The Wolf of Wall Street: Từ “sói” đến… “sói” hơn

Không thể làm một bộ phim về Phố Wall những năm 1990 mà không có thuốc, gái, tiền bạc, xe hơi, nhiều thuốc hơn nữa… Nhưng quan trọng nhất, không thể làm một bộ phim về Phố Wall mà không có trang phục đúng kiểu.

Trong The Wolf of Wall Street (2013) của Martin Scorsese, rất dễ hiểu khi nói rằng Jordan Belfort (Leonardo DiCaprio), một tay chơi tài chính nổi tiếng những năm 1990, là một sản phẩm thực sự của Phố Wall: Những bộ suit kiểu cách, những chiếc áo sọc nhỏ kiêu ngạo, được hoàn chỉnh bởi chiếc đồng hồ vàng cáu cạnh Rolex, giày da Gucci và cà vạt đủ loại., phản ánh một lớp người bệnh hoạn và tham lam, sống và làm việc cùng nhau trong một trại tâm thần.

Jordan sống trong thời kỳ mà người ta định nghĩa trang phục của những tay môi giới chứng khoán theo quan niệm của Gordon Gekko (nhân vật trong bộ phim lừng danh Wall Street của đạo diễn Oliver Stone). Đó là tay môi giới sừng sỏ cùng châm ngôn “tham lam luôn tốt”, nghĩ rằng quyền lực được định nghĩa bằng chiếc áo sọc xanh có đệm vai, ve áo rộng, cùng cà vạt đỏ hoặc vàng thể hiện ma lực đồng tiền. Điều đó cố nhiên ảnh hưởng đến anh chàng Belfort chân ướt chân ráo vào Phố Wall, công ty sập tiệm và tìm đường sống từ “Pink Sheet”, mớ rác chứng khoán bị tâng lên tận mây xanh.

Sự rối loạn, điên cuồng, rác cũng thành kim cương dưới bàn tay nhào nặn của những “con sói Phố Wall” đánh vào thói tự mãn, dễ nghe lời bùi tai của những người chẳng hiểu gì về đồng tiền họ đang giữ, nhưng lại muốn giàu và phất lên nhanh chóng.

Ngày nay, Phố Wall vẫn lúc tăng vọt, lúc xuống ê chề, nhưng đã điềm đạm hơn. Nhưng ở bên ngoài biên giới nước Mỹ, những con thiêu thân vẫn lao vào “rổ chứng” kiếm lời, tin rằng mình sẽ thành triệu phú chỉ sau vài cú điện thoại, mà thực tế chẳng hay rằng, thứ họ kiếm được vẫn là mớ giấy. Kiếm được tiền rồi bạn sẽ dừng lại ư? Không, sẽ quay vòng, quay vòng tiếp cho đến khi nào cuộc chơi đó có kẻ thọc ngoáy, lôi ra cái sự dơ dáy và “ầm”, thị trường sụp đổ, bạn không còn đồng nào để quay vòng nữa. Nhưng dù ở đâu, phong cách Gekko vẫn luôn hiện diện, bởi đời chẳng thiếu những người không hiểu được giá trị thực sự của những thứ họ nắm trong tay, cho đến khi mất đi (dĩ nhiên).

Ngày nay, người ta đã ít quan tâm hơn đến những bộ suit 6.000 USD. Nhưng ở cái thời của Belfort, một bộ cánh sang chảnh quyết định giá trị con người họ, và thể hiện họ đang ở đâu trong xã hội. Thời trẻ chân ướt chân ráo bước vào làng chứng khoán, Belfort ăn mặc đúng như một nhân viên công sở thuộc tầng lớp lao động, đối lập với áo sọc xanh kiêu ngạo phong cách Gekko của các tay môi giới. Những năm 1980 (1990 theo sau đó) là thời kỳ ngân hàng và thương nhân trở thành biểu tượng văn hóa. Họ cho rằng phong cách “công tử Bạc Liêu” phô trương mới xứng với đẳng cấp của họ trong xã hội. “Chẳng có tí thời trang nào ở đây hết. Đó là thời kỳ mà người ta thấy tiền trên thứ bạn mặc”, Powell nói.

