Thế giới 7 ngày: Bà Cliton có vượt qua được vụ điều tra email lần này?

Ngày 28/10, FBI thông báo mở lại cuộc điều tra bê bối email của bà Clinton khiến những người ủng hộ bà bất an khi ngày bầu cử chính thức đang đến gần.

1. Cuộc điều tra mới này của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sẽ tiếp tục đi sâu thêm về việc sử dụng hệ thống thư điện tử cá nhân khi bà Hillary Clinton giữ cương vị Ngoại trưởng.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ James Comey cho biết, cơ quan này sẽ có các biện pháp điều tra thích hợp để quyết định xem liệu những bức thư điện tử mới có lưu các thông tin mật hay không, cũng như đánh giá mức độ quan trọng của những bức thư này đối với cuộc điều tra.

Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ - Hillary Clinton. (Ảnh: Reuters).

Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump đánh giá cao quyết định mở lại cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ, đồng thời tuyên bố bà Clinton không đủ tư cách tham gia cuộc bầu cử Tổng thống khi sử dụng hệ thống thư điện tử cá nhân trong thời gian giữ cương vị Ngoại trưởng Mỹ.

Phản ứng trước việc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mở lại cuộc điều tra bê bối thư điện tử, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton tuyên bố bà hoàn toàn vô tội, đồng thời bày tỏ tin tưởng cuộc điều tra sẽ không thay đổi kết luận được đưa ra hồi tháng 7.

Đặc biệt, dẫu cho vụ việc vẫn đang ầm ĩ, trở thành đề tài nóng trên các phương tiện truyền thông xã hội, kết quả thăm dò do Reuters phối hợp với công ty Ipos tiến hành và công bố ngày 28/10 cho thấy, cựu Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã nới rộng khoảng cách với đối thủ Donald Trump - ứng cử viên của đảng Cộng hòa lên 6%.

Được biết, trước ngày bầu cử chính thức ở Mỹ (8/11), có nhiều bang trên khắp nước Mỹ đã tổ chức bầu cử sớm . Hơn 3,3 triệu cử tri Mỹ đã hoàn thành việc bỏ phiếu cho Tổng thống tương lai của đất nước. Các số liệu thống kê cho thấy việc bầu cử sớm tại các bang chiến trường mang lại nhiều dấu hiệu tốt cho chiến dịch tranh cử của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

2. Trong khi quân đội Iraq đang ngày càng tiến công mạnh mẽ vào khu vực Mosul, Iraq thì các nhà quan sát lo ngại, các tay súng các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đây nhiều khả năng sẽ có các hành động cực đoan và tàn bạo hơn khi chúng phải đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng ở thành phố này.

Vị quan chức giấu tên nói: “Thật không may, IS có thể gia tăng đàn áp những người dân sống trong khu vực do chúng kiểm soát. Hoặc là chúng chạy trốn hoặc ép dân thường phải chiến đấu cho chúng”.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với NBC News, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, Tướng Joseph Votel cảnh báo rằng, việc kết thúc sự chiếm đóng của IS ở Mosul sẽ không đồng nghĩa với việc IS bị quét sạch khỏi lãnh thổ Iraq .

Chuyến hàng cứu trợ quốc tế đầu tiên cho người dân thành phố Mosul ngày 25/10 đã đến khu vực Ebril của Iraq. Chuyến hàng đầu tiên này bao gồm 530 tấn hàng viện trợ được nhiều nhân viên cứu trợ và tình nguyện viên tháp tùng. Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là làm thế nào đoàn xe cứu trợ có thể phân phát hàng viện trợ an toàn đến những người dân Mosul, trong khi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn kiểm soát thành phố.

Hội Chữ thập Đỏ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chuyến hàng cứu trợ này cho biết sẽ phối hợp với các đối tác địa phương và làm mọi điều có thể để phân phát hàng cứu trợ đến những người dân thực sự cần. Các cơ quan cứu trợ nhân đạo cũng cho biết, hiện có chỗ ở cho khoảng 60.000 người Mosul tại các lều bạt sơ tán họ dựng lên ở khu vực phía bắc Iraq.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23/10 thông báo nước này đang tham gia chiến dịch quân sự tại Mosul ở Iraq bất chấp sự phản đối của chính quyền Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yindirim thông báo quân đội nước này cùng các phương tiện quân sự đã tham gia các cuộc tấn công quân sự theo yêu cầu của lực lượng người Kurd tại Iraq (Peshmerga Kurd) nhằm đẩy lui IS khỏi thị trấn Bashiqua, phía Đông thành phố Mosul.

