Thêm một dự án luật bị phê 'là bước lùi'

Được Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng “Đây là dự án luật có nhiều ý kiến khác nhau nhất trong các luật chúng ta làm thời gian vừa qua”, dự án Luật Quy hoạch tuy đã được Quốc hội không thông qua sau 2 kỳ họp để bàn lại cho kỹ, thì đến phiên cho ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 18-9, vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau.

Tại tờ trình mới nhất được Bộ Kế hoạch & Đầu tư thay mặt Chính phủ trình ngày 15-9, có nhiều điểm đã được chỉnh sửa so với dự thảo cũ, mà theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định là đã “linh hoạt hơn”, không còn giữ tư tưởng của luật mạnh mẽ như cũ.

Được chú ý nhất là việc quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất quy định tại Khoản 3 Điều 23, 24; Khoản 6 Điều 26; Khoản 3 Điều 27, 28, cho phép việc lập, thẩm định, phê duyệt thực hiện quy hoạch được thực hiện theo “quy định của pháp luật về xây dựng, môi trường và pháp luật khác có liên quan”. Thẩm tra quy định này, Ủy ban Kinh tế lại không có quan điểm rõ ràng, mà có 2 loại ý kiến, khiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa hài lòng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Tư tưởng của Chính phủ khi ban hành Luật này là để nhằm “hoạch định không gian phát triển, xóa bỏ các rào cản từ quy hoạch chồng chéo, mâu thuẫn cản trở hiện nay; khơi dậy nguồn lực, tạo động lực tăng trưởng cho 20 – 30 năm tới; nhằm có một tầm nhìn phát triển lâu dài, vững bền cho đất nước. Chúng ta đã thảo luận rất nhiều lần và đã nhất trí mục tiêu này. Cho nên, cách đặt vấn đề hôm nay Chính phủ báo cáo có điểm chưa nhất quán, chưa rành mạch về tư duy phát triển. Các đồng chí nói giữ quy hoạch xây dựng, đất đai, tài nguyên... nhưng trong vẫn bảo đảm tính thống nhất, nhất quán của hệ thống quy hoạch Quốc gia thì không thể đảm bảo được” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì thảo luận

“Trong Điều 5, chúng ta nói hệ thống quy hoạch Quốc gia bao gồm: Quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch không gian biển Quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành Quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh... tất cả nằm trong quy hoạch tổng thể Quốc gia, và nó phải tuân thủ Điều 6 là quy hoạch này phải căn cứ vào quy hoạch kia. Ví dụ quy hoạch tổng thể Quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển Quốc gia, quy hoạch sử dụng dất Quốc gia, quy hoạch ngành... Khi đã đưa vào quy hoạch tổng thể Quốc gia thì không thể nói các quy hoạch khác giữ nguyên các luật chuyên ngành được nữa. Nếu ta cứ thay đổi mục tiêu và tư duy là rất khó” – Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ việc đến giờ bà “càng băn khoăn về việc hệ thống pháp luật của chúng ta phát triển theo hướng nào?” “Đối với Luật Quy hoạch, theo tôi, cần rất thống nhất trong Chính phủ, để rõ hệ thống pháp luật đi hteo hướng nào và tính ổn định của nó thế nào. Tờ trình của Chính phủ có nói nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Quy hoạch được thực hiện đối với tất cả các luật khác (nhưng lại giữ một số điều dẫn chiếu luật chuyên ngành – pv). Quan điểm của Ủy ban Kinh tế về điều 27, 28, 28 cũng chưa rõ ràng, nửa đồng ý nửa không đồng ý, làm chúng tôi rất khó quyết định.

Chúng tôi muốn biết, vậy thực sự quan điểm, chính kiến của Ủy ban là đồng ý hay không đồng ý thì Thường vụ Quốc hội mới có thể yên tâm được” – bà Nga nhấn mạnh. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp “đồng ý có một luật Quy hoạch”, nhưng với phương án trình thì hệ thống pháp luật trở nên “vô cùng thiếu ổn định”, nhà đầu tư rất không yên tâm, và “việc sửa các luật liên quan rất thiếu khả thi”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định không thể tồn tại Khoản 3 Điều 27 và Khoản 3 Điều 28

Cho ý kiến về dự án này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân một lần nữa phê dự án luật trình “có bước lùi” (lần trước Chủ tịch Quốc hội phê dự án Luật Quản lý nợ công). “Do còn ý kiến khác nhau nên luật này lên đến 3 kỳ họp. Tôi thấy Chính phủ chỉ đạo rà soát chưa toàn diện, chỉ đề nghị sửa 8 luật thôi, còn rất nhiều luật khác, thì chưa đúng theo tinh thần chỉ đạo chung”. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng “nhắc lại mục tiêu của Nghị quyết Trung ương, nói: Xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại Quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước. Luật phải đạt được yêu cầu, mục tiêu này. Chúng ta đang làm một việc mang tính đột phá, có tính chiến lược dài hạn, khắc phục tồn tại của việc quy hoạch rải rác, luật nào cũng có quy hoạch”.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Luật này không thể có điều khoản dẫn chiếu luật chuyên ngành, “Luật Quy hoạch mới không thể có quy định như Chính phủ tiếp thu lần này, không thể có Khoản 3 Điều 27 và Khoản 3 Điều 28, vì nó sẽ tạo ra sự không nhất quán. Bỏ 2 điểm này. Chính phủ tiếp thu mà lại lùi một bước. Tính nhất quán trong hệ thống pháp luật cần phải chú ý” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về thời điểm có hiệu lực của Luật và nhiều ý kiến băn khoăn liệu thời điểm đó có khả thi không (do phải sửa ít nhất 24 luật liên quan), Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Nếu không thông qua được luật này tại kỳ họp thứ 4 thì  sẽ lỡ mất kỳ Quy hoạch tiếp theo, giai đoạn 2021 – 2025, vì không sửa kịp các luật liên quan. Điều này dẫn tới mấy cái mất là: Mất quá nhiều thời gian, mất cơ hội cho đất nước và mất nhiều chi phí xã hôi. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan cố gắng trình ra tại kỳ họp tới, “không có lý do gì không trình”.

Còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau sẽ được Đảng Đoàn Quốc hội tổng hợp để báo cáo Bộ Chính trị.

Vũ Hân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thoi-su/them-mot-du-an-luat-bi-phe-la-buoc-lui-458538/