Thể thao Việt Nam tham dự Thế vận hội Olympic, Rio DeJeneiro 2016: 'Giấc mơ' huy chương có thành hiện thực?

Câu chuyện của Thể thao Việt Nam cất cánh vươn ra biển lớn, mang theo niềm khát khao chinh phục huy chương vẫn luôn cháy bỏng.

Qua các lần tham dự Thế Vận hội, kể từ lần đầu tham dự tại Moscow (1980) đến nay, Thể thao Việt Nam đã có 8 lần tham dự Thế vận hội. Sau mỗi lần tham dự, Thể thao Việt nam đã có những tín hiệu đáng mừng trong xu hướng tiệm cận với nền thể thao của khu vực và Thế giới.

Những "khoảng trống" nuối tiếc

Mốc son đánh dấu của Thể thao Việt Nam trên trường quốc tế chính là kỳ tích của võ sĩ Trần Hiếu Ngân tại Olympic, Sydney 2000 với tấm Huy chương Bạc ở môn Taekwondo hạng 57 kg nữ. Thành tích này đưa Thể thao Việt Nam đứng thứ 64/199 nước tham dự.

Võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân- VĐV đầu tiên giành HCB của TTVN trên đấu trường Olympic vào năm 2000, tại Sydney

Cũng kể từ đó, Thể thao Việt Nam đã có chiến lược “dài hơi” cho sự phát triển thể thao thành tích cao, chú trọng vào những môn thể thao Olympic. Đến kỳ Olympic của 4 năm sau, tại Athens, Hy Lạp (2004) Thể thao Việt Nam đã có số lượng VĐV tham dự nhiều hơn, nhưng lộ trình đầu tư “dài hơi” đến thời điểm này chưa thu được kết quả và không giành được tấm huy chương nào.

Mãi đến Olympic 2008, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Thể thao Việt Nam mới lại có được 1 tấm HCB môn Cử tạ của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn ở hạng 56 kg nam. Thành tích này giúp Thể thao Việt Nam xếp hạng thứ 71/ 204 nước tham gia.

Nhưng có lẽ, việc khẳng định thành tích mà cụ thể là giành huy chương ở sân chơi lớn nhất Thế giới này, đối với Thể thao Việt Nam chưa thực sự mang tính bền vững, theo đúng chiến lược đầu tư “dài hơi”.

Bởi đến Olympic, London (2012), với 18 VĐV tham dự ở 11 môn, nhưng Thể thao Việt Nam trở về “trắng tay”. Trong khi đó, thực tế đã có những “điểm sáng” như Hà Thanh, Phước Hưng, Trần Lê Quốc Toàn… cần được đầu tư sớm hơn, thì kết quả đã khác đi rất nhiều. Chỉ đến khi Olympic đang đến gần, các VĐV mới được đầu tư theo “chế độ đặc biệt”. Chưa kể, các VĐV còn thiếu cơ hội cọ xát, nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn.

Cho đến tận bây giờ, nhắc về sự đầu tư “đốt cháy giai đoạn” ấy, những người tâm huyết gắn bó với thể thao thành tích cao như Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Ông Nguyễn Hồng Minh vẫn không khỏi buồn, vì nuối tiếc cho những tài năng thể thao chưa được đầu tư đúng cách.

Lực sĩ Cử tạ Trần Lê Quốc Toàn để "tuột" tấm HCĐ tại Olympic, London(2012) vẫn là bài học trăn trở cho các nhà cầm quân

Tại Olympic, London 2012, Thể thao Việt Nam thực sự nuối tiếc đã để "tuột" mất tấm huy chương đồng của lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn môn Cử tạ (hạng 56kg). Lần ấy, anh đã thi đấu thành công ở mức cử đẩy 159 kg và hy vọng giành huy chương đồng ở mức cử đẩy 162 kg, nhưng anh đã thất bại. Chung cuộc, Quốc Toàn xếp thứ 4 Thế giới.

Những nuối tiếc ấy, dường như vẫn là điều trăn trở với những nhà cầm quân, đòi hỏi cần phải có cách nhìn sâu sắc, bền vững hơn đối với việc phát triển một VĐV tài năng thực sự.

