Thế giới làm được thì người Việt Nam cũng làm được

Đó là niềm tin mãnh liệt mà CEO Hãng hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

CEO Hãng hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo ký hợp đồng mua máy bay Boeing.

CEO Hãng hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo ký hợp đồng mua máy bay Boeing.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, từng học Đại học Ngoại thương rồi du học tại Đại học Kinh tế quốc dân Moscow, chuyên ngành kinh tế, và có gần 30 năm trên thương trường, bà Nguyễn Thị Phương Thảo được giới đầu tư biết tới với nhiều thương vụ đình đám trên thị trường bất động sản, tài chính và là người sáng lập ngân hàng cổ phần thương mại đầu tiên ở Việt Nam. Bà cũng được biết đến với vai trò chủ sở hữu của khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Việt Nam là Furama Resort và Công ty CP Địa ốc Phú Long (chủ đầu tư Dragon City). Gần đây, bà tham gia đầu tư vào Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TPHCM (HD Bank) - một trong những ngân hàng thuộc TOP 10 ngân hàng thương mại ở Việt Nam.

Thế nhưng, nói về bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nói về sự ra đời của hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, Hãng hàng không Vietjet.

Năm 2007, khi Việt Nam công bố “mở cửa bầu trời”, cấp phép cho hàng không tư nhân hoạt động, bà Thảo cùng một số thành viên sáng lập Công ty cổ phần Hàng không Vietjet với tham vọng “trở thành hãng hàng không uy tín và được ưa thích nhất tại Việt Nam và khu vực”.

Sau khi được cấp phép, hào hứng với chính sách mới cùng tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế những năm đầu hội nhập kinh tế thế giới, Vietjet lên kế hoạch xây dựng một hãng hàng không 5 sao. Nhân sự được tuyển rầm rộ với mức lương “khủng”, chuyên gia hàng đầu lĩnh vực hàng không trong nước và quốc tế được mời về liên tiếp, hợp đồng thuê máy bay đã được ký kết. Thế nhưng, “giấc mơ bay” của Vietjet đã vấp phải hiện thực khắc nghiệt: Kinh tế thế giới khủng hoảng; thị trường nặng định kiến với hàng không tư nhân; hạ tầng, chính sách hàng không còn nhiều bất cập, vướng mắc…

“Vietjet đã dừng lại một nhịp để nghiên cứu kỹ hơn và chuẩn bị cho mình một con đường riêng”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.

Con đường riêng đó bắt đầu từ việc Vietjet từ bỏ mô hình hãng hàng không 5 sao sang mô hình hãng hàng không thế hệ mới, hành khách được tự chọn dịch vụ thay vì kèm tất cả vào giá vé. Xu hướng này giúp cho hành khách có nhiều lựa chọn, tiết kiệm chi phí.

Có thể thấy, lựa chọn mô hình đúng chính là bước khởi đầu thành công của một hãng hàng không. Trong lúc Indochina Airlines “chết yểu” sau một năm, Air Mekong "cầm cự" được 2 năm thì Vietjet ngay năm đầu tiên đã lọt vào “TOP 5 đường bay mới mở thành công nhất thế giới”. Năm thứ 2, Vietjet công bố lãi và năm thứ 3 chính thức trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên có đường bay quốc tế, liên doanh ở nước ngoài.

Thành công của Vietjet thời điểm này rất có ý nghĩa đối với hàng không Việt Nam, cho thấy chính sách mở cửa thị trường của Chính phủ là đúng đắn. Nhờ chính sách này, Nhà nước không phải đầu tư vốn nhưng vẫn phát triển hàng không đến các địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư và du lịch.

Bên cạnh con số ấn tượng về doanh thu, Vietjet còn làm thay đổi xu hướng đi lại của người dân Việt Nam. Theo thống kê, hơn 30% lượng khách của Vietjet là những người lần đầu đi máy bay, đến từ những vùng nông thôn có thu nhập vào loại trung bình. Chỉ trong một thời gian ngắn, Vietjet đã biến loại phương tiện giao thông từng được xem là “xa xỉ” trở nên phổ cập hơn đối với người dân Việt Nam, đồng thời đem đến sự thay đổi rõ nét cho thị trường hàng không, kéo theo sự đổi mới tích cực của các hãng hàng không khác.

Kiên định trên bàn đàm phán hay hoạch định những bước đi “sống còn” của một hãng hàng không là điều ít người nhìn thấy. Bề ngoài, người ta thường thấy bà Thảo nhẹ nhàng xuất hiện trong các sự kiện quan trọng của Vietjet với tâm thế an nhiên, nhẹ nhõm, quan tâm từng chi tiết nhỏ từ lẵng hoa đặt sao cho đúng vị trí tới bản giới thiệu về khách mời. Bà không từ chối chụp ảnh chung với bất kỳ ai, nhất là nhân viên, cho dù đó là những nhân viên mà bà không biết đang ở vị trí nào trong hàng nghìn người lao động làm việc cho Vietjet.

Trân trọng người lao động chính là một ưu điểm của bà Thảo, giờ đây trở thành triết lý kinh doanh của Vietjet. Lãnh đạo và nhân viên Vietjet khi nói chuyện về Vietjet luôn thích dùng cụm từ “Vietjet chúng tôi”.

“Nhiều người hỏi chúng tôi vì sao Vietjet thành công, chúng tôi chỉ vào trái tim mình. Chính sự quyết tâm, đồng lòng cùng nhau thực hiện hoài bão, đam mê vì giấc mơ mọi người cùng bay đã giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn. Chúng tôi yêu môi trường làm việc nơi đây, nơi tinh thần đồng đội, sức mạnh tập thể là trên hết”, bà Thảo nói.

Không khó để thấy bà Thảo và ban lãnh đạo của bà cũng có một tình yêu, bà gọi đó là “yêu Tổ quốc”. Ngay từ khi được cấp phép thì tên gọi, biểu tượng, nhận diện thương hiệu tới triết lý kinh doanh của Vietjet đã toát lên tình yêu ấy. Lựa chọn bài hát “Hello Vietnam” phiên bản tiếng Anh, Vietjet đã phát ra thông điệp chào đón nồng hậu của đất nước Việt Nam đổi mới.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, bà Thảo cùng Hãng hàng không Vietjet đã mang đến hình ảnh hãng hàng không Việt đầy sức sống, với mong muốn "thế giới biết đến một Việt Nam rất năng động, hội nhập và hiện đại nhưng lại rất Việt Nam”.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/the-gioi-lam-duoc-thi-nguoi-viet-nam-cung-lam-duoc/288607.vgp