The Women: Khi đàn bà chẳng cần đến đàn ông

Trước khi có những nhà hoạt động nữ quyền mạnh mẽ (nhiều khi là cực đoan), khái niệm tôn vinh nữ giới đã xuất hiện từ rất sớm, qua lăng kính tươi sáng, lạc quan và hài hước của nhà phim Hollywood qua bộ phim “The Women”.

Bộ phim The Women (Thế giới đàn bà), sản xuất năm 1939, phản ánh một cái nhìn tân thời về cuộc sống từ quan điểm hoàn toàn của nữ giới, những người thuộc tầng lớp thượng lưu có địa vị cao trong xã hội New York thời bấy giờ.

Mary Haines (Norma Shearer thủ vai) là một người phụ nữ ngọt ngào, đáng tin cậy và là người vợ chung thủy, hết mực yêu thương ông chồng Stephen và con gái Little Mary (Virginia Weidler). Một ngày nọ, cô em họ của Mary là Sylvia Fowler (Rosalind Russell) ghé thăm salon làm đẹp sơn bộ móng tay màu đỏ “rừng rú” đang rất mốt, tình cờ nghe đám thợ làm móng tiết lộ rằng Stephen đang có quan hệ mờ ám với cô nhân viên cửa hàng nước hoa, Crystal Allen (Joan Crawford).

Tin đồn nhanh chóng lan truyền, và cuối cùng đến tai Mary. Ban đầu, Mary tôn trọng mong muốn của mẹ cô (Lucile Watson) và dự định sẽ tha thứ cho chồng để giữ gìn cuộc hôn nhân. Nhưng rồi sau cuộc đối mặt với cô nhân tình của chồng, Mary quyết định ly hôn. Cô đi đến Reno, nơi có thủ lục ly hôn nhanh chóng nhất dành cho phụ nữ. Trên chuyến tàu, cô gặp bá tước de Lave (Mary Boland), người từng nhiều lần ly dị, cô nàng sôi nổi Miriam (Paulette Goddard) và Peggy tinh tế (Joan Fontaine). Cả bốn người phụ nữ nghỉ lại ở nhà trọ của Lucy (Marjorie Main), người sẵn sàng đưa ra những lời khuyên cho các vị khách. Nhờ những cuộc trò chuyện cùng nhóm bạn này, Mary mạnh mẽ hơn khi chuyển sang giai đoạn mới của cuộc đời, trở thành một người phụ nữ độc thân. Trong lúc đó, tại New York, cặp đôi Stephen và Crystal, và cô em họ tọc mạch Sylvia cũng gặp phải những cú sốc không ngờ.

Bộ phim The Women với dàn diễn viên hoàn toàn là phụ nữ từ già đến trẻ, được thực hiện bởi đạo diễn George Cukor, người được mệnh danh là “đạo diễn của nữ giới”. Dựa trên ở kịch của Clare Boothe Luce, bối cảnh phim chủ yếu diễn ra ở những không gian hết sức “đàn bà”, nơi mà từ bao lâu nay họ vẫn nói với nhau những câu chuyện trên trời dưới biển, từ salon làm đẹp, phòng tập thể dục thẩm mỹ, nhà bếp, cửa hàng bách hóa, shop thời trang cho đến những căn phòng sinh hoạt chung náo nhiệt.

Trong suốt thời lượng hơn 130 phút của phim, các nhân vật nữ liên tục trò chuyện, nhiều khi nói quá nhanh, thỉnh thoảng cướp lời nhau, có khi lại la hét trong giận dữ hoặc reo lên vì vui sướng. Diễn biến của phim được thể hiện một cách rõ ràng qua những câu chuyện trực tiếp hoặc những cú điện thoại. Các bí mật được xem là tăm tối nhất đối với phụ nữ, từ nỗi buồn trước cuộc hôn nhân thất bại, đến chuyện ngoại tình, ly hôn, mang thai và kế hoạch trả thù, tất cả đều được kể lại thông qua những tin đồn hoặc đoạn hội thoại chóng vánh. Có điều, các câu chuyện và nhân vật mới liên tục xuất hiện, có người chỉ trong khoảnh khắc, nhưng ai xuất hiện thì cũng nói rõ lắm - mà lại còn dài dòng. Vì vậy, đôi khi khán giả khó theo dõi kịp diễn biến. Thì bởi, cái sự “nhiều lời” của phái đẹp vốn chẳng gây ra lắm thị phi từ trước đến nay?

Suốt bộ phim, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một anh chàng/ông cụ nào, ngay cả ông chồng Stephen lăng nhăng của Mary cũng chỉ xuất hiện qua lời kể. Song trớ trêu thay, ở cái nơi “không đàn ông” này, người phụ nữ vẫn đảo điên vì nửa còn lại của thế giới. Mary và các cô bạn thân ai cũng bận tâm đến ám ảnh về những suy nghĩ, mối âu lo, sự ủng hộ và cảm xúc của chồng hoặc người yêu. Đặt trong bối cảnh năm 1939, dẫu xoay quanh tầng lớp phụ nữ thượng lưu, dễ thấy rằng phái nữ vẫn bị chi phối bởi các kế hoạch giành chiến thắng, làm vui lòng, hỗ trợ, quyền rũ hoặc trừng phạt người đàn ông của họ. Ở những phân đoạn đầu của phim, ngoài việc túm tụm vào tán chuyện, công việc của những cô nàng trong Thế giới đàn bà không mấy được đề cập đến.

