Thêm nguồn pháp luật trong quá trình xét xử các vụ án

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa thông qua 4 Án lệ và đã được Chánh án TAND Tối cao công bố. Đó là khẳng định của đại diện TAND Tối cao tại buổi Họp báo tháng 10-2016 vào sáng nay (19-10).

Cụ thể, một là Án lệ công nhận hợp đồng mua bán nhà được xác lập trước ngày 1-7-1991. Án lệ này phát triển từ Quyết định giám đốc thẩm ngày 23-9-2013, của Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao về vụ án dân sự tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng nhà.

Theo đó, nội dung của Án lệ này đề cập đến trường hợp Hợp đồng mua bán nhà được lập thành văn bản trước ngày 1-7-1991, có chữ ký của bên bán, ghi rõ bên bán đã nhận đủ tiền, bên mua chưa ký tên trên hợp đồng nhưng là người giữ hợp đồng và đã quản lý, sử dụng nhà ở ổn định trong thời gian dài mà bên bán không có tranh chấp đòi tiền mua nhà.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình (giữa) - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh an TAND Tối cao

ấn nút khai trương Cổng thông tin điện tử về Án lệ

Theo Tòa án Tối cao, đây là tình huống tương đối phổ biến trong thực tiễn. Một số tòa án khi xét xử, căn cứ vào việc bên mua chưa ký tên vào văn bản mua bán nhà để không công nhận hợp đồng mua bán nhà. Việc nhận định như vậy là chưa đảm bảo quyền lợi cho bên mua.

Vì vậy, Án lệ này đã đưa ra giải pháp pháp lý để các tòa án nhận thức thống nhất trong xét xử đó là trong trường hợp này, hợp đồng có giá trị xác định bên mua đã trả đủ tiền cho bên bán và ý chí của bên mua đồng ý với hợp đồng mua bán nhà đó nên hợp đồng mua bán này phải được công nhận.

Tiếp đến là Án lệ xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong trường hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm. Trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, gồm: lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay mà đến thời điểm xét xử sơ thẩm khách hàng vay chưa thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi theo hợp đồng tín dụng.

Liên quan đến lĩnh vực tín dụng, HĐTP cũng đã thông qua Án lệ về lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại, được phát triển từ quyết định giám đốc thẩm của HĐTP (TAND Tối cao) về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa.

Và sau cùng là Án lệ về quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, được phát triển từ vụ án hành chính khiếu kiện quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Tình huống đặt ra là trường hợp quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho cả dự án có nội dung dẫn chiếu đến văn bản khác mà văn bản đó có nội dung tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người khởi kiện thì có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không?

Tòa án cho rằng, quyết định này không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính vì quyết định này mang tính tổng thể, không phải là quyết định về một vấn đề cụ thể, áp dụng đối với một đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, cách hiểu như trên là không đúng với tinhthần Luật tố tụng hành chính năm 2010, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm.

Do đó, Án lệ trong lĩnh vực hành chính này đã đưa ra giải pháp pháp lý trong trường hợp nội dung của văn bản được dẫn chiếu trong quyết định hành chính và quyết định hành chính đó cũng chính là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính.

Cũng tại buổi thông tin trước các cơ quan báo chí về việc công bố Án lệ, đồng chí Nguyễn Hòa Bình – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao đã ấn nút chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử về Án lệ.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/them-nguon-phap-luat-trong-qua-trinh-xet-xu-cac-vu-an/705304.antd