Hãy cứ nhìn những bộ trang phục ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của Armani là rõ. Thậm chí, chúng ta xem một nước Mỹ của những năm 1990 trong tâm thế của con người thế kỷ 21, thì cũng chỉ chăm chăm sốt sắng trước những bộ vest của Giorgio Armani mà quên đi Sandy Powell, nhà thiết kế trang phục chính cho phim. Có thể nói, người khoác áo cho “con sói phố Wall” là Powell, chứ không phải Armani. Armani chỉ xuất hiện thực sự hai lần một là bộ vest xám nhạt của Jordan Belfort (Leonardo DiCaprio) khi nốc thuốc cùng Donnie Azoff (Jonah Hill) gần đầu câu chuyện, và một bộ tối hơn khi Jordan đâm sầm chiếc trực thăng trong tình trạng phê bét nhè. Còn lại, toàn bộ là sân khấu của Powell và người thợ Leonard Logsdail ở New York.

Điều đó không có nghĩa Armani chẳng là gì trong The Wolf of Wall Street. Armani chắc chắn là cái tên mà các tay môi giới chứng khoán trẻ lựa chọn để diện lên người. Đó là thứ trang phục được truyền thông tung hô. Dù Armani chỉ thực sự xuất hiện hai lần, song bóng dáng của ông phảng phất trong hầu hết các trang phục của “Sói phố Wall”. Đệm vai rộng cùng chiết eo dài che khuất phần mông là đặc trưng của Armani những năm giữa thập niên 1980. Nhưng dù không thể phủ nhận ảnh hưởng của Armani, thì cái tên này vẫn là biểu tượng, hơn là một bàn tay thực tế.

Jordan Belfort bắt đầu mặc vest may đo khi kiếm được tiền to. Thời trang may đo được xem như biểu tượng thành công của những gã như Jordan. Những năm đầu 1990, Jordan mặc quần áo do Anthony Gilberto của Manhattan làm ra. Ông ta tạo ra những bộ trang phục cho Jordan và các cộng sự với cái giá lên tới 1.400 USD. Có những lúc chỉ một lần đặt đã lên đến 21.000 USD. Phong cách Armani đấy, nhưng còn lâu mới dễ chịu bằng.

Mặc áo sọc bây giờ không được ưa chuộng, nhưng khi đó, áo sọc và cà vạt hoa văn là quyền lực tối thượng của giới dân chơi, từ chứng khoán đến thuốc và gái. Trong phim, cà vạt của Belfort được làm từ lụa hoa văn Aztec hay những hình thù lấy từ cảm hứng đó.

Khi Jordan mở công ty riêng, hay chính xác hơn là khi công ty bắt đầu có lợi nhuận lớn, chúng ta nhìn thấy ngay sự tương phản: từ áo trắng thuần túy chuyển sang màu hồng poplin. Đó là Gordon Gekko (Michael Douglas) trong Wall Street (1987) của nhà thiết kế Ellen Mirojnick. Phong cách ồn ào kiểu Gekko được nhìn thấy trong The Wolf of Wall Street là một bước đi hợp lý: các tay môi giới muốn mình sống một cuộc đời như các ngôi sao, vậy nên, họ bắt chước cách ăn mặc của Hollywood.

Thập kỷ 90 là thời kỳ rất khó để dựng thành phim. Bởi chẳng có cái gì là xu hướng hay chủ đạo ở đây. Thời kỳ của những mâu thuẫn đối lập, sự tương phản gay gắt và các cuộc đấu tranh mãnh liệt chưa bao giờ là dễ để dựng nên bối cảnh cả. Áo polo Ralph Lauren và quần linen ống xuông mềm mại là một trong số ít các khoảnh khắc Belfort không hành động như một gã khốn. Còn lại, phần lớn gã vẫn mặc những bộ suit kiểu cách cảm hứng từ Ralph Lauren và phảng phất một chút của Armani, làm những việc chẳng ra gì, từ “bán rác cho những kẻ gom rác”, đến chơi gái, hút thuốc, ngoại tình.

