Thêm sức cho ngành thiết kế vi mạch

Phòng kiểm định lõi IP (lõi IP là một bản thiết kế vi mạch thực hiện được một chức năng cụ thể và là một thành phần tạo nên chip điện tử) cho ngành thiết kế vi mạch do UBND TPHCM đầu tư với kinh phí gần 7,2 tỷ đồng, thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) – Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) vừa được đưa vào hoạt động. Sự kiện này, thêm một lần nữa khẳng định, TPHCM luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để phát triển ngành vi mạch.

Thêm bước tiến trong thiết kế vi mạch

Điểm lại các sự kiện, như ICDREC phát triển thành công chip VN8-01, chip VN 16-32 hay Tổng Công ty Công nghiệp xây dựng nhà máy chip… thì sự ra đời của phòng kiểm định lõi IP cho ngành thiết kế vi mạch thấy rõ TPHCM đang tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng ngành thiết kế vi mạch của TP nói riêng và công nghệ Việt Nam nói chung.

Nói như ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, giá trị lớn nhất chính là TP quyết tâm làm chủ một lĩnh vực công nghệ then chốt và đó là giá trị bền vững. Còn giá trị kinh tế có thể thấy rõ: nếu không có phòng kiểm định IP cho ngành thiết kế vi mạch thì phải tốn 5 đến 15 ngàn USD cho một lần kiểm định mỗi IP ở nước ngoài. Điều này cũng đồng nghĩa, có phòng kiểm định, các IP do Việt Nam phát triển để tích hợp lên các chip của Việt Nam sẽ đỡ tốn kém, nhanh hơn và hạn chế sự lệ thuộc vào bên ngoài…

Sự ra đời của phòng kiểm định lõi IP đã tạo thêm cơ sở hạ tầng vững chắc cho ngành thiết kế vi mạch của thành phố. Ảnh: T.BA

Phòng kiểm định lõi IP được đặt tại ICDREC (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM), bước đầu đáp ứng nhu cầu kiểm định các lõi IP vừa và nhỏ do chính trung tâm ICDREC thiết kế và các lõi IP do đối tác cùng phối hợp thực hiện. Thạc sĩ Nguyễn Đại Dương (ICDREC) cho biết phòng kiểm định IP đã được trang bị các thiết bị hiện đại, bao gồm các máy phân tích logic chuyên nghiệp, phần mềm hỗ trợ chuyên dụng và các KIT FPGA cao cấp. Phòng được vận hành bởi đội ngũ các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế và kiểm định vi mạch…

Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, Tiến sĩ Lê Quang Minh khẳng định, qua hơn 6 năm hình thành và phát triển, ICDREC đã bước đầu có những thành công trong việc tạo ra các sản phẩm thiết kế về chip vi mạch như chip SigmaK3, chip TH-7150, chip VN8-01, chip VN 16-32… Tuy nhiên, việc kiểm định lõi IP cần có những máy móc chuyên dụng để có được kết quả nhanh chóng và chính xác… Chính từ nhu cầu cấp thiết như vậy, phòng kiểm định lõi IP này được xem như một bước tiến nữa trong thiết kế vi mạch tại Việt Nam.

Mong chờ những sản phẩm đầu tay

Cần phải nói thêm, thị trường lõi IP cung cấp license cho ngành công nghiệp thiết kế vi mạch để phát triển các sản phẩm IC cho các thị trường viễn thông, điện toán, lưu trữ, xử lý số, vận tải và điều khiển công nghiệp. Do vậy, giá trị của các lõi IP nằm trong hầu hết các sản phẩm sử dụng vi mạch trên thị trường hiện nay, từ những chiếc máy tính, điện thoại, máy tính bảng cho đến những thiết bị chuyên dụng như các máy đo phổ, thiết bị điện tử quốc phòng… Các chuyên gia về thiết kế vi mạnh cho rằng hiện thị trường lõi IP ở Việt Nam gần như là chưa có và còn bỏ ngỏ, các hợp đồng chuyển nhượng license có thể đếm trên đầu ngón tay…

Theo ông Ngô Đức Hoàng, từ năm 2005, nhận thấy nhu cầu và xu hướng của thị trường IP toàn cầu, ICDREC đã nghiên cứu phát triển một số lõi IP quan trọng. Những lõi IP này có tính năng tương đương với các lõi IP nước ngoài, một mặt giúp ICDREC tiết kiệm chi phí mua lõi IP khi phát triển các dự án thiết kế chip, mặt khác lại được triển khai tham gia vào thị trường IP toàn cầu và trong nước thông qua hai sàn giao dịch IP là ChipEstimate và Design and Reuse.

Tính đến thời điểm hiện tại, ICDREC đã hoàn thành hơn 20 lõi IP và đang phát triển hơn 10 lõi IP khác. Một số lõi IP có giá trị kinh tế cao như lõi IP vi xử lý VN32-02, lõi IP điều khiển bộ nhớ DDR3, lõi IP giải mã MPEG-4, lõi IP mã hóa ảnh JPEG-2000… Đây là những sản phẩm lõi IP có độ phức tạp cao, cần thiết phải được kiểm tra, kiểm định chất lượng kỹ lưỡng trước khi tham gia thị trường lõi IP quốc tế. Với điều kiện trang bị của ICDREC trước đây, việc kiểm định những lõi IP trên là rất khó khăn, nhưng nay đã có phòng kiểm định, sẽ chủ động hơn nhiều khi phát triển các IP để tích hợp lên các chip do ICDREC phát triển...

Quá trình hình thành ngành công nghiệp vi mạch tại TPHCM cho thấy, công nghệ chip của Việt Nam nói chung và các IP, chip của ICDREC đã có, dự án xây dựng nhà máy chip của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đang gấp rút triển khai để sản xuất chip ứng dụng trong các thiết bị điện tử gia dụng; thẻ thanh toán ngân hàng… và nay tiếp tục là của phòng kiểm định lõi IP ra đời đã thêm những điều kiện để ngành vi mạch khẳng định giá trị. Qua đây cũng thấy rõ quyết tâm từng bước làm chủ công nghệ vi mạch và trên những cơ sở hạ tầng này, mong rằng những sản phẩm có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao từ ngành vi mạch hoàn toàn của Việt Nam sẽ không còn xa. Đây cũng chính là một trong những hướng đi để chuyển dịch cơ cấu kinh tế TPHCM theo hướng tăng giá trị chất xám, tăng giá trị gia tăng…

Ngành công nghiệp IP bán dẫn luôn duy trì tốc độ phát triển cao gấp đôi so với ngành công nghiệp bán dẫn. Số liệu từ nghiên cứu của Gartner Corp. cho thấy quy mô thị trường lõi IP bán dẫn đạt 1,35 tỷ USD vào năm 2009 và 1,67 tỷ USD vào năm 2010. Nghiên cứu của TechNavio dự đoán thị trường lõi IP sẽ đạt mốc 2 tỷ USD vào năm 2012 và 2,3 tỷ USD năm 2014, duy trì mức tăng trưởng 7,75% trong 5 năm liên tiếp. Các thống kê từ hai sàn giao dịch lõi IP lớn là ChipEstimate và Design and Reuse cũng cho thấy số lượng các giao dịch lõi IP tăng đều đặn trong những năm gần đây.

BÁ TÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khoahoc_congnghe/2012/4/285088/