Bài ca "Hy vọng" của Thể thao Việt Nam

Những thất bại của ngày hôm qua, hẳn sẽ là bài học của ngày hôm nay. Sau Lễ xuất quân của đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic, Rio 2016, đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Thế vận hội này bao gồm 23 VĐV, ở 10 môn thể thao đã và đang lên đường tham dự Thế vận hội (từ mùng 5/8- 21/8/2016), tại thành phố biển Rio deJaneiro, Brazil.

Khác hẳn với những lần tham dự trước đó, 23 VĐV này đã giành vé chính thức bằng chính tinh thần, nghị lực vươn lên, thông số thành tích đạt chuẩn quốc tế và cánh cửa Olympic, Rio 2016 rộng mở chào đón họ. Bởi những lần trước, một số VĐV Việt Nam đều được đặc cách mà được đến tham dự Thế vận hội. Số lượng VĐV của Việt Nam tham dự lần này có sự chuyển biến lớn cả về lượng và chất.

Đoàn Thể thao Việt Nam đã sẵn sàng tham dự Olympic, Rio 2016. Ảnh: Internet

Bởi lần này, các VĐV đã được đưa vào “lăng kính” đúng tầm nhìn hơn và dĩ nhiên, thành tích thực tế của các VĐV so với trước đây cũng chuyển biến tích cực hơn.

Ngay cả sự đầu tư cho các VĐV này đã được chú trọng hơn rất nhiều, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng chất lượng cao, phù hợp với mỗi VĐV nhằm nâng cao sức bền trong tập luyện và thi đấu.

Trong điều kiện cơ sở vật chất chưa thực sự đảm bảo, các VĐV đã được đi tập huấn ở một số nước có nền thể thao phát triển như Mỹ, Trung Quốc.

Mỗi VĐV giành được tấm vé chính thức đến với Olympic 2016 bằng chính sức lực của mình, hẳn đã là hành trình gian khổ và đáng nể phục. Điều đặc biệt, có cả VĐV không nằm trong danh sách VĐV đầu tư trọng điểm Olympic, cũng vẫn vươn lên mạnh mẽ và giành vé chính thức đến với Olympic, đó là VĐV môn Đi bộ Nguyễn Thành Ngưng.

VĐV môn Đi bộ Nguyễn Thành Ngưng- nhân tố mới tham dự Thế vận hội Olympic, Rio 2016

Cùng với những nhân tố mới xuất hiện, những VĐV từng đánh mất cơ hội tại Thế vận hội trước, có mặt tại Olympic lần này chắc chắn vẫn mang trong mình ngọn lửa đam mê, thắp lên niềm hy vọng của Thể thao Việt Nam.

Tất cả, họ đã khoác lên mình chiếc áo mang màu đỏ sắc thắm của Tổ quốc, phía trước họ là con đường chông gai thử thách, đòi hỏi quyết tâm cao độ, nhằm giành huy chương tại đấu trường Thế giới, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Olympic 2016 sẽ diễn ra từ ngày 5-21/8 tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil) với hơn 10.500 VĐV đến từ 206 đoàn, tranh tài ở 306 nội dung của 28 môn thể thao, đoàn Thể thao Việt Nam tham dự 22 nội dung của 10 môn thể thao.

Những nỗ lực của ngành TDTT cho chiến lược giành thành tích, huy chương tại Thế vận hội Olympic 2016 đang được người hâm mộ thể thao cả nước mong chờ.

Danh sách các VĐV Việt Nam tham dự Olympic Rio 2016: Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi); Trần Quốc Cường, Hoàng Xuân Vinh (bắn súng); Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông); Vương Thị Huyền, Trần Lê Quốc Toàn, Hoàng Tấn Tài, Thạch Kim Tuấn (cử tạ); Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh (TDDC); Nguyễn Thành Ngưng, Nguyễn Thị Huyền (điền kinh); Văn Ngọc Tú (judo); Vũ Thành An, Nguyễn Thị Như Hoa, Nguyễn Thị Lệ Dung, Đỗ Thị Anh (đấu kiếm); Tạ Thanh Huyền, Hồ Thị Lý (rowing); Nguyễn Thị Lụa, Vũ Thị Hằng (vật).

Bình Minh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/the-thao-viet-nam-tham-du-the-van-hoi-olympic-rio-dejeneiro-2016-giac-mo-huy-chuong-co-thanh-hien-thuc-d19408.html