Thêm lo ngại Trung Quốc lập ADIZ ở biển Đông

Tên lửa đất đối không đã được Trung Quốc triển khai tới đảo Hải Nam, phía Bắc Biển Đông

Báo cáo từ Công ty ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel ngày 20/5 cho biết, quan phân tích, dường như “Trung Quốc có vẻ đang bắt đầu lập vùng cấm bay tại Biển Đông”.

Các hình ảnh được chụp từ ngày 8/5 cho thấy 2 xe phóng HQ-9, một trung tâm radar và 3 bệ phóng tại một ngọn đồi nằm ở phía nam đảo Hải Nam.

Tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc và địa điểm nghi là nơi đặt bệ phóng trên đảo Hải Nam. Ảnh: ISI

ISI cho rằng, Trung tâm này dường như được sử dụng để triển khai các radar cảnh báo sớm và radar kiểm soát hỏa lực.

Trước đó, hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy Trung Quốc dường như đã triển khai tên lửa chống hạm tại căn cứ Du Lâm ở phía nam Hải Nam.

Trung Quốc cũng từng triển khai phi pháp hệ thống HQ-9 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong khoảng 2 năm qua. Các chuyên gia ISI dự đoán “trong tương lai sẽ có thêm nhiều khẩu đội như vậy tại các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp gần đây”.

Tờ báo Kyodo News của Nhật Bản dẫn nhận xét của ISI cho rằng: "Nếu xem xét việc triển khai khẩu đội phòng không và chống hạm trong khu vực căn cứ Du Lâm và quần đảo Hoàng Sa, chúng ta có thể thấy rằng Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một hành lang kiểm soát trên biển và trên không ở Biển Đông".

Điều này cũng đồng nghĩa với việc Bắc Kinh đang từng bước hiện thực hóa Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) mà nước này đơn phương tự thiết lập ở biển Đông.

Theo nhận định của nhà phân tích Harry J. Kazianis - giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm National Interest và là Tổng biên tập của tạp chí The National Interest – trong bài viết đăng trên trang mạng Asia Times ngày 1/2/2017, Trung Quốc có thể thiết lập ADIZ trên Biển Đông ngay trong năm nay.

Trên Biển Đông, rất có thể Trung Quốc sẽ không thực thi ADIZ trên toàn bộ khu vực nằm trong cái gọi là “đường 9 đoạn” vô cùng phi lý và đã bị Tòa Trọng tài La Haye bác bỏ, nhưng Bắc Kinh có thể tạo ra một sự răn đe quân sự đáng kể bằng cách triển khai các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 và máy bay chiến đấu phản lực tiên tiến trên một số "đảo nhân tạo” mà Trung Quốc đã bồi đắp trái phép trong Quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), trong một khoảng thời gian ngắn.

Trung Quốc bắn thử bất hợp pháp tên lửa HQ-9 ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc

Không những vậy, hồi tháng 9/2016, tạp chí Bình luận Quân sự Kanwa của Canada cho biết Hải quân Trung Quốc còn đang từng bước thành lập Khu vực nhận dạng hàng hải (MNIZ) và Khu vực nhận dạng âm thanh dưới nước (UAIZ) ở Biển Đông.

Trong đó, MNIZ chủ yếu là hệ thống radar sục sạo mặt biển được bố trí trên các đảo, đá để phát hiện tàu mặt nước của quân đội Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước ASEAN còn UAIZ là vùng nhận dạng được xây dựng trên cơ sở hệ thống cảm biến âm thanh đáy biển quanh các đảo, đá và hệ thống định vị thủy âm dạng kéo theo để phát hiện tàu ngầm của Mỹ, Nhật Bản và các nước ASEAN.

Cả MNIZ và UAIZ đều sử dụng cho mục đích bảo vệ cái gọi là “vùng đặc quyền kinh tế” và “lãnh hải” của Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 đã bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo Kanwa, so với ADIZ, việc Trung Quốc thiết lập MNIZ và UAIZ có ý nghĩa lớn hơn về mặt quân sự bởi nó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ xây dựng thêm nhiều hệ thống radar sục sạo mặt biển, hệ thống cảm biến âm thanh đáy biển và hệ thống định vị thủy âm dạng kéo theo trên các đảo, đá ở Biển Đông.

Kanwa cho biết thêm hiện nay hải quân Trung Quốc đã bố trí cả 3 tàu ngầm hạt nhân lớp 094 ở đảo Hải Nam. Do đó, ý đồ quân sự của việc thiết lập UAIZ ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện do Trung Quốc chiếm giữ phi pháp và gọi là đảo Vĩnh Hưng) càng mang tính chiến lược.

Trung Quốc có thể tận dụng độ sâu ở Biển Đông để đưa tàu ngầm hạt nhân lớp 094 tuần tra MNIZ và UAIZ giữa đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm, khiến hệ thống chống ngầm của Mỹ rất khó có thể tiếp cận khu vực này.

Kanwa nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không công khai việc thành lập MNIZ và UAIZ ở Biển Đông, nhưng các trang, thiết bị phục vụ MNIZ và UAIZ sẽ sớm phát hiện về hoạt động của tàu ngầm Mỹ, Nhật Bản, ngăn chặn chúng lên phía Bắc tiến vào vùng biển Đài Loan.

Nội bộ Trung Quốc từng quyết định, nguyên tắc cơ bản phân chia ADIZ ở Biển Đông là lấy giới hạn “vùng đặc quyền kinh tế” 200 hải lý xung quanh đảo Phú Lâm và 7 hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông làm tiêu chuẩn.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tinh-hinh-bien-dong-van-de-bien-dong/them-lo-ngai-trung-quoc-lap-adiz-o-bien-dong-3335853/