Thế hệ F3 của gia tộc sơn KOVA

Rời khỏi môi trường học tập, một bước lên làm lãnh đạo doanh nghiệp không hoàn toàn là những bước đi trên thảm hoa hồng. Tuy nhiên, những lợi thế của gia đình và nỗ lực của bản thân đã bước đầu giúp Nguyễn Duy, CEO của KOVA Trading, gặt hái thành công.

Nguyễn Duy, CEO của KOVA Trading

Thuộc lớp 8X, Nguyễn Duy là thế hệ F3 của người sáng lập và tạo dựng nên thương hiệu sơn KOVA nổi tiếng – PGS.TS Nguyễn Thị Hòe. Với tình yêu lớn dành cho thương hiệu được sáng lập bởi bà ngoại và sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Anh, anh được giao trọng trách Giám đốc điều hành KOVA Singapore. Khi đó, Nguyễn Duy chưa đầy 25 tuổi.

– Nhiều người đi du học xong đều muốn làm ở nước ngoài, anh lại về công ty gia đình ngay. Đây là mong muốn của anh hay do gia đình sắp đặt?

Thực ra, với một chút “háo thắng” muốn chứng tỏ bản thân, tôi cũng muốn bươn chải, làm việc ở nước ngoài một thời gian rồi mới về KOVA. Tuy nhiên, tôi thấu hiểu được mong muốn của bà và ba mẹ là tôi sẽ gánh vác trọng trách kế nghiệp gia đình.

Hơn nữa, từ khi còn nhỏ tôi đã chứng kiến những vất vả của bà và ba mẹ khi theo nghiệp nghiên cứu. Tôi thường xuyên được theo ba/mẹ và bà tới trường Đại học Bách Khoa TP.HCM để xem mọi người làm thí nghiệm với sơn. Trong các bữa cơm gia đình hay những lần trò chuyện của cả nhà, đều không thể thiếu những câu chuyện về lĩnh vực sơn. Và tình yêu với sơn cứ ngấm dần vào tôi lúc nào không hay.

Học xong Thạc sĩ, gia đình cũng có ngồi họp lại về quyết định việc làm của tôi. Ba tôi “tư vấn”, để học việc thì không nơi nào việc dạy dỗ con cái đáng tin cậy hơn doanh nghiệp gia đình. Tôi thấy điều này đúng. Hơn nữa, tôi biết rằng, cả nhà đang rất cần sự đóng góp của mình. Có điều tôi chọn học kinh doanh, bởi cả bà và ba/mẹ đều đi theo con đường nghiên cứu.

– Được đặt ngay vào vị trí điều hành KOVA tại Singapore, hẳn anh rất vui?

Mới ra trường chưa có kinh nghiệm, điều tôi cần nhất là học việc. Tôi lại còn trẻ, ngồi ở vị trí điều hành chắc chắn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi các nhân viên cấp dưới, lại là “tiền bối” giàu kinh nghiệm. Tôi lại không về Việt Nam làm việc mà tiếp quản ngay công việc kinh doanh của công ty tại thị trường Singapore nên càng có nhiều thách thức.

Tuy nhiên, thời điểm đó, bà ngoại tôi đang rất cần người điều hành tại Singapore, bởi trước đó bà thường xuyên phải bay đi – bay về giữa 2 nước. Tôi có thế mạnh về tiếng Anh khiến việc trao đổi thông tin giữa công ty tại Singapore và đối tác nước ngoài thuận tiện hơn. Đó là lý do bà ngoại để tôi thử sức ngay tại Singapore chứ không phải là Việt Nam.

– Anh đã làm gì để vượt qua những khó khăn ban đầu và chứng tỏ được năng lực bản thân?

Văn phòng ở Singapore lúc đó còn nhỏ, nhưng khá nhiều việc. Tôi thường xuyên phải đi tiếp xúc với đối tác, nhà thầu để mở rộng thị trường. Những lần đầu tiếp xúc với khách hàng, tôi lắng nghe câu chuyện, học hỏi kinh nghiệm từ chính đồng nghiệp, cũng là cấp dưới của mình. Tôi không “ra vẻ” sếp mà cầu thị để làm tròn trách nhiệm với gia đình.

Trong câu chuyện lãnh đạo, một là phải làm cho người ta thương, hai là làm cho người ta nể, ba là làm cho người ta phục, bốn là làm cho người ta sợ. Làm cho người ta sợ thì rất khó để họ đóng góp được nhiều cho công ty. Để làm cho người ta nể, phục thì mình phải giỏi hơn nhiều trong lĩnh vực của họ. Vì thế, đối với tôi việc đầu tiên là phải chiếm được tình cảm của mọi người. Để làm được điều đó, tôi cần cho mọi người thấy mình làm việc vì tình yêu với KOVA và trách nhiệm với gia đình và khiến mọi người cũng yêu KOVA.

– Công việc bên Singapore đang suôn sẻ thì anh lại được đưa về Việt Nam. Dường như gia đình đang đưa hết thử thách này đến thách thức khác để rèn giũa anh thêm cứng cáp?