Điểm sáng của bộ phim đến từ diễn xuất tươi vui, tràn đầy năng lượng và đáng nhớ của dàn diễn viên chính gồm toàn những ngôi sao hàng đầu. Trong vai Mary, nữ minh tinh Shearer – nữ hoàng phòng vé thời điểm bấy giờ, đã thể hiện được hình ảnh một người phụ nữ thực tế, tốt bụng, xuất hiện như một điểm sáng dịu dàng giữa bối cảnh tràn ngập các cô nàng độc địa, lắm mưu mô. Hoàn hảo là thế, nhưng Mary lại phải chịu đau khổ bởi sự phản bội của chồng – điều khiến cô dễ dàng lấy được sự đồng cảm từ bất kỳ người phụ nữ nào.

Cô em họ Sylvia lắm lời do Russell thủ vai bộc lộ tính cách ngổ ngáo, hài hước với đam mê “buôn chuyện” không thể kiểm soát nổi, đến nỗi bị vạ miệng. Sylvia nói nhanh với “tốc độ ánh sáng”, ăn mặc thời trang, dù có bản chất đáng ghét nhưng lại khiến người xem thích thú. Cô nàng đào mỏ Crystal của nữ minh tinh Crawford tuy ít xuất hiện hơn, nhưng đã hoàn thành tốt vai trò một kẻ phản diện đáng ghét, phá hoại cuộc hôn nhân của nữ chính tốt đẹp.

Norma Shearer, Joan Crawford và Rosalind Russell

Một trong những phân cảnh đáng chú ý nhất của phim là cuộc đối đầu giữa Mary và cô nhân tình của chồng, Crystal trong phòng thay đồ ở một cửa hàng thời trang xa xỉ. Tại đây, họ bộc lộ quan niệm của hai kiểu “đàn bà” trái ngược. Trong khi Mary khẳng định Stephen sẽ không rời bỏ cô, thì Crystal hóa ra cũng chẳng có ý định cạnh tranh, mà cô đơn giản chỉ thích thú với những món quà tặng đắt tiền từ Stephen. Mary tức giận gọi Crystal là ả đàn bà “rẻ tiền”, song đối với Crystal, Mary cũng chẳng lấy gì làm danh giá, bởi việc cô có được ngôi nhà, tiền bạc, con cái, danh tiếng chẳng qua là do vận may. Cuộc hội thoại này là khoảnh khắc phức tạp, căng thẳng hiếm hoi của bộ phim, giúp hai nữ diễn viên Shearer và Crawford thể hiện được diễn xuất đỉnhcao. Trong khi Shearer cho thấy sự mạnh mẽ giả tạo để che giấu đi nỗi đau khổ và nhục nhã, thì Crawford lại vô cùng ranh mãnh trong các mảng miếng đáp trả.

Phong cách trang phục cũng là một điểm đặc biệt của phim. Các diễn viên nữ xuất hiện liên tục với hàng loạt các kiểu trang phục lộng lẫy như ở lễ hội hóa trang, mang những đặc điểm của thời trang thiết kế haute couture cao cấp khiến khán giả mãn nhãn. Bước chuyển ngọt ngào từ sắc đen trắng sang khung hình màu (giống như trong bộ phim The Wizard of Oz) mang lại cảm giác thích thú, bất ngờ.

Thời trang trong The Women được đánh giá cao

Mang những đặc điểm của điện ảnh Mỹ thời bấy giờ, The Women vẫn đi theo lối dựng của sân khấu, màu mè và chuộng lê thê trong phân đoạn hội thoại. Các nhân vật có những kiểu tính cách điển hình được khắc họa rõ ràng. Chỉ cần lướt qua, người xem cũng hiểu được đâu là nhân vật tốt, đâu là người xấu cần khinh ghét. Thêm nữa, với tư tưởng “nữ quyền” có phần sơ khai, các nhà làm phim quá gấp rút trong việc thể hiện hình tượng những phụ nữ mạnh mẽ, thông minh và dí dỏm. Để biện minh cho sự tiến bộ hơn của nữ giới, họ cho rằng phản bội là bản tính cố hữu di truyền của đàn ông, do đó, với tư cách là những người ở vị trí cao, tiến hóa hơn, phụ nữ cần cho phép đàn ông mắc sai lầm vì “dù sao thì họ cũng chỉ là đàn ông mà thôi”.

Điều thú vị là sau này bộ phim The Women còn có tận 2 phiên bản làm lại. Năm 1956, phim được chuyển thể thành vở nhạc kịch The Opposite of Sex bởi đạo diễn David Miller. Phiên bản năm 2008 với dàn diễn viên toàn sao gồm Meg Ryan, Annette Bening, Bette Midler, Candice Bergen và Murphy Brown, tái hiện hầu như đầy đủ các chi tiết trong bản gốc, nhưng lại bị đánh giá là thất bại thảm hại.

Nhìn chung, The Women là một cú hích tươi sáng, lạc quan và rất hiện đại, không chỉ so với thời kỳ phim ra đời (khi sự phân biệt giới tính vẫn còn rất mạnh mẽ), mà vẫn còn có giá trị đến hiện tại. Lột tả một cách hài hước cái sự nhiều chuyện, rắc rối của phụ nữ, nhưng phim cũng tôn vinh không ít phẩm chất đáng quý của phái đẹp và thể hiện quan niệm nữ quyền thời kỳ đầu. Dẫu phụ nữ vẫn luôn cần đàn ông, nhưng họ không lệ thuộc vào đàn ông, mà hoàn toàn có thể trở nên mạnh mẽ, tháo vát, quyết tâm trong “thế giới đàn bà”.

Xem thêm:

Trainwreck: Khi trái tim… “làm dâu trăm họ”

Masters of Sex: Cởi trói cho định kiến tình dục

Heathers: Những cô nàng lắm chiêu phân tầng xã hội trường học

Gone Girl – vạch trần tận cùng sự thật hôn nhân

Lan Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/the-women-khi-dan-ba-chang-can-den-dan-ong