Thế trận lòng dân và sức mạnh đại đoàn kết

Rất nhiều bài học được rút ra từ sự kiện toàn quốc kháng chiến cách đây tròn 70 năm (19/12/1946 - 19/12/2016). Đặc biệt bài học xây dựng thế trận lòng dân và tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết rút ra từ sự kiện này nó vẫn còn nguyên giá trị - PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chia sẻ với Đại Đoàn Kết.

PGS Nguyễn Trọng Phúc.

Khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam

Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc có 3 bài học kinh nghiệm được rút ra từ cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp của nhân dân ta trong những ngày toàn quốc kháng chiến.

Bài học đầu tiên, đó là dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, luôn mong mỏi thực hiện khát vọng hòa bình, do vậy chúng ta đã kiên quyết đấu tranh gìn giữ nền độc lập của dân tộc.

Trong Cách mạng Tháng 8, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta đã giành được độc lập từ tay phát xít và thực dân Pháp. Sau khi bị Nhật gạt khỏi Đông Dương, thực dân Pháp vẫn nuôi tham vọng quay trở lại áp đặt sự cai trị, sau đó chiến tranh trong cả nước vào cuối tháng 12 năm 1946.

Tháng 12/1946, khi khả năng hòa hoãn không còn nữa, Pháp lộ rõ bản chất xâm lược buộc dân tộc Việt Nam phải đứng lên chiến đấu bảo vệ nền độc lập, thực hiện lời thề của Tuyên ngôn Độc lập, đó là “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do, độc lập”.

Bài học xuyên suốt ở đây là Việt Nam rất mong muốn hòa bình nhưng Pháp áp đặt thống trị như vậy đã buộc dân tộc Việt Nam phải cầm súng chống lại, như lời Bác nói: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì họ quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Khát vọng hòa bình chỉ thực hiện được khi chúng ta quyết tâm bảo vệ nền độc lập ấy, nếu không quyết tâm sẽ không đạt được.

Tinh thần yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết

Bài học thứ hai được rút ra là phát huy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều này được thể hiện ngay trong lời kêu gọi của Bác: mọi người dân đều có thể tham gia kháng chiến, cuộc kháng chiến toàn dân.

Bác nói, “bất kỳ đàn ông, đàn bà, người già người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên cầm súng chống xâm lược”. Ở đây nó thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc cao cả đồng thời thể hiện sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.

Sức mạnh ấy được quy tụ xung quanh ngọn cờ lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc chân chính của cuộc đấu tranh chính nghĩa. Sau này chính nước Pháp cũng rút ra bài học rằng, họ đã đánh giá thấp sức mạnh khối đại đoàn kết, đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc của những người Việt Nam yêu nước.

Ngay cả đế quốc Mỹ cũng vậy, thất bại thảm hại bởi không thể thắng nổi tinh thần yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Không nhận thức đầy đủ đánh giá đúng tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của dân tộc Việt Nam dù kẻ thù có mạnh đến đâu cũng sẽ chuốc lấy thất bại.

Bài học này còn nguyên giá trị đến nay. Vì vậy, chúng ta cần phải củng cố khối đại đoàn kết dân tộc để xây dựng phát triển và bảo vệ nền độc lập toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp. Chúng ta luôn nêu cao tinh thần hòa bình, nhưng luôn phải cảnh giác và không quên tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết.

Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Bài học thứ ba đó là bài học về kỉ luật, sự tuân thủ tuyệt đối đường lối lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, trong giây phút Tổ quốc lâm nguy vào thời điểm cuối năm 1946, toàn dân, toàn quân đã đồng lòng, tất cả tuân thủ nghiêm túc đường lối kháng chiến đã được vạch ra.

Vào thời điểm đó, Đảng đã ra đường lối kháng chiến đúng đắn đó là, Chỉ thị Toàn dân kháng chiến ngày 12/12/1946, sau đó là Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong những văn kiện đó, nhất là Lời kêu gọi của Bác đã xác định vì sao phải tiến hành cuộc kháng chiến; Vì ta muốn hòa bình nhưng đối phương càng lấn tới, ta phải buộc cầm vũ khí thực hiện nền độc lập, khát vọng hòa bình của mình. Lời kêu gọi cũng chỉ rõ lực lượng tiến hành kháng chiến là toàn dân, sau này ta gọi là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện là vì thế.

Phương pháp tiến hành kháng chiến là sử dụng cả những vũ khí có trong tay để chống xâm lược mới tạo ra chiến tranh của toàn dân. Phương thức tác chiến, quy mô, cách đánh thế nào thể hiện rất rõ trong đường lối, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lời kêu gọi của Bác cũng khẳng định niềm tin vào thắng lợi. Mục tiêu là hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước là nguyên tắc bất biến. Nhưng sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Bất biến là bảo vệ cho được nền độc lập của đất nước vừa giành được. Ứng vạn biến là chúng ta phải hết sức linh hoạt, sẵn sàng đình chiến mưu cầu hòa bình nếu bên kia đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của mình.

Trong tiến hành chiến tranh chúng ta vẫn để ngỏ khả năng Pháp đáp ứng yêu cầu của ta. Chúng ta sãn sàng thương lượng đàm phán vãn hồi hòa bình. Thế nhưng thực dân Pháp đã ngoan cố lao vào cuộc chiến.

Có thể nói thắng lợi của toàn quốc kháng chiến có ý nghĩa đặc biệt, đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Trong lịch sử, nhiều cuộc chiến xảy ra, nhưng đây là cuộc chiến chống kẻ xâm lược có tiềm lực rất lớn về quân sự, kinh tế. Nhưng chúng ta có Đảng cách mạng chân chính, có lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo đã tạo ra bước phát triển quan trọng trong lịch sử bảo vệ độc lập, lịch sử giữ nước của mình.

Chính ý chí quyết tâm giành độc lập của sự kiện toàn quốc kháng chiến đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc đảm bảo cho sự nghiệp kháng chiến đi đến thắng lợi, tạo tiền đề cho những thắng lợi ở những giai đoạn sau.

Lục Bình (ghi)

Từ khóa

Đại đoàn kết kháng chiến chống pháp toàn quốc kháng chiến Hồ Chí Minh PGS Nguyễn Trọng Phúc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/the-tran-long-dan-va-suc-manh-dai-doan-ket/141766