Thế giới trong 100 ngày đầu tiên Trump là Tổng thống

Trong những giờ đầu sau khi người Anh bỏ phiếu chọn Brexit, các kết quả tìm kiếm hàng đầu trên Google xoay quanh chủ đề “rời khỏi Liên minh châu Âu nghĩa là thế nào” và “EU là gì”. Tuy nhiên người Mỹ, dù cũng vừa trải qua một cú sốc, sẽ không phải băn khoăn tân Tổng thống sẽ làm gì trong 100 đầu tiên sau khi đắc cử. Bởi trước đó, ông Trump đã có một bức tranh rõ ràng về những dự định của mình. Nếu bức tranh ấy vẫn chưa đầy đủ, thì phần còn lại của nó cũng sẽ được lấp đầy bởi những sự kiện ngoài tầm kiểm soát của ông.

Viễn cảnh chúng ta có thể chờ đợi là gì?

Phải chăng là một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc và Mexico, tái khởi động chương trình hạt nhân ở Iran, hàng triệu dân Mỹ mất bảo hiểm sức khỏe, trục xuất hàng loạt người nhập cư, khả năng bế tắc quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông và Bắc Triều Tiên, cho phép sử dụng các hình thức tra tấn? Hay là một lệnh yêu cầu cơ quan liên bang điều tra bà Hillary Clinton và những ai từng phê bình ông Trump, cảnh tượng vị Tổng Tư lệnh quốc gia khởi kiện các phụ nữ cáo buộc ông lạm dụng tình dục, hay một cuộc khủng hoảng hiến pháp khi Tổng thống Hoa Kỳ tìm cách sa thải các thẩm phán liên bang bởi họ là người gốc Latin?

Còn nữa! Súng sẽ được cho phép sử dụng trong cả các trường học, sau hàng loạt những vụ xả đạn xảy ra thường xuyên tại Mỹ.

Và đừng quên, ông Trump từng nói rằng, ngay trong ngày đầu ngồi ghế Tổng thống, ông sẽ gọi Trung Quốc với danh xưng “kẻ thao túng tiền tệ”, do đó tiến hành áp dụng mức thuế trừng phạt với hàng nhập khẩu Trung Quốc mà theo ông là nên ở mức 45%. Tương tự như vậy, Hàng Mexico cũng phải chịu mức thuế 35%. Ngoài ra, ông Trump sẽ tiến hành đàm phán lại, thậm chí nhiều khả năng rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ.

Trung Quốc và Mexico, bị đẩy vào cuộc suy thoái, nhiều khả năng sẽ trả đũa bằng cách gây khó dễ cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong thị trường của quốc gia mình. Trong cuộc chiến tranh thương mại này, người tiêu dùng Mỹ không thể mua sản phẩm mà họ cần. Kết quả là lạm phát gia tăng.

Các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ mất hàng trăm tỷ USD xuất khẩu. Một báo cáo của The Post dự đoán người Mỹ sẽ mất đi 7 triệu công ăn việc làm. Suy thoái kinh tế sẽ đến chỉ sau một năm, trừ khi những cú sốc kinh tế gây ra một cuộc đại suy thoái năm giống như thập niên 30 – sự kiện bị coi là "đêm trước" của Chiến tranh thế giới thứ hai.

Và cú sốc như vậy đến từ đâu? Vâng, ông Trump cũng cho biết rằng vào ngày làm việc đầu tiên, ông sẽ đề nghị Quốc hội bãi bỏ Obamacare, đồng nghĩa với việc 24 triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế.

Đồng thời, Donald Trump sẽ giáng một đòn chí mạng vào thị trường lao động ngay khi khởi động nhiệm kỳ, với việc cho trục xuất hơn 2 triệu “người nhập cư bất hợp pháp hình sự”. Theo tính toán của Trung tâm tự do vì Tiến bộ Mỹ, hành động này sẽ gây phí tổn 20,1 tỷ USD, và hiện tại Mỹ chỉ có đủ kinh phí để trục xuất 400.000 người mỗi năm.

