Thế nào là văn hóa?

Nghe có tiếng chuông bấm gọi cửa, tôi vội chạy ra. Đứng trước tôi là một phụ nữ mặc bộ đồ ngủ cũ nhàu nhĩ, tóc búi nhưng có phần xổng xểnh nên nhiều lọn rơi lòa xòa rối tung.

Mất một lúc tôi mới nhận ra đó là bác tổ trưởng dân phố. Cùng lúc, con gái tôi đi làm về đến cửa. Cháu chào mẹ và khách, rồi dắt xe vào nhà. Bác tổ trưởng đến báo tôi về cuộc họp sắp tới của tổ dân phố. Xong việc, bà tong tả bước đi. Tiếng dép của bà còn loẹt quẹt vọng lại, trong khi tôi đóng cửa.

Khi quay vào, con gái tôi hỏi:

- Bác ấy đến làm gì đấy mẹ?

- À, tối mai họp tổ dân phố, bình bầu gia đình văn hóa.

- Hay thật, không biết bác ấy hiểu thế nào là văn hóa. Là tổ trưởng, đến nhà người ta báo đi họp bàn về gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, mà ăn mặc thì lôi thôi lếch thếch, đầu tóc rối bù.

- Này, nói khẽ thôi, bác ấy chưa đi xa đâu. Gớm, mà sao con gái mẹ "tia" nhanh thế - tôi ngăn con gái.

- Ôi dào, liếc mắt một cái con thấy liền, khó gì đâu. Mà con hỏi mẹ, con nói có sai không? Nói thật nhé, nếu bác ấy có nghe thấy, con cũng không sợ. Có khi lại hay là đằng khác. Nếu bác ấy là người biết nghe điều đúng, bác ấy sẽ sửa đổi. Mẹ công nhận không, thời buổi này, ăn mặc gọn gàng, tươm tất, đâu có khó... Chẳng qua là quen cái cách tuềnh toàng, gặp chăng hay chớ thôi.

Nghe con nói vậy, tôi ngẫm thấy có phần đúng. Con trẻ giờ dù sao cũng có cái nhìn nhanh nhạy và suy nghĩ thẳng thắn. Đúng là, văn hóa là lĩnh vực rất rộng và đa dạng, nhưng nếu đi vào cụ thể, nó lại chính là những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống mà nhiều người không để tâm suy nghĩ, như bác tổ trưởng dân phố mà tôi kể trên.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/tranghanoi/nhonhenhacnhau/th-nao-la-v-n-hoa-1.355955