Thêm cơ hội điều trị cho bệnh nhi ở tuyến tỉnh

Sau 3 năm được chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, BV Nhi Thái Bình đã thực hiện đuợc nhiều kỹ thuật khó, cấp cứu được bệnh nhi nặng ngay tuyến tỉnh.

Chữa bệnh trọng gần nhà

Cuối tuần qua, tại BV Nhi Thái Bình đã diễn ra Hội nghị “Đánh giá kết quả thực hiện Đề án BV vệ tinh và hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn giữa BV Nhi TW và BV Nhi Thái Bình” do BV Nhi Thái Bình, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế tỉnh Thái Bình tổ chức.

Một ca phẫu thuật tại BV Nhi Thái Bình.

PGS.TS Lê Thị Minh Hương - Phó Giám đốc BV Nhi TW cho biết, BV Nhi TW đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho BV Nhi Thái Bình các chuyên ngành cấp cứu, hồi sức nhi, hồi sức sơ sinh, ngoại nhi, chấn thương chỉnh hình, nội nhi tổng quát, chẩn đoán hình ảnh… Các bác sĩ cũng đã “cầm tay chỉ việc” nhiều chuyên đề cấp cứu nhi tại chỗ như sốc nhiễm khuẩn, sốc phản vệ, sốt xuất huyết, tim mạch…

TS Hương đánh giá, hiện nay, sau 3 năm (từ 2013-2016), BV Nhi Thái Bình đã có thể thực hiện độc lập được nhiều kỹ thuật mới, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại BV, giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên ở chuyên ngành như hồi sức và sơ sinh, phẫu thuật tiêu hóa, tiết niệu, gan mật…

BS Nguyễn Thị Minh Chính - Giám đốc BV Nhi Thái Bình cũng nhận định, nhờ được chuyển giao kỹ thuật, BV Nhi Thái Bình đã có thể biến nhiều kỹ thuật khó mà trước đây đều phải chuyển viện, trở thành kỹ thuật thường quy của bệnh viện như: Phẫu thuật nội soi cắt u nang ống mật chủ; phẫu thuật dò luân nhĩ…

BV Nhi Thái Bình là 1 trong 5 bệnh viện vệ tinh được BV Nhi T.Ư chuyển giao kỹ thuật. Theo ông Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), những kỹ thuật cao được BV tuyến T.Ư chuyển giao thành công cho BV tỉnh đã giúp người dân có cơ hội được điều trị với kỹ thuật tiên tiên tiến mà không phải đi xa, tiết kiệm được nhiều chi phí ăn ở, đi lại. Việc cấp cứu thành công các ca bệnh khó ở tuyến tỉnh cũng giúp cứu sống kịp thời nhiều bệnh nhân bị bệnh trọng. Đồng thời, khi người dân yên tâm ở lại tỉnh điều trị sẽ giúp giảm tải ở BV tuyến trên.

10 chuyên ngành cần chuyển giao

Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020 được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt ngày 11.3.2013 là hành động cụ thể hóa việc thực hiện Đề án Giảm tải bệnh viện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án nhằm nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao ngay tại bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên.

Ở giai đoạn 1 (2013-2015) 5 chuyên khoa được ưu tiên chuyển giao kỹ thuật là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Hiện Bộ Y tế đã bổ sung thêm chuyên khoa ưu tiên và danh sách bệnh viện tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020. Thêm 5 chuyên ngành cần giảm tải đồng thời cần chuyển giao kỹ thuật là nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.

Bộ Y tế cũng đã bổ sung thêm BV Nội tiết T.Ư, BV Thống Nhất TP.HCM, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, BV Y Hà Nội tham gia là BV “hạt nhân” có nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật cho BV tuyến dưới.

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có 22 BV hạt nhân với 98 BV vệ tinh, 10 chuyên ngành là nội, ngoại – chấn thương, sản nhi, ung bướu, tim mạch, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc nằm trong Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2016-2020. Trong đó, BV Bạch Mai có số BV vệ tinh nhiều nhất là 23 BV. Sau 4 năm thực hiện đề án, theo đánh giá của Bộ Y tế, tỷ lệ chuyển tuyến của người dân đã giảm rõ rệt, người dân đi khám bệnh được giảm tiền túi và BV tuyến trên đã phần nào được giảm tải.

Diệu Linh/ Dân Việt

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/tin-tuc/them-co-hoi-dieu-tri-cho-benh-nhi-o-tuyen-tinh-3-71230-article.html