Sau hơn 1 năm tôi làm việc tại Singapore, mọi người nhìn thấy thị trường Việt Nam cũng có nhiều việc cần phải làm nên quyết định đưa tôi về, thay vì tìm kiếm một người khác đảm đương các trọng trách này ở trong nước.

Điều này cũng không có gì khác biệt mà đó là bản chất của công ty gia đình. Khi làm đề tài Thạc sĩ, tôi làm chính về KOVA. Tôi nhận thấy có mấy vấn đề cần giải quyết thấu đáo. Đầu tiên là khi tuyển nhân sự điều hành, người chủ doanh nghiệp thường không có sự phân quyền và phân nhiệm rõ ràng khi thuê họ vào và sẽ không dám giao hết quyền. Người điều hành dù rất giỏi, nhưng không được toàn quyền ra quyết định thì rất khó chứng tỏ được năng lực bản thân. Vì thế, xu hướng của những công ty gia đình là thích sử dụng những thế hệ kế cận vào vị trí này và giao quyền cho con, em họ. Nhưng khi giao cho người kế nghiệp vị trí quản lý cao cấp thì chưa chắc người được chọn đã đủ năng lực tương xứng với vị trí đó mà cần thời gian nuôi dưỡng và chuyển giao.

Đối với trường hợp của tôi, chắc gia đình cũng cảm nhận được nhiệt huyết của tôi với KOVA và tôi cũng đã chứng minh được khả năng của mình thể hiện qua những đóng góp cụ thể. Hơn nữa, bản thân tôi nghĩ rằng, Việt Nam là thị trường đủ lớn để tôi tiếp tục học hỏi, tìm tòi, phát triển và chứng minh năng lực bản thân.

– Nhưng được biết đây là thách thức không dễ dàng gì giúp anh chứng tỏ năng lực bản thân?

Đúng vậy. Khi về Việt Nam một thời gian thì tôi gặp một vấn đề lớn, đó là cảm giác bức bối, như mình không làm được gì, vì để làm những cái cũ, những cái y hệt như ba/mẹ thì mọi người không cần mình. Ai cũng nghĩ rằng, đã đến lúc phải xây dựng thương hiệu, phải làm marketing… nhưng khi tôi đề xuất bất cứ điều gì đều bị mọi người phản bác, vì nghĩ rằng, nó quá khác với cách đang làm. Bản thân tôi cũng muốn tạo ra sự khác biệt và gia đình cũng kỳ vọng tôi sẽ tạo ra sự thay đổi ở KOVA, cuối cùng gia đình vẫn cho tôi thử sức.

Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, một phần do tôi thiếu kinh nghiệm, phần nữa mọi người cũng còn khá thận trọng nên tỷ lệ công việc bị “gãy” khá cao. Ngay cả khi tôi đề xuất tuyển dụng những anh chị rất giỏi vào làm cũng chưa phù hợp ngay với văn hóa công ty do gia đình đã xây dựng từ trước đó. Quá nhiều vấn đề xảy ra, tôi đề xuất tách ra thành lập 1 công ty thương mại độc lập, đó là KOVA Trading. Trong khi công ty của ba/mẹ lo khâu sản xuất, nghiên cứu thì KOVA Trading chuyên chăm lo việc xây dựng thương hiệu, làm marketing, làm hệ thống phân phối, dịch vụ chăm sóc hậu mãi khách hàng và kiêm luôn việc phát triển thị trường quốc tế.

– Chắc hẳn khi tách ra làm riêng anh sẽ phải tự mình đương đầu với rất nhiều vấn đề?

Đúng là thời gian đầu quá chật vật. Bản thân tôi phải ngồi nghĩ ra câu chuyện mới cho KOVA Trading. Phải làm từ những việc nhỏ nhất như: lo giấy phép kinh doanh, phỏng vấn tuyển dụng nhân sự, xây dựng thang bảng lương… tất tần tật mọi thứ tôi đều phải tự làm. Bà và ba/mẹ cũng đã hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện cho tôi có cơ hội lớn lên, nhưng vẫn rất khắt khe trong việc để tôi tự chứng minh sẽ làm được.

– Kể cả công việc ban đầu ở KOVA Trading hẳn cũng không ít khó khăn?

Phải nói là quá khó. KOVA Trading hơi giống một start-up, nhưng khác ở chỗ start-up khởi đầu bằng con số “không”. Tôi không bắt đầu từ đó, nhưng cần xây dựng hệ thống để bắt kịp bộ máy đã chạy là KOVA có số lượng sản phẩm lớn, khách hàng và đại lý nhiều. Đã có những giai đoạn tôi cực kỳ khủng hoảng, đặc biệt là chuyện nhân sự. Có thời điểm, chỉ trong vòng 1 tuần, 3 nhân sự cấp cao của KOVA Trading đã ra đi.
KOVA Trading có nhiều thứ thuộc về giá trị lịch sử và mang tính kế thừa. Câu chuyện ở đây không phải là ai giỏi, ai dở mà là tìm được người phù hợp và hiểu văn hóa công ty, hiểu được những giá trị mà doanh nghiệp đã tạo dựng từ trước. Công ty gia đình phát triển dựa trên sự trải nghiệm của người lãnh đạo, cá tính của người đó. Thậm chí những nhà lãnh đạo công ty gia đình dù rất muốn thay đổi, rất muốn khác biệt, nhưng đứng trước quyết định nào đó họ thường có xu hướng làm theo cách truyền thống nhiều hơn chứ hiếm khi chấp nhận hoàn toàn đi theo cái mới. Bài học kinh nghiệm này đã khiến tôi thận trọng hơn khi tuyển nhân sự để họ hiểu về doanh nghiệp và quyết định đồng hành nếu cảm thấy phù hợp với hướng đi của doanh nghiệp.

