Theo các quý ông, mục sở thị những thứ rượu “còn lâu mới biết”

(PL&XH) - Nhiều quý ông lắm tiền dùng rượu ngâm từ những loài vật quý hiếm mong cải thiện “khả năng” của mình. Sau nhiều ngày theo chân các đại gia chốn Sài thành, chúng tôi đã cận cảnh “ngàn lẻ một” chiêu thức “độ tửu”, trong đó có hổ sơ sinh…

Chứng tỏ đẳng cấp bằng rượu

Lâu nay dư luận vẫn lên án những thú chơi như uống máu trăn, vạc óc khỉ, nấu cao cốt... các loài động vật quý. Càng đi sâu vào thú “độ rượu” của giới dân chơi, chúng tôi được những người trong cuộc tiết lộ những điều mà khi nghe đến bất cứ ai cũng phải sốc. Ngày ngày những loài động vật hoang dã được xếp vào dạng quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới vẫn bị tóm cổ đưa vào những bình rượu, phục vụ cho mục đích cải thiện sinh lực của các quý ông. Sau nhiều ngày thâm nhập vào thế giới ngầm của các đại gia đất Sài thành, tìm hiểu vấn nạn này, chúng tôi đã “mục sở thị” thú chơi kinh hãi, đó là dùng bào thai hổ hoặc hổ sơ sinh nguyên con để ngâm rượu.

Hành trình tìm hiểu thú chơi này của các quý ông đất Sài Gòn, chúng tôi được tiếp cận những đầu nậu có tiếng trong nghề buôn bán động vật hoang dã, khám phá những điều lâu nay ít ai biết được. Qua tìm hiểu từ Nam (chủ một đầu mối thịt rừng có tiếng ở “phố thịt rừng”, đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Bình), người được biết đến là sành sỏi trong lĩnh vực kinh doanh động vật rừng. Cái nghề mà Nam đang theo đuổi vốn giúp gã ăn nên làm ra nhờ chiêu thức “treo đầu dê bán thịt chó” và những hũ rượu từ động vật quý. Nói về rượu hổ, anh ta khẳng định, thường thì các con “hổ nhi đồng” dùng để ngâm rượu là chính, “mặt hàng” này được vận chuyển theo đơn đặt hàng tuyệt đối bí mật.

Hầm rượu của đại gia V. Ảnh: Từ Huy

Trở lại vấn đề “độ tửu”, trong những ngày thâm nhập, chúng tôi tiếp tục được Minh - một tay chơi “đồ rừng” có tiếng ở Bù Đăng, tỉnh Bình Phước tiết lộ, nếu ngâm rượu thì hổ có trọng lượng dưới 15kg là “đẹp” nhất. Vì ở độ tuổi này, hổ chưa dứt sữa mẹ nên có rất nhiều chất bổ, nếu lớn hơn thì mất đẹp, vừa không còn cái “thần” của bình rượu. “Sau khi cho con hổ con còn sống vào bình, lập tức đổ rượu cho nó chết sặc. Có như thế, những tinh chất từ trong cơ thể hổ mới tiết ra và hòa vào rượu”, Minh cho biết.
Qua giới thiệu của một người bạn, chúng tôi tiếp xúc với ông V, một đại gia ngành xuất nhập khẩu lâm sản và đồ mỹ nghệ. Ngoài lĩnh vực gỗ, ông còn nổi tiếng vì có thâm niên trong việc sưu tầm các loại rượu “độc” và “đỉnh”. Tại tư gia, ông có những hũ rượu “có một không hai”. Thấy chúng tôi có vẻ quan tâm về thế giới rượu, ông V hào hứng dẫn dắt câu chuyện: “Trong ngàn vạn cách thể hiện đẳng cấp thì “chơi rượu” là lựa chọn khá nhiều của các đại gia. Còn trong những chiêu thức “độ rượu” thì hổ lại là cách thể hiện đẳng cấp thượng thặng nhất. Rượu hổ được mệnh danh là “thập toàn đại bổ”, hàng này không phải cứ có tiền là mua được”.

Nhâm nhi ly “tiên tửu” mà ông bảo là tinh chất từ hổ, ông vừa cắt nghĩa “công hiệu” của nó theo y văn cổ truyền với chúng tôi: “Theo sách “Ngọc Thu dược” giải thích: Rượu ngâm hổ con có vị cay ôn, quy kinh Can Thận, khí bình, còn sách “Bản thảo hội ngôn” nói, nó có tác dụng nhập thủ thiếu âm, túc quyết âm kinh. Ai may mắn uống được loại rượu này thường xuyên thì sức khỏe dồi dào tráng dương, bổ huyết”.

Theo phân tích của người có thâm niên “độ rượu” bằng “nhân hổ” như ông V, nếu phân cấp sẽ có hai loại là dạng bào thai và hổ sơ sinh. Quan niệm xưa thì bào thai có nhiều chất bổ hơn là hổ đã lọt lòng, nhưng bắt được hổ đang mang thai để lấy bào thai thì tựa như tìm kim đáy biển, vì thế dân chơi rượu phải miễn cưỡng lựa chọn “hổ nhi đồng” là chính. Để có được những “bộ cốt” có giá trị này, việc săn lùng là cả một câu chuyện.

Hổ, mãng xà chúa, ngẩu pín bò tót đều có trong “bộ sưu tập” này.

Không có căn cứ...

