cho tập thể. Thế nhưng, khi được nói lời sau cùng với Ban kỷ luật, ban lãnh đạo đội bóng khẳng định mình không kích động, xúi giục cầu thủ phản ứng. Lãnh đạo và đội bóng vô can trong vở bi hài kịch sân Thống Nhất. Và khi ấy, những cá nhân cầm đầu đương nhiên phải bị trảm. Đó là lý do vì sao án phạt rất nặng được tuyên cho Minh Nhựt và Quang Thanh.

Cầu thủ không được bảo vệ. Thậm chí, họ bị biến thành vật "tế thần" khi quyền lợi đội bóng đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng. Thực tế, cầu thủ Việt Nam nhận lương chuyên nghiệp nhưng chưa được học hành xử chuyên nghiệp. Họ cũng thiếu những tổ chức, cá nhân có đủ năng lực về pháp lý cũng như kinh nghiệm trong hậu trường nhằm bảo vệ mình khi hữu sự. Rất nhiều lần, vấn đề cầu thủ phải có người đại diện, hoặc trở thành thành viên của Hiệp hội cầu thủ đã được đặt ra. Thế nhưng, đến thời điểm này, chỉ có một vài cầu thủ quan tâm đến việc tìm kiếm những người đỡ đầu về pháp lý cho mình còn đại đa phần vẫn “tay bo” trong ràng buộc với đội bóng. Và ý tưởng thành lập Hiệp hội cầu thủ vẫn đang lơ lửng trên không trung khi cơ quan quản lý không quan tâm và bản thân cầu thủ cũng chẳng mặn mà.

Cầu thủ thì sợ phải chia sẻ nguồn lợi. Đội bóng thì không muốn làm việc với những người hiểu luật. Thế nên, khi xảy ra biến cố, cầu thủ là phía dễ bị tổn thương và thiệt hại nhất. Họ không có phương tiện và khả năng bảo vệ nghề nghiệp, danh dự của mình trước những biến cố lớn. Lúc ấy, vài lời than vãn trên báo chí cũng chẳng thể giải quyết được điều gì khi bản thân cầu thủ rơi vào thế yếu về pháp lý.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/theo-dong-the-thao-ai-bao-ve-cau-thu-281338.html