Thế giới nếu: Điều gì xảy ra khi các nước bán lãnh thổ cho nhau?

Năm 1916, các hòn đảo nằm ở vùng Caribe gồm St John, St Thomas và St Croix đã được Đan Mạch bán cho Mỹ với giá 25 triệu USD (quy đổi theo tỷ giá hiện hành thì giá sẽ sẽ là 550 triệu USD)

Hình ảnh tại lễ ký kết hiệp ước Danish West Indies (Nguồn: Economist)

2016 đánh dấu cột mốc kỷ niệm 100 năm ngày diễn ra trận Somme - một trong những trận đánh lớn nhất của Thế chiến thứ nhất. Với con số thương vong hơn 1 triệu người, đây được coi là trận chiến đẫm máu nhất trong lịch sử loài người.

Tuy nhiên, 2016 cũng đánh dấu kỷ niệm lần thứ 100 của Hiệp ước Danish West Indies. Dù không lẫy lừng như trận Somme, hiệp ước này cũng rất đáng để lưu tâm bởi cho đến nay thì đây là lần cuối cùng một quốc gia trực tiếp bán một phần lãnh thổ cho nước khác.

Năm 1916, các hòn đảo nằm ở vùng Caribe gồm St John, St Thomas và St Croix được Đan Mạch bán cho Mỹ với giá 25 triệu USD (quy đổi theo tỷ giá hiện hành thì giá sẽ sẽ là 550 triệu USD). Hiệp ước Danish West Indies dỡ bỏ các rào cản thương mại giữa vùng đất ngày nay đã được đổi tên thành quần đảo Virgin thuộc Mỹ với nước Mỹ và ngăn không cho nó rơi vào tay người Đức trong suốt chiến tranh thế giới thứ nhất.

Thời xa xưa, những giao dịch như vậy rất phổ biến. Người Mỹ đã mua bang Louisiana từ tay người Pháp năm 1803 và bang Alaksa cũng được Nga bán cho Mỹ từ năm 1867. Đến nay các hợp đồng mua bán này vẫn còn nguyên giá trị và được luật pháp quốc tế công nhận.

Tuy nhiên, đến thời kỳ hậu thuộc địa, biên giới các nước chỉ dịch chuyển khi một liên bang tan rã, các quốc gia phân chia lại biên giới sau khi giải quyết xong tranh chấp lãnh thổ hoặc đôi khi là do chiến tranh. Sự việc không còn đơn thuần là hai chính phủ đồng ý bán đất cho nhau.

Vậy thì điều gì sẽ xảy ra nếu như lịch sử lặp lại? Với một chút tưởng tượng, tạp chí kinh tế nổi tiếng Economist đưa ra một số giao dịch có thể xảy ra.

Đầu tiên, biến đổi khí hậu sẽ là một trong những nguyên nhân tạo nên nhu cầu mua bán lãnh thổ. Các nước bị đe dọa bởi nước biển dâng (như Nauru) sẽ háo hức mua lại những hòn đảo có địa thế cao hơn của các nước xung quanh đó (ví dụ như quần đảo Solomon).

Thứ hai, những nước có diện tích nhỏ nhưng đông dân và giàu có sẽ mua đất của những nước nghèo nhưng có diện tích lớn. Hồi tháng 4, sau khi nhận được hỗ trợ tài chính từ Saudi Arabia, Ai Cập tuyên bố nhường lại quyền kiểm soát hai hòn đảo Tiran và Sanafir ở eo biển Tiran trên Biển Đỏ cho Saudi Arabia. Thông báo bất ngờ khiến những người Ai Cập - vốn từ lâu đã coi các hòn đảo này là của họ suốt nhiều thập kỷ - phẫn nộ và sau đó 2 tháng tòa án Ai Cập đã phải đưa ra phán quyết rằng tuyên bố trước đó là không có giá trị.

Theo kịch bản của Economist, việc bán đất sẽ giúp giải quyết các vụ tranh chấp lãnh thổ. Nga có thể giải quyết việc sáp nhập bán đảo Crimea một cách êm đẹp hơn bằng cách giúp Ukraine trả nợ hoặc đồng ý trao trả lại vùng đất phía Đông Karelia cho Phần Lan (Nga vốn đã chiếm lấy vùng đất này từ Phần Lan sau chiến tranh thế giới thứ hai). Tranh chấp ở quần đảo Kuril giữa Nhật Bản và Nga cũng có thể được giải quyết ổn thỏa – bằng rất nhiều tiền.

Lợi ích cuối cùng nằm ở khả năng tiếp cận với hoạt động thương mại trên biển. Vốn là nước không tiếp giáp với biển, Bolivia có thể cung cấp cho Chile khí đốt để đổi lấy một cảng ở Thái Bình Dương – điều mà nước này khao khát từ lâu. Hoạt động thương mại của Botswana sẽ bùng nổ nếu mua lại một dải đất ven biển của Namibia.

Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích cũng là những mặt tối tiêu cực. Nếu các nước chủ nợ sẵn sàng mua đất, các nước con nợ (là bên phát hành trái phiếu) chủ quan nghĩ rằng họ luôn có thứ để cầm cố trong trường hợp vỡ nợ và do đó sẽ thỏa sức vay mượn, dẫn đến phá sản hàng loạt.

Tồi tệ hơn, có thể xuất hiện những vụ mua đất có động cơ quân sự. Thay vì bỏ hàng tỷ USD cho vũ khí hạt nhân, Triều Tiên và Iran sẽ dùng tiền đó mua các hòn đảo ở Địa Trung Hải hay Caribe. Liệu Mỹ và các nước đồng minh có sẵn sàng trả bất cứ giá nào để ngăn những vùng đất này rơi vào tay kẻ thù?

Thu Hương

Theo InfoNet/Economist

Nguồn CafeF: http://cafef.vn/the-gioi-neu-dieu-gi-xay-ra-khi-cac-nuoc-ban-lanh-tho-cho-nhau-20160725084305978.chn