Thế giới lao vào cuộc chiến chống cúm A H1N1

(VTC News) - Chính phủ các nước nỗ lực dự trữ thuốc chống virus, đặt hàng hàng chục triệu liều vaccine và áp dụng mọi kế hoạch cách ly với hy vọng cản bước đại dịch cúm A H1N1 trước khi nó cướp đi sinh mạng nhiều người khác.

Ảnh Hubpages Tới nay tác động của đại dịch là không giống nhau, nhiều nước bị ảnh hưởng nặng nề hơn các quốc gia khác. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, tất cả 6,8 tỉ người trên toàn cầu đều nằm trong nguy cơ nếu đại dịch trở nên mạnh hơn. Và đây là những nỗ lực các nước thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm mới. Mỹ: Một quốc gia gần Mexico, nơi virus cúm A(H1N1) được phát hiện đầu tiên. Vào giữa tháng 7, Mỹ đã trở thành nước có số trường hợp mắc bệnh được xác nhận cao nhất thế giới: 40.617 người với 263 người tử vong. Phía sau con số thống kê, các quan chức y tế tin là con số thực tế người nhiễm bệnh là 1 triệu người. Ngày mai, quan chức y tế Mỹ sẽ có cuộc họp khẩn cấp đưa ra kế hoạch hành động chống cúm. Mỹ đã đặt hàng 10 triệu liều vaccine vào giữa tháng 10. Vaccine chống cúm H1N1 sẽ được thử nghiệm vào tháng 8. Chính phủ liên bang và tiểu bang đã tích trữ 61 triệu liều Tamiflu và Relenza. Mỹ Latin: Vùng Trung và Nam Mỹ đều chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, với 500 trường hợp tử vong tính đến giữa tháng 7. Dịch bệnh đầu tiên bùng phát ở Mexico, nơi có 138 người tử vong và lây lan sang Argentina, với 165 người chết. Đây là nước chỉ đứng thứ hai sau Mỹ về tỉ lệ người tử vong do cúm A H1N1. Các bộ trưởng y tế Mỹ Latin đã chỉ trích thế giới phát triển đặt trước quá nhiều liều vaccine phòng bệnh, nhưng các nước trong khu vực cũng đã bắt đầu đưa ra kế hoạch ngăn chặn dịch bệnh của họ. Một số nước gia tăng ngân sách y tế, như Chile, dành riêng 30 triệu USD cho thuốc chống cúm. Cho phép kéo dài kỳ nghỉ của học sinh và kiểm soát tập trung đông người nơi công cộng. Anh: Đây là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch cúm tại châu Âu. Riêng trong tuần qua đã có 100.000 trường hợp mới mắc bệnh. 31 bệnh nhân tử vong. London đã đặt hàng tổng cộng 132 triệu liều vaccine cúm, với 60 triệu liều (đủ cho nửa dân số dùng với tỉ lệ hai liều/người) cung cấp vào cuối năm. Một đường dây nóng và cả trang web về chống cúm được thiết lập cho phép chẩn đoán bệnh nhân ở khoảng cách xa và cung cấp điều trị y tế thích hợp. Các quan chức y tế ước tính có khoảng 200.000 cuộc gọi/ngày. Tây Ban Nha: Quốc gia thứ hai ở châu Âu trở thành nạn nhân lớn nhất của dịch cúm, với 1.806 trường hợp xác nhận mắc bệnh tính tới hôm qua, 6 người chết. Chưa có chiến lược quốc gia nào được đưa ra. Chính phủ nước này đã đặt 37 triệu liều vaccine cho 46 triệu cư dân, và có kế hoạch tiêm chủng cho 40% dân cư. Nhật Bản: Một trong những quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch cúm với 4.462 người mắc bệnh tính tới thứ Tư tuần trước nhưng chưa có người tử vong. Tokyo tuyên bố có thể lặp lại các biện pháp đã áp dụng trước đây khi có dịch bệnh lây nhiễm, đó là kiểm soát chặt chẽ tại sân bay, cách ly các trường hợp nghi ngờ ở khách sạn gần sân bay. Khoảng 4.800 trường học, nhà trẻ đã đóng cửa trong một tuần. Nhật Bản dự trữ Tamiflu và Relenza cho 38 triệu bệnh nhân (1/3 dân số) và có kế hoạch tự sản xuất 17 triệu liều vaccine chống cúm A H1N1 trong năm nay. Trung Quốc: Nước đông dân nhất thế giới, với 1.668 người mắc bệnh. Tuy tỉ lệ nhiễm cúm hiện tại chưa có, nhưng sau dịch SARS và cúm gia cầm, Trung Quốc đã coi đại dịch cúm rất nghiêm trọng. Các bệnh viện được đặt trong tình trạng “thời chiến chống cúm”. Rất nhiều bàn tiếp nhận cúm được thiết lập với các nhân viên y tế đeo khẩu trang, được lệnh thông báo mọi trường hợp nghi ngờ lên chính quyền. Trung Quốc cũng áp dụng giai đoạn cách ly 7 ngày với du khách nước ngoài nếu có biểu hiện triệu chứng cúm. Hong Kong đã ghi nhận một trường hợp tử vong trong tổng số 2.855 ca nhiễm bệnh. Châu Phi: Châu Phi không thông báo về quá nhiều trường hợp mắc bệnh như các châu lục khác, nhưng các chuyên gia y tế cảnh báo, đại dịch sẽ đặc biệt nguy hiểm ở cộng đồng cư dân có tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao. Nam Phi có 48 triệu dân với gần 6 triệu người mắc HIV, tính đến 17/7 có 119 người mắc cúm A H1N1. Botswana có bốn người mắc bệnh và Namibia có ba bệnh nhân. Trung Đông: Israel hôm qua đã thông báo người đầu tiên tử vong vì dịch cúm mới. Ảrập Xêút thì đang áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của cúm khi mùa hành hương của người Hồi giáo sắp tới. Các bộ trưởng y tế Ảrập đã đề xuất cấm trẻ em dưới 12 tuổi và người già trên 65 tuổi hành hương tới thánh địa Mecce năm nay để giảm bớt nguy cơ lây lan của đại dịch. Khu vực này có một trường hợp tử vong, đó là nữ bệnh nhân người Ai Cập trở về từ một cuộc hành hương tới Mecca. Hiện chưa rõ cô nhiễm virus ở đâu. Trung và Đông Âu: Đức có 1.469 người mắc bệnh tính tới 20/7 và không có người tử vong. Quan chức nước này lên kế hoạch mua đủ vaccine tiêm chủng cho khoảng ¼ dân số. Rất nhiều nước lo ngại sẽ mất cơ hội tiếp cận với vaccine khi các nước giàu lũng đoạn thị trường. Cộng hòa Czech có ít nhất 63 người mắc cúm A H1H1 tính tới tối qua (27/7). Le&Le (Theo AFP)

Nguồn VTC: http://vtc.vn/311-221483/quoc-te/the-gioi-lao-vao-cuoc-chien-chong-cum-a-h1n1.htm