Thêm trường hợp ngộ độc, cấp cứu vì trào lưu mì cay 7 cấp độ

Trào lưu mì cay 7 cấp độ đang được giới trẻ yêu thích tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe.

Trào lưu mì cay 7 cấp độ đang thu hút giới trẻ. (Ảnh: Facebook)

Cấp cứu vì ăn mì cay cấp 7

Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao vì một đoạn clip về trường hợp một cô gái trẻ ở Vinh, Nghệ An phải đi cấp cứu vì ăn mì cay. Clip được chia sẻ vào tối ngày 2/10 vừa qua. Theo đó, do cô gái này ăn mì cay ở cấp độ 7 nên bị sốc, những người xung quanh tiến hành sơ cứu cho cô gái này trong lúc chờ để đưa đến bệnh viện.

Cô gái ăn mì cay ở Vinh phải đưa đi cấp cứu. (Video: Facebook)

Tuy chưa có thông tin nào rõ ràng về trường hợp ăn mì cay cấp 7 phải đi cấp cứu trên nhưng nhiều bạn trẻ cũng bắt đầu ái ngại vì trào lưu ăn uống "lợi bất cập hại này". Hoa Lâm Ngọc cho biết: “Không ham hố mấy thứ này. Bạn rủ đi thì cũng gọi cấp 0. Cùng lắm cấp 1. Chứ không ăn được thử sức làm gì cho hại sức khỏe.”

“Lớn hết rồi mà vẫn không tự ý thức được cái gì quá cũng không tốt. Đến đứa trẻ con đưa cho nó quả ớt nó còn xua tay, lắc đầu từ chối nữa là.” - Bạn Quỳnh Ly bình luận

Đây không phải trường hợp đầu tiên phải đi cấp cứu vì ăn mì cay cấp 7. Đầu tháng 6/2016, mạng xã hội lan truyền video clip một thanh niên tên Vũ (30 tuổi, ở TP.Rạch Giá, Kiên Giang) tham gia thử thách ăn tô mì cay cấp 7 ở một quán mì. Trong lúc ăn, mồ hôi anh Vũ đầm đìa, nhễ nhại, mặt đỏ au, nước mắt, nước mũi không ngừng chảy. Sau vài phút cố gắng để ăn hết bát mì, thanh niên này dành được phần thưởng của quán mì trị giá 500.000 đồng và được danh hiệu “Thánh mì cay”. Tuy nhiên, sau đó, anh Vũ cũng chia sẻ dù có thói quen ăn cay từ nhỏ xong thử thách ăn mì cay này cũng làm anh "khốn đốn". Anh Vũ liên tục nôn ói, toàn thân nóng bùng, dạ dạy đau thắt từng cơn và suýt phải nhập viện cấp cứu.

Anh Vũ ăn mì cay cấp 7 gây xôn xao cộng đồng mạng hồi đầu tháng 6. (Ảnh cắt từ clip)

Trào lưu mì cay đến từ đâu?

Món mì cay 7 cấp độ lấy cảm hứng từ món mì Jjamppong của Hàn Quốc. Ngay khi xuất hiện ở Việt Nam, nó đã gây tò mò khiến mọi người đều muốn ăn thử.

Những hàng mì cay đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam luôn đông nghẹt các thực khách ở mọi độ tuổi đến thưởng thức. Độ cay của tô mì được sắp xếp từ 0 - 7 để phù hợp với khả năng ăn cay của từng người. Tuy nhiên, rất ít người có thể thử sức với cấp độ cao nhất của món mì này.

Món mì cay được nấu khá đơn giản với nước dùng, kim chi, mì cùng các loại hải sản như tôm, cá viên, mực, thịt bò...Giá cho mỗi tô mì chỉ dao động từ 35 - 50 nghìn đồng.

Trào lưu mì cay 7 cấp độ nhanh chóng tạo ra cơ hội kinh doanh cho các cửa hàng ăn uống mọc lên khắp nơi. Từ những quán đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn, hiện nay, mì cay 7 cấp đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Giới trẻ vô cùng hào hứng với trào lưu ăn uống mới này. Trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều đoạn clip "khoe" khả năng ăn mì cay của các bạn thu hút lượng like và chia sẻ lớn tạo nên sự tò mò cho nhiều thực khác.

