The Artist: cái gì còn lại của nghệ thuật trước sự lùi tàn kinh tế?

Một bộ phim đen trắng giành được giải thưởng lớn giữa thời đại của kỹ thuật số, hoạt họa, các màu sắc rực rỡ và TV siêu nét, siêu chân thực. Đó là The Artist (Người nghệ sĩ chân chính) (2011) của Michel Hazanavicius. Không đơn thuần chỉ là chuyện tình lãng mạn như nhãn mà được gắn. Cũng không chỉ nhớ lại sự thăng trầm của một giá trị rực rỡ thuở nào. Bộ phim rất phức tạp bên dưới câu chuyện giản đơn. Nó chỉ ra tương lai của chúng ta hôm nay dù câu chuyện được bắt đầu từ năm 1927, thời kỳ phim câm lụi tàn nhường chỗ cho phim tiếng, đồng thời bao trọn một thời kỳ khủng hoảng kinh tế của nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Từ chiếc ví rơi đến khủng hoảng kinh tế

Năm 1927 thuộc “thập niên ầm ĩ” (The Roaring Twenties) của nước Mỹ với những cú sốc lớn: thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ, bắt đầu cuộc Đại khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và lan ra thế giới, vụ tranh chấp về thuyết tiến hóa của Darwin, phong trào giải phóng phụ nữ lên cao với đỉnh điểm được quyền đi bầu cử, cấm bán rượu nhưng nảy ra nhiều phòng rượu lậu, hạn chế người nhập cư (phần nào làm chúng ta nhớ đến chính sách của chính quyền Trump sắp lên), nhưng văn hóa Jazz (vốn có gốc từ châu Phi) lại rực rỡ.

Khi Peppy Miller (Berenice Bejo) đánh rơi ví trong lúc hòa vào đám đông xem George Valentin (Jean Dujardin) chụp hình khoe cơ bắp, báo hiệu cho khán giả những ảo tường về sức mạnh nền kinh tế của nước Mỹ khi ấy. Cái thời ấy, những diễn viên cơ bắp kiểu Arnold Schwarzenegger còn chưa thịnh hành, nên mớ cơ bắp của George cũng chỉ là thứ ảo ảnh được cất giấu dưới bộ cánh ngôi sao của ông ta. Cùng với đó, là hàng triệu người chuẩn bị mất đi hàng triệu USD theo cùng chiếc ví rơi của Peppy.

Khi Peppy cố gắng cúi nhặt chiếc ví, cô bị đám đông xô đẩy qua vòng tròn và “xâm phạm” vào không gian của George, báo hiệu Peppy và thế hệ ngôi sao trẻ tuổi chuẩn bị lấy đi ánh hào quang của lớp diễn viên cũ. Đằng sau đó là một thông điệp rõ ràng về thị trường tự do năng động cùng với chương trình cải cách của Tổng thống Roosevelt để lèo lái nước Mỹ vượt qua cơn Đại khủng hoảng.

Quy luật vận động cơ bản nhất của nền kinh tế phản ánh chính xác kết quả: “sản phẩm cũ” không thể cạnh tranh với phim có tiếng động với dàn sao trẻ trung xinh đẹp công chiếu cùng ngày, “Beauty Spot”, với sự tham gia của Peppy.

Từ kinh tế mà trăn trở ngược lại về chuyện đời, chuyện nghệ thuật

The Artist đã làm được điều mà Margin Call In Time chưa xử lý xong, hoặc xử lý chưa đủ tốt: một giải pháp có khoa học, thay vì học đòi Robin Hood đi cướp ngân hàng và tưởng thế là giải quyết được mọi vấn đề.

Đồng thời, theo dòng kinh tế, “nghệ thuật mới” cũng được thúc đẩy ở Hollywood. Các tay sản xuất, những nhà kinh doanh đại tài trong thế giới nghệ thuật thứ bảy, “đánh hơi” rất nhanh nơi sinh lời nhiều hơn và cắt đứt dứt khoát với thứ sản phẩm không còn phù hợp với thời đại. Trong khi đó, George, như một ông doanh nghiệp nhà nước, vẫn cố níu kéo và vật lộn, tin rằng khán giả vẫn yêu thích mà không cần nghe ông nói.

The Artist cũng góp phần minh chứng cho lý luận xưa cũ của nhiều nhà làm phim lỗi thời: không hề phải hy sinh tính giải trí khi nói về một vấn đề thời sự, không nhất thiết phải quá nghiêm túc khi nói về một vấn đề nghiêm trọng. The Big Short hoàn toàn đủ cuốn hút theo phong cách phim giải trí mà vẫn vén được một phần hậu trường của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.

Bên cạnh đó, bộ phim như dự báo phần nào “tương lai hôm nay”: một nước Mỹ sau theo điệu diễn thuyết của trước một Donald Trump mới mẻ chẳng giống bất kỳ tổng thống nào trước đó. Nhìn lại, chính trường cũng không khác gì một thị trường mà trong đó, sản phẩm là các chính trị gia cùng chính sách của họ, và quyết định “mua hàng” thể hiện thông qua những lá phiếu.

Sau khi bị sa thải vì khán giả muốn “thịt tươi”, George quyết định bỏ tiền túi làm “Tears of Love” (Giọt lệ tình yêu). Tai nạn chứng khoán xuất hiện sau khi George làm bộ phim bỏ túi đầu tiên, và ngay trước khi công chiếu. Nhân vật của George chết chìm trong cát lún - ẩn dụ khéo léo về sự tuyệt vọng giữa thời khủng hoảng.