3, Ngày 24/10, Pháp bắt đầu thực hiện chiến dịch giải tỏa và sơ tán hàng nghìn người di cư khỏi khu lán trại trái phép ở thành phố cảng Calais , phía Bắc nước Pháp. Khoảng 1.250 cảnh sát được huy động để đảm bảo an ninh trong suốt quá trình giải tỏa khu lán trại và áp giải người di cư đến các trung tâm tị nạn.

Khói đen bốc cao sau khi khu lán trại bắt lửa. Đây dường như là một phần của việc giải tỏa khu lán trại trái phép của người tị nạn ở Calais. (ảnh: Reuters).

Người di cư sẽ được tách thành 4 nhóm, phân chia theo gia đình, nam giới độc thân, trẻ em và những người dễ bị tổn thương. Những người này sẽ được đưa tới 300 trung tâm tiếp nhận trên toàn nước Pháp.

Nhà chức trách Pháp cho biết sẽ đảm bảo khoảng 7.500 nơi tạm trú mới cho số người di cư tại Calais , ước tính số người di cư tại Calais có khoảng 6.000-8.000 người.

Trước đó, ngày 18/10, một tòa án ở Pháp đã cho phép nhà chức trách nước này tiến hành giải tỏa nhanh các khu lán trại tạm bợ hiện có người tị nạn tạm trú bất hợp pháp ở Calais.

4, Ngày 30/10 ngày thứ 12 mà không quân Nga và quân đội Syria ngừng không kích tại Aleppo . Ban đầu Nga và quân đội Syria chỉ định ngừng việc không kích trong vòng 7 ngày.

Tuy nhiên, trước đó, ngày 27/10 Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo, Nga rất kiềm chế trong vấn đề Syria nhưng có thể sẽ mất kiên nhẫn và đáp trả một số hành động nhằm vào Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (ảnh: Zuma Press).

Hãng thông tấn Interfax dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 28/10 cho biết, Bộ Tổng tham mưu của nước này đã đề nghị Tổng thống Vladimir Putin cho phép nối lại chiến dịch không kích nhằm vào các nhóm phiến quân ở thành phố Aleppo của Syria sau 10 ngày gián đoạn.

Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra đề nghị này vì cho rằng, các nhóm phiến quân ở thành phố Aleppo đã tăng cường hoạt động và tình trạng thương vong của thường dân tiếp tục gia tăng.

RT ngày 28/10 dẫn lời Người phát ngôn của Điện Kremlin - Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Putin đã bác đề nghị trên của quân đội. Người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói: “Tổng thống Putin cho rằng hiện chưa phải lúc thích hợp để nối lại chiến dịch ở Aleppo”.

Tuy nhiên, ông Peskov cũng nói thêm rằng: "Trong trường hợp thật cần thiết để ngăn chặn các hành động khiêu khích của các nhóm khủng bố, Nga có quyền sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có của mình để cung cấp sự hỗ trợ thích hợp cho các lực lượng vũ trang Syria”.

Theo ông Peskov, Tổng thống Nga tin rằng, “việc tạm ngừng không kích cần phải được duy trì để cho phép những người bị thương và phiến quân có thể rời khỏi Aleppo và cũng là để phía Mỹ tách biệt các nhóm đối lập ôn hòa với những kẻ khủng bố”.

Xem thêm:

*** Putin: Thông tin “Nga ủng hộ ông Trump” là sản phẩm của phương Tây *** Tổng thống Putin trao quốc tịch Nga cho hai người gốc Việt *** Tổng thống Nga Putin đạt mức tín nhiệm cao kỷ lục năm 2016

5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel ngày 24/10 đã tới Manila trong bối cảnh có nhiều vấn đề “khó hiểu” đang bủa vây mối quan hệ Mỹ-Philippines, nhất là sau những chỉ trích nặng nề của Tổng thống Philippines nhằm vào cá nhân Tổng thống Mỹ và quan hệ hai nước.

