Thể thao Việt Nam tại Olympic 2016: Nghịch lý

Sau niềm vui, sự phấn khích với chiếc huy chương vàng Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, thể thao Việt Nam liên tiếp đón nhận thất bại. Sẽ không có gì đáng nói nếu thất bại đó do khoảng cách về trình độ giữa các nước, đằng này hầu hết các vận động viên Việt Nam đều thi đấu dưới sức mình.

Người được chờ đợi mang lại niềm vui trên đường đua xanh là Nguyễn Thị Ánh Viên. Tuy vậy, trong ba nội dung dự thi thì có hai nội dung Ánh Viên thi đấu kém xa thành tích đã có ở SEA Games cũng như giải vô địch thế giới, trong đó có nội dung sở trường được kỳ vọng nhất của cô. Hoàng Quý Phước thì chỉ tham dự một nội dung duy nhất là 200m tự do nam. Kết quả anh về đích với thời gian 1 phút 50 giây 39, kém thành tích ở giải châu Á của chính anh là 1 phút 48 giây 96. Với lực sĩ Thạch Kim Tuấn, á quân thế giới hạng cân 56kg với mức tổng cửa 296kg (135kg cử giật, 161kg cử đẩy), thì lần này ba lần không nâng nổi mức tạ 157kg. Hình ảnh Kim Tuấn ngã vật ra sàn cho thấy sự bất lực thật sự trong khi đây là niềm hy vọng chắc chắn có huy chương của đoàn thể thao Việt Nam. Nữ lực sĩ Vương Thị Huyền cũng ba lần không thành công ở mức tạ 83kg và 84kg, trong khi ở giải châu Á cô giành huy chương vàng khi có cử giật đến 86kg. Tiếp sau đó là judo, đấu kiếm, thể dục dụng cụ… với những vận động viên tốt nhất hiện nay cũng chỉ thể hiện khá mờ nhạt ở sân chơi Olympic.

Hoàng Xuân Vinh trở thành tượng đài của Thể thao Việt Nam

Vấn đề cần nói ở đây là những thất bại lần này không thể đổ cho trình độ còn khoảng cách khá xa giữa Việt Nam và thế giới, là do tâm lý thi đấu chưa ổn định, là không được đầu tư dài hơi hoặc do chấn thương chưa hồi phục… Dường như thể thao Việt Nam đã chuẩn bị khá tốt cho chiến dịch Olympic, thậm chí là hơn hẳn nhiều nước trong khu vực và các vùng khác trên thế giới. Nói về chuyện tập huấn vận động viên thì Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn, Quý Phước, Phan Thị Hà Thanh… gần như quanh năm suốt tháng được ăn tập ở nước ngoài, Ánh Viên còn được tập và huấn luyện ở một trong những trung tâm uy tín nhất của Mỹ. Ngoài nguồn kinh phí rất lớn của ngành thể dục thể thao, kinh phí xã hội hóa cũng góp sức cho một số vận động viên đỉnh cao. Trong đó, Ánh Viên được Nutifood tài trợ dài hạn với số tiền không nhỏ. Nói về trình độ khả năng còn khoảng cách xa thì tại sao cũng những vận động viên ấy lại đoạt thứ hạng cao ở các giải thế giới. Càng không thể nói do tâm lý bởi thể thao Việt Nam đã hội nhập khá lâu, vận động viên được cọ xát hết giải này đến giải khác với các vận động viên đẳng cấp thế giới, không còn chuyện như cách đây vài chục năm chân ướt chân ráo bước ra sân là hồi hộp. Và cứ cho là những nguyên nhân trên có lý thì vì sao thành tích ở Olympic lại kém xa thành tích trong tập luyện và thi đấu ở các giải khác. Đây là một nghịch lý rất ít xảy ra ở các vận động viên chuyên nghiệp.

Vậy đâu là nguyên thực chất? Không thể kết luận một cách võ đoán mà vấn đề này ngành thể thao cần ghi nhận, đánh giá một cách khách quan, bỏ qua tâm lý tự ái để có được một cái nhìn chính xác, từ đó mới có một giải pháp chấn chỉnh phù hợp. Một liên tưởng có vẻ “ngô nghê” nhưng đáng chú ý là môn bắn súng gặp nhiều khó khăn về điều kiện tập luyện, nhất là thiếu phương tiện đúng chuẩn thi đấu nhưng lại tỏa sáng, còn các môn được đầu tư mạnh mẽ, điều kiện tập luyện theo chuẩn quốc tế lại thua sốc ở hầu hết các nội dung. Điều này một phần cho thấy tính chuyên nghiệp trong bản thân các vận động viên chưa cao, nên tinh thần quyết tâm, trách nhiệm với bản thân không đầy đủ, dẫn đến chuyện không vượt qua được chính mình.

Theo SGGP

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/the-thao/the-thao-viet-nam-tai-olympic-2016-nghich-ly-365-195161.html