Đang say sưa về thú “độ rượu”, đại gia V ngẫu hứng dẫn chúng tôi đi chiêm ngưỡng kho rượu “độc” mà ông bí mật cất giữ nhiều năm nay. Con đường quanh co nối những thềm bậc dẫn chúng tôi lên căn phòng khuất nhất, trong căn biệt thự được thiết kế như ma trận của ông. Mặc dù cố tưởng tượng nhưng khi cánh cửa hầm rượu được mở ra, tận mắt thấy những hũ rượu, chúng tôi không khỏi choáng váng. Không như những đại gia khác, ông V không chơi rượu ngoại mà chỉ đơn thuần là rượu ngâm. Bởi như ông nói, rượu ngoại có tiền thì bao nhiêu cũng mua được còn rượu ngâm bằng các loài động vật thuộc hàng quý hiếm thì có tiền cũng chưa chắc được sở hữu.

Trong dãy rượu mà ông V đang trưng có nhiều hũ lên đến 50 lít, được làm bằng những chum sành, bình lọ khác nhau. Bên trong nào là mãng xà chúa bành mang, lè lưỡi, “ngẩu pín” bò tót, tinh hoàn của các loài động vật quý hiếm… Ông V bảo, để có đươc một hũ rượu trong số này, phải qua rất nhiều công đoạn. Ngoài việc tìm ra cho được thứ ngâm thật ưng ý, còn phải thuê thợ về bày biện làm sao để các loài vật khi ngập trong rượu rồi mà vẫn như còn sống. Nhìn vào mới thấy “thần thái” của bình rượu, lúc nhắm mới thấy ngon, cũng như cảm nhận được “đẳng cấp” của chính chủ.

Ông V trịnh trọng dẫn tôi đến một trong những bình rượu mà ông tâm đắc nhất mang tên: “Cốt ninh chu xạ dịch”. Đập ngay vào mắt tôi là một chú hổ con nằm lọt thỏm bên trong, miệng giương nanh như thể còn sống. Ông V giới thiệu, hũ tửu hổ này được ông trưng cách đây hơn 6 năm, do một đối tác làm ăn “biếu”. Chỉ tính riêng chi phí con hổ bên trong ông phỏng đoán giá nguyên gốc chí ít cũng không dưới 200 triệu đồng. Nói đoạn ông cười đầy ý nhị cho chúng tôi biết, nếu ai yếu khoản giường chiếu chỉ cần nếm mấy ml rượu này thì lúc lên giường sẽ hoàn toàn “tìm lại chính mình”. Vì thế chỉ có ông và những vị khách “ruột” mới được nếm loại quý tửu này mà thôi. Chính vì nó “độc” như thế nên đối với ông dù rượu ngoại có cao sang bao nhiêu ông cũng chẳng màng.

Lâu nay chỉ nghe dân gian nói đến rượu ngâm cao hổ (xương hổ đã nấu thành cao), còn chuyện “cọp nhi đồng” ngâm rượu nguyên con thì quả là điều từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới được tận mắt thấy. Khi đã được “mục sở thị” thì những nghi hoặc lâu nay về thực hư hổ nguyên con ngâm rượu lâu nay chúng tôi đã “hai năm rõ mười”. Ông V “bật mí”, ông là một trong những người “say” với khoản ngâm “rượu độc”. Hiện tại rất nhiều bạn bè ông là những đại gia đang nắm trong tay rượu “chúa sơn lâm”, mà khi thấy chắc chắn sẽ làm bất cứ ai cũng phải choáng.

Trong cơn cuồng vọng thể hiện bản lĩnh “đàn ông”, những quý ông tin rằng thường ngày được hấp thụ những ly rượu “độc” trên thì mới phát huy sức mạnh dược tính. Chuyện “cải thiện sinh lực” còn chẳng có căn cứ gì, nữa là thú chơi tàn bạo này đã khai tử không ít những loài động vật quý hiếm, vốn đang trên bờ vực bị tuyệt diệt.

Theo đại gia V, nếu không phải chỗ quen biết giới thiệu thì có cất công tìm như thế nào cũng không thể có được hổ con dùng để ngâm rượu. Bởi chúng tuyệt đối được các đầu đầu nậu bí mật đưa về từ các đường dây ở những cánh rừng. Bởi vậy nên giá gốc mỗi con hổ sơ sinh khi đến tay những đại gia chơi rượu, bao giờ cũng được hét đến hàng trăm triệu đồng trở lên. Còn nếu là bào thai hổ thì giá cả trên trời...

Bác sĩ-Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - cảnh báo, dân gian đồn thổi xương bánh chè hổ có tác dụng chữa bệnh thấp khớp, xương khớp sưng đau hay bồi bổ tăng cường sức mạnh... nhưng chưa được kiểm chứng, chứng minh. Thực tế trong các sách đông y trong và ngoài nước đều không nói đến chuyện mài xương hổ để uống, mà chỉ dùng để nấu cao. Việc mài xương bánh chè hổ ra uống theo ông Hướng là rất độc, sẽ ảnh hưởng tới gan và thận.
Ông Hướng phân tích, thành phần hóa học của xương hổ gồm: Canxi, phốtpho, protein, chất keo để thủy phân cho các axít amin. Xương có tính chất quy kinh, vị mặn, tính ấm, quy vào kinh thận, kinh cân (tác dụng vào gan, thận), công dụng trục phòng hàn, bồi dưỡng gân cốt. Xương hổ dù để nấu cao cũng phải làm rất sạch, bỏ hết thịt, gân, tủy, nếu không làm sạch sẽ hỏng cao, nấu xong dễ sinh dòi, thậm chí còn gây độc cho người dùng.

Từ Huy

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/doi-song/theo-cac-quy-ong-muc-so-thi-nhung-thu-ruou-con-lau-moi-biet-86184