Ngay khi đặt chân đến Manila, ông Daniel Russel đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. Mặc dù nội dung chi tiết của cuộc gặp không được công bố, song hai bên đều nhấn mạnh đến mối quan hệ đồng minh giữa hai nước, bất chấp những sóng gió gần đây.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: AFP).

Ngày 24/10, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russel cho biết Mỹ vẫn sẽ duy trì quan hệ đồng minh “đáng tin cậy” với Philippines và ủng hộ quan hệ Manila-Bắc Kinh. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Perfecto, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russel nói rằng Tổng thống Duterte đã sẵn sàng để “quay trở lại”.

Giải thích về câu nói “Tạm biệt Mỹ” của ông Duterte, Ngoại trưởng Philippines Perfecto cho biết, Mỹ vẫn là “người bạn thân thiết nhất” của Philippines, nhưng Manila muốn phá vỡ sự “phụ thuộc” vào một quốc gia khác và tiến tới thêm mối quan hệ với các nước khác.

Tối 26/10 (theo giờ Nhật Bản) Tổng thống Philippines Duterte đang ở thăm Nhật Bản, đã cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Đây có thể coi là cuộc hội đàm mang tính lịch sử trong việc xác nhận lại quan hệ truyền thống của hai nước, cũng như quan điểm của hai bên về những vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Trong cuộc hội đàm, hai bên đã thống nhất tầm quan trọng của việc thực hiện theo pháp luật quốc tế đặc biệt là phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) hồi tháng 7 vừa qua trong đó bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

6, Ngày 26/10, Mỹ đã lần đầu tiên trong vòng 24 năm bỏ phiếu trắng tại cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đối với nghị quyết kêu gọi kết thúc cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba . Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua nghị quyết với 191 phiếu ủng hộ.

Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro. (Ảnh: BBC).

Dư luận Cuba và thế giới đã bày tỏ hoan nghênh động thái bỏ phiếu trắng của Mỹ về nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba tại phiên toàn thể Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 71 diễn ra ở New York, Mỹ ngày 26/10, qua đó giúp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có thể thông qua được nghị quyết, với tỷ lệ phiếu áp đảo 191/193 phiếu thuận. Nhiều ý kiến bày tỏ hy vọng, đây sẽ là bước đệm để nhà chức trách Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba.

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã gọi việc Mỹ bỏ phiếu trắng là một bước tích cực hướng tới tương lai cải thiện quan hệ giữa hai nước. Ông cho rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là chìa khóa tiến tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ và mang lại ý nghĩa, chiều sâu đối với những gì đã đạt được trong thời gian qua.

Ngoại trưởng Cuba bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba trong thời gian tới, xem đây là chìa khóa để hai bên tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước.

7. Tờ Philstar ngày 29/10 đưa tin, Philippines và Mỹ đang cố gắng xác minh thông tin cho rằng, các tàu của Trung Quốc đã rời khỏi khu vực bãi cạn Scarborough ở Biển Đông , cho phép ngư dân Philippines có thể trở lại khai thác quanh khu vực này.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, theo báo cáo từ lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này, ba ngày qua không còn thấy tàu Trung Quốc xuất hiện tại bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, ông này cũng nói thêm rằng, thông tin vẫn cần phải được kiểm chứng.

Ảnh chụp bãi cạn Scarborough từ vệ tinh. (Ảnh: Telegraph).

Ông Lorenzana cũng tiết lộ với hãng tin AP của Mỹ rằng, không quân Philippines có kế hoạch triển khai máy bay giám sát tới bãi cạn Scarborough từ sáng 29/10 để nắm bắt tình hình.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner ngày 28/10 cho biết, nước này đang đánh giá các thông tin nêu trên.

Phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo ở thủ đô Washington, ông Toner nói: “Chúng tôi hy vọng rằng đây không phải là biện pháp tạm thời. Chúng tôi mong muốn đó là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Philippines đang tiến tới thỏa thuận về quyền tiếp cận khu vực đánh bắt xung quanh bãi Scarborough, theo đó sẽ phù hợp với phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế hồi tháng 7”./.

Phương Chi Tổng hợp

Nguồn VOV: http://vov.vn/thegioi/the-gioi-7-ngay-ba-cliton-co-vuot-qua-duoc-vu-dieu-tra-email-lan-nay-564680.vov