– Tình hình hoạt động của KOVA Trading hiện nay ra sao?

Bắt tay vào làm, tôi và đội ngũ bên dưới đã nỗ lực rất nhiều. Cứ làm – sai – rút kinh nghiệm dần. Một phần nhờ gặp đúng thời cơ, đúng lúc thị trường bất động sản khởi sắc trở lại nên KOVA Trading bước đầu gặt hái được những kết quả khả quan. Năm 2015, sau 2 năm thành lập, chúng tôi đã đạt mức tăng trưởng 50%.

– Anh đã làm thế nào?

Kết quả đó phụ thuộc nhiều vào cách công ty phát triển hệ thống phân phối. KOVA Trading đã phải tương tác nhiều hơn với các đối tác giúp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng như cửa hàng, nhà thầu… Để làm được điều đó, KOVA Trading cũng phải chấp nhận nhiều mất mát, do trước đó hệ thống phân phối của KOVA được xây dựng theo một cách riêng và đó là điều bắt buộc khi muốn KOVA phát triển.

Quan trọng nhất, KOVA đã dùng chính thế mạnh của mình để tiếp thị, đó chính là lợi thế công nghệ, đặc biệt nhất là các dòng sản phẩm từ công nghệ Nano vỏ trấu đầu tiên trên thế giới, do chính KOVA tự nghiên cứu và sản xuất.

– Được biết KOVA hiện có mặt tại hơn 10 thị trường trên thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ. Để đạt được điều này có phần đóng góp lớn của anh. Tuy nhiên, ở trong nước, KOVA mạnh ở thị trường phía Bắc, còn tại phía Nam vẫn khá mờ nhạt. Công ty sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Tiêu dùng sơn ở thị trường phía Bắc và phía Nam khá khác nhau. Trong khi người Bắc khó tính, nhưng khi đã chấp nhận rồi sẽ rất trung thành với sản phẩm đã sử dụng thì thị trường phía Nam dễ dàng chấp nhận cái mới hơn. Một lý do nữa là khí hậu miền Bắc cũng khắc nghiệt hơn nên sơn KOVA rất được ưa chuộng. Thậm chí còn có người nói vui rằng cứ nhà giàu ở miền Bắc là phải dùng sơn KOVA và mọi người rất kỹ lưỡng trong việc chọn loại sơn nào. Với đặc trưng thị trường khá khác biệt ở phía Nam, KOVA Trading phải có cách tiếp cận khác. Sắp tới nếu bạn đến TP.HCM sẽ thấy KOVA có mặt nhiều hơn ở tất cả các cửa hàng, đại lý phân phối sơn.

– Được biết ngoài thời gian điều hành công ty, anh luôn tranh thủ tối đa thời gian rảnh rỗi để đi học thêm các khóa về bán hàng, marketing, quản trị nhân sự… Vậy thời gian nào anh dành cho cá nhân?

Trước đây, tôi tự tạo áp lực phải làm việc rất nhiều. Gần đây, tôi đã lấy lại sự cân bằng hơn. Tôi cũng đã dành thời gian gặp gỡ bạn bè vào dịp cuối tuần hay tranh thủ thư giãn, giải trí ngay trong những chuyến công tác. Đàn ông ai cũng mê xe, ai cũng thích trải nghiệm, nhưng tôi tự đặt ra giới hạn chỉ ở mức độ nào đó chứ không đam mê sưu tập cái này, cái kia. Với lại, lương tôi ở KOVA thấp lắm, không có tiền để mê mấy thứ xa xỉ đó đâu (cười).

Đôi nét về Nguyễn Duy

* Giám đốc điều hành KOVA Trading – công ty thành viên của tập đoàn sơn KOVA, chịu trách nhiệm chính mảng thương mại và xuất khẩu cho KOVA.

* Đã đưa KOVA tiếp cận thành công thị trường châu Âu và đang thiết lập mạng lưới phân phối đến thị trường Mỹ, Trung Đông, Nga, Nhật, Trung Quốc…

* COO (Chief Operating Officer) – điều hành Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp SVF (Start-up Vietnam Foundation).

* Tốt nghiệp Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Anh và cử nhân tại Học viện Quản lý Singapore; đã hoàn tất các khóa học quản trị kinh doanh cao cấp tại Nhật, Đức.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/the-he-f3-cua-gia-toc-son-kova-20160715104010246p147c160.news