Thêm một cái nhìn về bùa yêu

Tình cờ trước khi đọc tâm sự của bạn Nguyệt, tôi có đọc được trên Yumi.vn một bài viết về bùa yêu, xin phép tác giả của bài viết đó cho mang lại đây để Nguyệt đọc trước khi quyết định có nên đi giải bùa yêu cho chồng:

"Một trong những loại bùa được mọi người quan tâm và nói đến nhiều nhất là bùa yêu. Có rất nhiều câu chuyện được thêu dệt lên từ loại bùa này khiến nó vừa thực vừa hư. Thỉnh thoảng lại nghe đâu đó người ta rỉ tai nhau: “Con bé đấy nhờ có bùa mà lấy được chồng đấy. Chồng nó đẹp trai thế cơ mà”.(!!!) (Nghe mà thấy thương cho cô gái.)

Loại bùa này thường được làm bởi các bà xem tướng số hay những người già trong làng, nhưng sự linh nghiệm của các bùa ấy thì chưa ai kiểm chứng được. Có bùa yêu chỉ tác dụng trong 3 ngày, 5 ngày, 3 tháng, cả năm…đó là nghe người ta nói vậy chứ thực ra cũng chẳng biết thế nào.

Tôi đã được nghe về các cách làm bùa, mỗi người một kiểu và một cách riêng.

Có loại bùa được làm một cách đơn giản (kiểu này người đi làm bùa thường được hướng dẫn trực tiếp từ các bà thầy và về tự thực hiện): người ta “hèm” vào lòng bàn tay (chúng ta hiểu nôm na như niệm thần chú) rồi sau đó đập vào vai trái của người mà mình định bùa nếu người đó quay lại cười thì bùa sẽ linh nghiệm. (Bạn tin được không?. Đang đi trên dường tự nhiên có người đập vào vai bạn, giật mình liệu có cười được không? Vậy là “bùa” mất thiêng. Còn đập vào vai ai mà người ta giật mình nhưng vẫn cười với bạn, chứng tỏ họ cũng “cảm” bạn rồi, hai bên cùng “cảm” nhau thể nào mà chẳng “hòa nhịp con tim”, đúng quá đi ấy chứ. Vậy là “bùa” linh!).

Có loại bùa khác được làm công phu hơn và nghe nói hiệu nghiệm hơn rất nhiều. Tôi cùng cô em gái đã quyết đi tìm hiểu về loại bùa này. Chị em tôi tìm đến nhà một “thầy” ở sâu trong làng. Đến nơi thấy rất đông người vì thầy rât có tiếng, được nhiều người biết, tôi thấy ngại định về nhưng em tôi bảo “Phải xem cái bùa ấy thế nào chứ”.

Vậy là ngồi đợi. Tôi thấy ai cũng được “thầy” đưa cho một chiếc túi nhỏ màu đỏ, hình chữ nhật (to khoảng một phần tư bao diêm) gọi là bùa. Đến lượt tôi, “thầy” nhìn mặt rồi bảo tôi nhất định phải làm bùa, có mang theo bùa thì tôi mới có thể gặp may mắn chứ tôi đen đủi lắm, có bùa trong người tôi sẽ được mọi người yêu quý, làm việc gì cũng suôn sẻ.

Tôi hỏi giá một chiếc bùa là bao nhiêu thầy nói 300.000đ, sau khi trình bày là sinh viên không có tiền nhiều thầy “giảm giá” cho còn 150.000đ! Trước khi ra về thầy còn dặn kĩ tôi: “Không được mang bùa vào đám ma vì nghe thấy tiếng kèn, tiếng trống đám thì con bùa yêu sẽ chết, không được để bùa dính nước. Lúc nào cũng phải mang theo người”. Chị em tôi ra về trong lòng bán tín bán nghi vì “thầy” nói cũng có phần đúng , tôi hay gặp chuyện xui xẻo lắm. Biết đâu chiếc bùa này sẽ mang lại may mắn cho tôi. Tôi cất cẩn thận trong túi áo.

Buổi tối đang ngồi xem phim tôi kêu ầm lên vì sực nhớ ra lúc tắm hình như đã ngâm chiếc áo để bùa của tôi. Vậy là con bùa yêu của tôi đã chết. Hai chị em tiếc ngẩn ngơ (150.000đ!). Em tôi bảo: “Mình thử xem bên trong nó có những cái gì”.

Sau khi bỏ hai lớp vải đỏ bên ngoài chị em tôi há hốc miệng, tròn mắt bởi bên trong con bùa yêu của tôi là 2 hạt cỏ ké, vài hạt gạo và một loại hợp chất màu vàng vàng có mùi tanh như trứng. Ôi, bùa! Chị em tôi nhìn nhau rồi cười không nổi nữa. Trời đất, tốn 150.000đ để được 2 hạt ké với vài hạt gạo! Đúng là số tôi đen đủi thật!

Tôi là một người con của “rừng” vậy mà có được chiếc bùa như vậy đấy. Liệu có thể có sự “linh” gì từ những thứ ở trong đó chứ?! Có lẽ vì các “thầy” là những người biết tướng số nên có thể biết được những điểm mạnh yếu trong mỗi người (điều này thì tôi tin) nên họ đã lợi dụng việc đó để những người đến xem mang những chiếc bùa của họ. Hay vẫn còn những điều gì khác nữa ẩn trong những gói bùa mà tôi chưa biết? Bởi câu chuyện bùa ngải vẫn được nói đến từ xa xưa.

Vậy tại sao người ta vẫn tin và cho rằng “bùa” là có thật ở “miền rừng” chúng tôi? Có lẽ chính vì những câu chuyện được thêu dệt lên trong các làng với những hủ tục xưa của người dân tộc đã làm nên điều đó. Những người dân tộc luôn có cách thể hiện tín ngưỡng, niềm tin riêng và với người khác đó là sự thần bí, tạo ra những “bùa ngải”.

Một số bà mẹ ở miền xuôi thấy con trai mình lên công tác ở miền núi yêu cô “dân tộc” nào đó thì lại nghĩ rằng “con trai mình bị bùa” chứ không nghĩ rằng do con mình yêu cô gái đó, theo đuổi cô gái đó. Nhiều người con trai lo lắng rằng khi lên “rừng” sẽ bị bùa nhưng họ đâu có biết rằng con trai ở “rừng” cũng đáng yêu lắm, họ không phải là lựa chọn duy nhất của các cô gái ở đây!

Có những điều tôi và bạn chưa biết về “bùa” nhưng tôi có thể khẳng định với bạn rằng không có một thứ bùa nào có thể làm nên những tình cảm chân thành."

Phương Thùy (Quảng Nam)

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/doi-song/ben-tinh-ben-ly/201204/Them-mot-cai-nhin-ve-bua-yeu-2066004/