Ngoài ra, ông Trump còn cam kết thắt chặt tài chính của chính quyền địa phương, giảm hàng trăm triệu USD quỹ đảm bảo an toàn công cộng và tiền hỗ trợ cho các trại tị nạn. Nhiều phòng thí nghiệm, đại học nghiên cứu của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng khi ông Trump hủy bỏ việc tài trợ cho chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Việc cắt giảm thuế mà ông Trump cam kết với người ủng hộ, nếu được tiến hành, hoặc đòi hỏi giảm tải phần lớn chi tiêu chính phủ (gây mất đi nhiều việc làm) hoặc gia tăng các khoản nợ.

Không chỉ kinh tế, mà quan hệ quốc tế của Mỹ cũng sẽ chao đảo. Những dự định của ông Trump trong việc ngăn chặn làn sóng nhập cư từ các nước dễ bị khủng bố; đàm phán lại các điều khoản với NATO và hiệp ước hạt nhân của Iran – điều mà ông Obama đã hết sức cố gắng để ngăn chặn trong nhiệm kỳ của mình; rút khỏi quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương và thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris… sẽ gây rạn nứt nghiêm trọng với các đồng minh ở cả châu Âu, châu Á lẫn vùng Trung Đông.

Khi cuộc chiến tranh thương mại lan rộng, những cú sốc cho nền kinh tế leo thang và các đồng minh trở nên xa cách, Tổng thống mới sẽ bị bủa vây bởi các vụ việc liên quan đến pháp lý. Mặc dù “Crooked Hillary” gây ra không ít ồn ào (Hillary quanh co – cụm từ ông Trump sử dụng để miêu tả đối thủ khi bà bị điều tra về hành vi dùng mail cá nhân để gửi nhận thông tin mật), nhưng một nhân vật thân tín của ông Trump, Thống đốc bang New Jersey Chris Christie cũng có khả năng cũng sẽ bị điều tra về trách nhiệm trong bê bối “Bridge-gate” (vụ quyết định đóng cửa 2/ làn xe ở Fort Lee, gần cầu George Washington, gây ra tình trạng kẹt xe hồi tháng 9/2013). Thêm vào đó, hai cấp dưới trung thành của ông Trump đang bị cơ quan điều tra liên bang theo dõi về mối quan hệ thân tình với chính quyền Nga.

Công ty Trump University cũng đang đối mặt với nhiều cuộc điều tra và cáo buộc liên quan đến hành vi gian lận. Một trong những cáo buộc sẽ được xét xử bởi Thẩm phán Gonzalo Curiel vào ngày 28/11 tới. Ông Trump từng gọi Thẩm phán Curiel là “dân Mexico”, đồng thời cho rằng ông không thể chí công vô tư với nguồn gốc như vậy.

Donald Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ sử dụng quyền lực Tổng thống đối với Thẩm phán Curiel cũng như bà Clinton và các phương tiện truyền thông đưa tin bất lợi cho ông. “Chúng ta phải xem xét Thẩm phán Curiel. Tôi sẽ quay lại vào tháng 11. Không phải rằng mọi chuyện sẽ thật thú vị nếu như tôi trở thành Tổng thống và khởi tố một vụ án dân sự hay sao? Đời là thế đấy, anh bạn”.

Quả đúng thế. Thành ra, cuộc đời sẽ thế này trong những ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump: đó là nền kinh tế rung động, sự bất ổn quốc tế và thậm chí có thể là khủng hoảng Hiến pháp, điều mà người Mỹ tại các bang bờ Tây, bờ Đông luôn lo ngại. Hôm nay, các cuộc biểu tình ani-Trump đã khởi động. Nhưng đối với họ, cơn ác mộng mới chỉ bắt đầu. Tuy nhiên, giấc mơ cờ tỷ phú từ người đàn ông tóc vàng quyền lực thì vẫn là điều mà hơn 50% giới cần lao Hoa Kỳ mơ tưởng. Họ sẽ có 100 ngày trải nghiệm thêm về các lời hứa của vị Tổng thống này.

Lan Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/the-gioi-trong-100-ngay-dau-tien-trump-la-tong-thong