Thế mạnh, thế yếu

Thanh Văn

(Cadn.com.vn) - Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đang đến gần, nhiều người cho rằng, tương lai của nước này có thể nằm vào lá phiếu của cử tri Công giáo La Mã (Ki-tô giáo). Tất nhiên, người Công giáo La Mã không đi bầu một khối. Nhưng vấn đề này nhấn mạnh sự đa dạng chính trị cũng như vai trò của tôn giáo trong ngày bầu cử khi người Mỹ thường mong muốn chọn một vị tổng thống của đức tin.

Nhưng tại sao lại phụ thuộc vào lá phiếu của người Công giáo? Đó là bởi vì cử tri Công giáo đã tăng 22% - con số tương tự như người Mỹ gốc Phi và người Châu Mỹ La tinh gộp lại và mang tính quyết định bên chiến thắng số phiếu phổ thông trong 10 cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Vấn đề này có thể đóng vai trò tiên quyết cho quyết định của bà Hillary Clinton: lựa chọn một người Công giáo, Thượng nghị sĩ Virginia Tim Kaine làm phó tướng tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ. Còn nhớ, đương kim Tổng thống Barack Obama làm một cái gì đó tương tự bằng cách chọn ông Joe Biden làm phó tướng trong chiến dịch tranh cử năm 2008, động thái giúp ông lấy phiếu tại tiểu bang Pennsylvania (nơi ông Biden có ảnh hưởng lớn).

Năm 2012, ông Obama đánh bại đối thủ Mitt Romney với 50%-48% số phiếu phổ thông. Chiến thắng sít sao của ông Obama là nhờ lá phiếu của người Công giáo. Trong khi cựu ngoại trưởng Clinton dường như đang nắm lợi thế khi chọn ông Tim Kaine làm phó tướng, đối thủ đảng Cộng hòa, ông Donald Trump lại đối mặt nhiều thách thức. Vị tỷ phú này từng bị Đức giáo hoàng Francis chỉ trích gay gắt và bày tỏ nghi ngờ “không phải là người theo Ki-tô giáo”. Đáp trả, ông Trump tuyên bố rằng: “Đối với một nhà lãnh đạo tôn giáo, hỏi đức tin của một người là điều nhục nhã”.

Việc ông Trump chỉ trích người nhập cư Mexico là “kẻ hiếp dâm và tội phạm”, và nhấn mạnh sẽ xây dựng một bức tường biên giới và trục xuất 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ cũng khiến vị ứng viên này mất điểm nghiêm trọng trong mắt cử tri. Vì vậy, để có thể giành chiến thắng, ông Trump phải lấy lòng được các tiểu bang như Ohio, Michigan, Pennsylvania, Wisconsin và Florida - nơi có đông dân số Công giáo. Trong khi đó, đặt cược tốt nhất của đảng Dân chủ là kết nối với cử tri gốc Tây Ban Nha. Dù số cử tri Công giáo Tây Ban Nha giảm mạnh trong những năm gần đây, họ vẫn chiếm hơn một nửa số cử tri gốc Tây Ban Nha.

Tất nhiên nhân khẩu học không phải là vận mệnh trong nền chính trị Mỹ. Còn rất nhiều vấn đề mang tính quyết định khác, nhất là việc tính toán số lượng cử tri đoàn. Nhưng trong bối cảnh “kẻ tám lạng, người nửa cân” như thế này, các ứng viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cần phải biết nhanh chóng tận dụng thế mạnh và loại bỏ thế yếu để có thể đi đến chiến thắng.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_152094_the-ma-nh-the-ye-u.aspx