Bộ váy cưới mà Naomi (Margot Robbie) mặc cũng rất đáng chú ý. Powell cùng Lorenzo Caprile đã làm nên một tuyệt phẩm: chiếc váy rực rỡ có cả sự tỉ mỉ tinh tế lẫn nét phô trương của giới nhà giàu, tượng trưng cho một thứ quan niệm đả tồn tại từ lâu: Thứ gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền; Tiền không mua được tất cả nhưng mua được rất nhiều thứ có giá trị, “thức ăn ngon hơn, xe đẹp hơn, gái bốc hơn và biến anh thành một người đỉnh hơn”. Một ả trần như nhộng nhưng lại đeo lắc Chanel, Naomi đi đôi bốt Gucci dù lúc ấy chồng mình đã mất tất cả. Những gì cuối cùng còn ở lại với những người này là trang sức và quần áo, sau đêm trường mộng mơ và ăn chơi sa đọa. Họ tự huyễn hoặc mình đời vẫn chưa chấm dứt, họ vẫn còn kiếm được, và dù nếu có mất, thì họ vẫn còn thứ gì đó để an ủi.

Tôi không đồng tình với vô số chỉ trích dành cho bộ phim rằng cái giá phải trả dành cho Belfort là quá nhẹ. Thứ nhất, Belfort thực cũng bị lĩnh án chẳng nặng hơn là bao. Thứ hai, tôi tôn trọng cái thẳng thắn của Scorsese. Chắc chắn đạo diễn Martin Scorsese không đồng cảm với Belfort, ông, hay tất cả mọi người, chẳng ai mong muốn có những hành vi như của Belfort tồn tại. Nhưng phủ nhận nó bằng một cái kết “có hậu” không có nghĩa là đời bớt bất công. Hãy thử nhìn lại thế giới tài chính từ những thời Belfort đến nay là rõ.

Thời kỳ dot-com xuất hiện quét đi tất cả thứ thời trang sặc mùi tiền bạc đó. Ngay cả những ngân hàng như J. P. Morgan và Morgan Stanley cũng cố đưa hình ảnh nhân viên về mức gần gũi, bình dị hơn, với quần kaki và áo polo xanh bị chế nhạo là “chơi trội”. Nhưng rồi bong bóng cũng nổ tung khi sang những năm 2000, đầu tư và sáp nhập như cơm bữa, giới tài chính lại trở về với áo sơ mi và vest quen thuộc, nhưng giản dị hơn, áo thường kiểu button-down (áo có khuya cố định cổ). Có vẻ như, cứ mỗi lần khủng hoảng là một lần người ta giảm tông “kiêu ngạo” cho quần áo. Khủng hoảng tài chính 2008 và các cuộc biểu tình đã khiến nhiều người sợ hãi bước ra đường với trang phục thuộc về “thiểu số”, tầng lớp giàu nhiều tiền hay các tay môi giới chỉ chực rút tiền từ túi này chuyển qua túi kia. Những chú công Phố Wall một lần nữa phải học lại cách ăn mặc. Một nhà đầu tư nói: “Tôi không để khăn nơi túi áo ngực, còn anh kia chẳng còn măng sét lật nữa.” Nhưng sự khiêm tốn không đánh bay những kẻ đầu cơ kiếm lợi từ những lỗ hổng luật pháp và sự tham lam của con người. Chỉ là từ dạng này sẽ chuyển qua dạng khác, tinh vi hơn, khó nắm bắt hơn và hậu quả cũng lớn hơn nhiều.

Xem thêm:

Du Du

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/the-wolf-wall-street-tu-%e2%80%9csoi%e2%80%9d-den%e2%80%a6-%e2%80%9csoi%e2%80%9d-hon