Thể thao giữa dòng xoáy thị trường: Thoái vốn khỏi "mảnh đất Vàng"

(HQ Online)- Chẳng lâu, chỉ cách đây quãng hơn chục năm, thể thao thực sự là "mảnh đất hoang... đầy Vàng" để giới doanh nghiệp đổ dòng vốn lớn vào đầu tư. Nhưng dù mang ý nghĩa xã hội lớn thế nào đi chăng nữa, thì thể thao cũng là cuộc kinh doanh không hơn, không kém.

VTV tuyên bố thoái vốn khỏi K+.

Mang bóng đá đi đặt... ngân hàng!

Cách đây 15 năm, bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai cùng với bầu Thắng của Đồng Tâm Long An không chỉ mở đường cho sự ra đời nền bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam, mà còn là những người tiên phong trong trào lưu "doanh nghiệp hóa" bóng đá. Bóng đá thay da, đổi thịt nhờ tiền của doanh nghiệp, chiều ngược lại, bóng đá trở thành kênh PR hữu hiệu cho chính các doanh nghiệp trong việc kinh doanh. Bầu Đức - Hoàng Anh Gia Lai; bầu Thắng - Đồng Tâm Long An và nhiều ông bầu, doanh nghiệp khác sau này được biết nhiều hơn là thế!

Và trong số những ông bầu máu me bóng đá, quả thật bầu Đức xứng là số 1. Sau khi giúp đội bóng quê nhà 2 lần bước lên ngôi vô địch V-League bằng chiến dịch đầu tư ồ ạt và công việc kinh doanh mở rộng ra nhiều lĩnh vực, nhiều thị trường, bầu Đức lại... đổi hướng đầu tư bóng đá bằng sự ra đời của Học viện đào tạo trẻ Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG vào năm 2007. Và cũng ngay lập tức mô hình này đi vào lịch sử làng cầu nội khi sản sinh ra một thế hệ cầu thủ tài năng với: Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... những tài năng sau này còn được "xuất khẩu" ra nước ngoài.

Nhưng chuyện kinh doanh thì... mỗi thời mỗi khác. Mảnh đất Vàng bóng đá xem ra đã cằn đi nhiều khi cái lợi nó mang về chẳng còn nhiều như xưa nữa. Bầu Đức cũng không là ngoại lệ. Trong địa hạt bóng đá, ông đã và đang là số 1, nhưng bóng đá thì chẳng còn giúp nhiều cho chuyện kinh doanh của chính ông như thủa ban đầu.

Hoàng Anh Gia Lai hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, rất có thể phải tái cơ cấu vì khoản nợ lên tới hơn 3.000 tỷ đồng và trước những khó khăn này, tập đoàn đã phải thế chấp rất nhiều tài sản, trong đó có cả Khu liên hợp Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG. Dĩ nhiên, thế chấp là chuyện ra bình thường trong kinh doanh thời kinh tế thị trường, nhưng việc bị mang ra "thế chấp" cũng cho thấy bóng đá không phải là sự lựa chọn số 1 của doanh nghiệp.

Câu chuyện và khó khăn của bầu Đức cũng lý giải tại sao doanh nghiệp dần rút khỏi bóng đá đỉnh cao. Đơn giản, với doanh nghiệp - Lợi nhuận là tất cả.

Thoái vốn vì thua lỗ kéo dài

Cũng một cuộc rút lui khác đang làm nóng các trang báo thể thao trong nước, đó là tuyên bố thoái vốn của VTV khỏi K+, Công ty liên doanh giữa chính VTV với Tập đoàn Canal+ International Development của Pháp vì thua lỗ.

Hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2009, dù là kênh truyền hình tổng hợp, nhưng điểm mạnh của K+ chính là mảng thể thao với "con bài độc quyền" giải Ngoại hạng Anh. Đây cũng là nguyên nhân giúp kênh truyền hình trả tiền này bùng nổ về số thuê bao từ 95.600 lên hơn 800.000 (năm 2015), doanh thu từ 25 tỷ đồng lên gần 1.270 tỷ đồng. Thành công của K+ chứng minh sức hút lớn của mảng kinh doanh truyền thông thể thao và cũng lý giải tại sao nhà đài này "khăng khăng" đòi tiếp tục mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh 3 mùa tới bất chấp mức giá tăng đến chóng mặt.

Thế nhưng, tuyên bố thoái vốn của VTV đã chỉ ra một thực tế khác. Tăng số thuê bao và doanh thu, K+ vẫn liên tục lỗ trong 6 năm liền. Đến năm 2015, K+ cho biết đã đạt điểm hòa vốn, nhưng vẫn lỗ 11 tỷ (trước lãi vay). Lỗ lũy kế đến hết năm của K+ gần 2.000 tỷ đồng. Lý do đơn vị này lý giải là: Lãi không đủ trả nợ vay vốn! trong khi VTV đề xuất thoái vốn Nhà nước khỏi K+ “nếu áp dụng mọi giải pháp vẫn không đạt được mục tiêu”.

Có nhiều lý do để lý giải việc kinh doanh của K+ không đạt hiệu quả, từ môi trường đến chiến lược lẫn cả thói quen của người tiêu dùng và để thoái vốn, VTV còn phải chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, có thể thấy một lý do khác nữa: Thể thao không dễ để kinh doanh!

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/the-thao-giua-dong-xoay-thi-truong-thoai-von-khoi-manh-dat-vang.aspx