Thẻ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS

Thuốc kháng virus (ARV) hiện nay được xem là cơ hội giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh.

BS Phạm Thị Đào

P.V: BS có thể cho biết, năm 2016 tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn Đà Nẵng diễn ra như thế nào?

BS Phạm Thị Đào: Cho đến ngày 31-10-2016, thành phố đã phát hiện 122 trường hợp dương tính với HIV, trong đó có 59 trường hợp ngoại tỉnh (chiếm tỷ lệ 48,4%). So với năm 2015, số phát hiện nhiễm HIV mới tăng 20 trường hợp. Tổng số nhiễm HIV được phát hiện đến nay là 2.022 trường hợp, trong đó có 850 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, 463 trường hợp tử vong do AIDS và hiện còn sống 1.559 trường hợp. Số trường hợp nhiễm mới HIV lũy tích đến 31-10-2016 có địa chỉ tại Đà Nẵng là 1.109 trường hợp, trong đó có 713 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, 436 trường hợp tử vong do AIDS và hiện còn sống là 673 trường hợp.

Nhiễm mới HIV tại Đà Nẵng năm 2016 phân bố ở 7/8 quận, huyện; trong đó Q. Hải Châu là nơi có số phát hiện nhiễm HIV mới cao nhất (23 trường hợp, tỷ lệ 36,5%), tiếp đến là Thanh Khê với 15 trường hợp (tỷ lệ 23,8%); các quận Sơn Trà, Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn mỗi quận có từ 5 - 9 trường hợp nhiễm mới.

P.V: Trước tình hình đó, công tác giám sát dịch HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm được triển khai ra sao?

BS Phạm Thị Đào: Trong 10 tháng năm 2016, Trung tâm và các đơn vị chức năng đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc HIV cho 49.233 mẫu máu, thực hiện 300 mẫu giám sát trọng điểm lồng ghép với giám sát hành vi theo quy định ở 2 nhóm phụ nữ bán dâm và nam tiêm chích ma túy. Kết quả, nhóm phụ nữ bán dâm có tỷ lệ dương tính với HIV là 0% và nam tiêm chích ma túy là 3,3%.

Về hoạt động can thiệp giảm tác hại, Chương trình tiếp cận cộng đồng (TCCĐ) đã triển khai trên 4 nhóm, bao gồm nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, nhóm sau cai nghiện, nhóm mại dâm đường phố và nhóm tiếp viên trong các dịch vụ vui chơi giải trí với 30 đồng đẳng viên. Các TCCĐ quản lý thường xuyên 613 khách hàng (KH), thực hiện tiếp cận 6.962 lượt KH (có 555 KH mới) và truyền thông cho 6.806 lượt KH; giới thiệu chuyển tiếp thành công dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho 241 KH; cấp cho đối tượng tiếp cận 43.200 bao cao su và 700 bơm kim tiêm, giới thiệu chuyển tiếp thành công dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho 631 KH.

Trung tâm cũng đã tư vấn và xét nghiệm HIV cho 2.420 KH, phát hiện 49 KH dương tính với HIV; giới thiệu chuyển tiếp cho 100 KH đến các dịch vụ dự phòng, điều trị khác như dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, dịch vụ chăm sóc, điều trị lao và dịch vụ khám, điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

Liên quan đến hoạt động chăm sóc, hỗ trợ và điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS và Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hiện số bệnh nhân đăng ký điều trị là 369 người (trong đó có 356 người lớn và 13 trẻ em); có 350 người được điều trị thuốc ARV (337 người lớn và 13 trẻ em). Trung tâm đã tư vấn xét nghiệm HIV cho 14.878 phụ nữ mang thai, phát hiện 7 trường hợp nhiễm HIV và đã điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị ARV theo quy trình cho 6 trẻ; cấp 1.530 test HIV cho bệnh viện lao và bệnh phổi để thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV cho BN mắc lao trên địa bàn thành phố.

Có thể nói, các hoạt động can thiệp giảm tác hại được triển khai đồng bộ và có sự phối hợp liên ngành. Công tác điều trị, chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS đảm bảo duy trì bằng nguồn ngân sách thành phố trong điều kiện kinh phí cho hoạt động này từ nguồn các dự án quốc tế cắt giảm.

P.V: Việc phát hiện, tư vấn, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn thành phố hiện gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa BS?

BS Phạm Thị Đào: Số phát hiện nhiễm HIV mới là người ngoại tỉnh cao (48,4%), số phát hiện mới là người Đà Nẵng có địa chỉ rõ ràng và đang có mặt tại địa phương chỉ chiếm tỷ lệ 50% gây khó khăn cho công tác quản lý người nhiễm HIV cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, mặc dù thành phố đã bố trí kinh phí để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV nhưng một số bệnh nhân nhiễm HIV không mua được thẻ BHYT vì phải mua thẻ BHYT theo hộ gia đình như quy định của cơ quan BHXH.

BHYT được xem là "cứu cánh" cho nhiều bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS (ảnh minh họa).

P.V: Để giải quyết những vướng mắc trên, Trung tâm có những kiến nghị, đề xuất gì?

BS Phạm Thị Đào: Đề nghị thành phố tiếp tục bố trí kinh phí cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 theo kế hoạch "Đảm bảo tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020" đã được phê duyệt. Đồng thời có ý kiến với cơ quan BHXH có cơ chế bán thẻ BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV không theo hộ gia đình mà theo danh sách đã được Trung tâm đăng ký để tạo điều kiện cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT.

P.V: Một vấn đề được các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS quan tâm, thậm chí lo lắng là liệu thông tin cá nhân của mình có được bảo mật khi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại các cơ sở chữa bệnh và vấn đề đồng chi trả BHYT?

BS Phạm Thị Đào: Tôi xin khẳng định, thông tin cá nhân của người nhiễm đã được Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng như các văn bản luật pháp khác quy định được giữ bí mật hoàn toàn. Với một số người nhiễm HIV khi điều trị phải đồng chi trả thì mức chi trả tối đa là 20% so với tổng chi phí. Trung tâm cũng đang đề xuất với thành phố để tìm giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ phần kinh phí đồng chi trả còn lại cho người nhiễm HIV trong thời gian tới.

Tôi cho rằng, so với các địa phương khác thì Đà Nẵng có nhiều đột phá trong phòng, chống HIV. Trước hết, dù chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố phải đảm bảo cho 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT, nhưng tại Đà Nẵng, ngay từ năm 2015-2016, thành phố đã phê duyệt kinh phí để mua thẻ BHYT cho các bệnh nhân không có khả năng mua thẻ BHYT. Vì vậy, người nhiễm HIV ở Đà Nẵng không khó khăn gì trong việc mua thẻ bảo hiểm, trong khi các tỉnh khác họ rất lo.

Vấn đề còn lại là ở người bệnh, thiết nghĩ, ngay từ bây giờ người nhiễm HIV/AIDS cần vượt qua rào cản tự ti, chủ động đăng ký tham gia BHYT (miễn phí) để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình và cộng đồng. Đó chính là giải pháp để bảo vệ sức khỏe, điều trị bằng thuốc ARV cho chính bản thân mình một cách lâu dài và bền vững nhất.

P.V: Cảm ơn BS về cuộc trao đổi này!

D.Hùng

(thực hiện)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_159066_the-ba-o-hie-m-y-te-cho-be-nh-nhan-hiv-aids.aspx