Tuy nhiên, trào lưu ăn uống này thực sự đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có hại tới sức khỏe mà nhiều bạn trẻ không thể lường trước được.

Ung thu, đột tử vì mì cay

Các triệu chứng của Vũ là phản ứng tự bảo vệ của cơ thể để đưa độc tố ra ngoài.

Ớt có chứa chất capsaicin, beta-caroten, nhiều loại vitamin, tinh chất cần thiết, nhất là ớt màu đỏ, màu cam, chống oxi hóa. Trong ớt còn chứa một số chất giúp máu lưu thông tốt, tránh được tình trạng kết tụ tiểu cầu, ngừa tăng huyết áp, giảm béo.

Trong đó, chất capsaicin có tác dụng khiến cho ớt có vị cay nóng. Ớt càng cay, chất capsaicin càng nhiều. Nó có thể dùng làm thuốc, thường dùng làm thuốc giảm đau. Capsaicin còn có thể dùng làm thuốc rượu để xoa bóp, bôi ngoài da.

Tuy nhiên, chất capsaicin trong y khoa lại được liệt kê vào loại độc dược. Khi ở dạng tinh khiết, hóa chất này có thể giết chết bất cứ ai thử nuốt nó. Capsaicin gây nóng và bỏng rát khi tiếp xúc với da người.

Hấp thụ chất capsaicin quá mức sẽ gây hại cho dạ dày, ruột, hệ hô hấp, da và da nhờn trong khoang miệng, mũi. Dùng ớt quá độ và trong một thời gian dài có thể làm hệ thần kinh chết dần. Những hệ thần kinh bị ảnh hưởng bao gồm vị giác, cơ quai hàm; và do đó sự cảm nhận về độ cay cũng giảm đi, nên bạn cho rằng mình lên cấp độ. Có người ăn cả trái ớt vẫn không có phản ứng gì tức thời, nhưng có người chỉ cần cắn một miếng thôi là nước mắt mũi giàn giụa, mồ hôi toát ra, tim đập nhanh, máu dồn, đầu bưng bưng, tai nhức ù …

Theo bác sĩ Trần Hà Hiếu - phó trưởng khoa nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM, khi ăn cay, cơ thể có cảm giác nóng, sau đó sẽ tăng tiết, đó là hiện tượng thoát mồ hôi. Lượng nước thoát ra ngoài làm cơ thể có cảm giác mát.

Khi ăn quá cay, cơ thể cảm giác nóng, bồn chồn, nôn ói, tiêu chảy. Đó là cơ chế phản ứng tự bảo vệ cơ thể, để đưa độc tố ra vì khi không hấp thu được. Nếu sau khi nôn ói vẫn chưa hết, chất độc đã xuống dưới cơ thể, không nôn được nữa thì sẽ gây ra tiêu chảy để đẩy hết độc ra.

Còn nếu nặng quá, tiêu chảy nhiều lần, gây rối loạn nhiều bộ phận trong cơ thể, bắt buộc phải nhập viện để cân bằng lại tình trạng ban đầu. Với đường tiêu hóa có một lớp tiết nhầy để bảo vệ, nếu ăn cay quá, có thể phá hủy lớp nhầy của niêm mạc, chất cay tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc ảnh hưởng đến dạ dày.

Bên cạnh đó, nguồn gốc của bột ớt sử dụng để chế biến món mì cay cấp 7 cũng là mối nghi ngại lớn đối với người tiêu dùng. Bột ớt đỏ bị nhuộm màu có thể chứa sudan hoặc bột ớt tươi bị mốc có chứa aflatoxin, cả hai đều có thể gây ngộ độc và ung thư.

HT

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/noi-mang/them-truong-hop-ngo-doc-cap-cuu-vi-trao-luu-mi-cay-7-cap-do-125245