Cuộc Đại suy thoái những năm 1930, tương tự khủng hoảng tài chính 2007-2008, không chỉ gây ra biến cố kinh tế toàn cầu, mà còn cả khủng hoảng chính trị, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt chính trường những năm sau đó - những bộ mặt lãnh đạo mà công chúng muốn được thấy. Tất cả đều là nguyên liệu quý giá cho Hollywood.

George xem lại các tác phẩm hit của mình. Cũng giống Hollywood hôm nay thường xem lại cái cũ, quyết định nơi đến tiếp theo. Cũng giống như điều chúng ta làm vào trước thềm năm mới, trong đêm giao thừa, nhìn lại một năm đã qua, rút kinh nghiệm, đặt kế hoạch và hy vọng về một năm mới tốt đẹp. Nhưng cũng tương tự các bộ phim “bình mới rượu cũ” của Hollywood, đôi khi kế hoạch viết thì mới đấy, soi lại thì hóa ra vẫn vậy thôi.

The Artist cũng không mải mê với chuyện chính trị, mà còn lồng ghép cả các yếu tố xã hội nhức nhối của hôm nay. Thế giới hôm nay của chúng ta, nhiều tiếng ồn đấy, hóa ra cũng “câm” chẳng khác gì mấy bộ phim đen trắng khi ấy. Chúng ta giao tiếp với nhau bằng dòng chữ, và ít nói chuyện bằng “tiếng động” hơn. Những buổi gặp gỡ, các bữa cơm thân mật, không thể thiếu bóng dáng smartphone. Chúng ta… cách nhau đến một vòng Trái đất. Điều đó được thể hiện thông qua các chi tiết tưởng như nhỏ nhặt: người cứu George không phải vợ ông ta mà là chú chó chỉ biết sủa “gâu gâu”, Peppy viết lời cảm ơn trong phòng thay đồ của George thay vì trực tiếp nói, hay dòng chữ “XIN HÃY GIỮ YÊN LẶNG TRONG HẬU TRƯỜNG”… Tất cả đều nói lên: hóa ra chúng ta vẫn thường đang nói mà thực chất là đang lặng im.

Im lặng thường gắn với tiêu cực, sự trống rỗng, xa vắng, cô đơn. Chẳng hạn, cảnh rạp chiếu gần như trống rỗng đã nói lên tất cả: cái cũ không còn được chào đón nữa, người ta đang nói về cái mới. Nhưng đôi khi, im lặng cũng tựa ngàn vàng. Như khi Peppy xúc động ngồi xem phim George bỏ tiền tự làm, “giọt lệ tình yêu” lăn dài trên má.

Tại sao lại là im lặng/câm mà không phải dùng tiếng kêu xé lòng như nhiều bộ phim khác thường làm? Bởi vì, trong The Artist, im lặng được lồng trong im lặng. Khoảng khắc im lặng được đặt trong phim câm buộc khán giả phải bỏ qua mọi thứ bề nổi - sự chói lòa của kỹ xảo, sự trang điểm kỹ càng của màu sắc, hay trôi tuột theo chiều gió của lời nói - để tập trung vào tương tác với phim, với diễn viên, đạo diễn, nhà biên kịch… Hay nói cách khác, tư duy cùng nghệ thuật nhiều hơn, mà vẫn không đánh mất cảm giác giải trí đặc trưng bền bỉ của nghệ thuật.

George gặp ác mộng vì “âm thanh” tấn công cuộc sống và đảo lộn mọi giá trị của ông ta. Đây là một trong những đoạn hiếm hoi trong phim mà có tiếng động không phải từ nhạc nền. Những tiếng động rất giản dị, quen thuộc, đáy cốc chạm mặt bàn, tiếng còi xe, tiếng cười từ bên ngoài vọng vào, tiếng bước chân, tiếng ghế đổ, tiếng chó sủa… Những tiếng động tưởng như nhỏ nhặt ấy hóa ra lại rất quan trọng. Ngay cả một chiếc lông chim rơi, nhẹ nhàng mà nặng tựa ngàn cân. Chúng cảnh báo một thời đại mới đang đến, hãy sẵn sàng hoặc thích ứng hoặc bị đào thải.

Vậy phải có cách gì không nói mà vẫn có thể trung thực. Với các nhà làm phim, đó là dùng nghệ thuật để bày tỏ, mà cụ thể trong phim là những bước nhảy đồng điệu giữa hai tâm hồn, nhưng đồng thời gợi lên cách vận hành của mối quan hệ giữa tiền và nghệ thuật, về cách làm việc nhóm, về cách một hệ thống vận hành ăn nhịp cho lợi ích chung để đạt lợi nhuận cho hết thảy. Trong phim, khi nhảy, hai con người ở hai thế giới khác nhau, đại diện cho hai xu hướng khác nhau - lão thành/sức trẻ, kinh nghiệm/sáng tạo - tìm được tiếng nói chung, dung hòa các lợi ích và mang lại win-win cho cả đôi bên.

Cũng tương tự The Iron Lady Margin Call, âm nhạc được sử dụng để nói chuyện về nền kinh tế. Đầu tiên là những điệu ướm thử trong lần “tranh tài” đầu tiên giữa hai nhân vật chính cũng là các dòng kinh tế, tư tưởng, quan điểm cạnh tranh. Dù có thể trái ngược, nhưng cuộc đấu tranh đó không phải để phủ định hoàn toàn giá trị của nhau, mà là tìm điểm nối để tôi được lợi, anh cũng không quá thiệt. Nhưng quá trình đó luôn không hề dễ dàng. Như lần nhảy sau giữa George và Peppy, thường xuyên bị “khớp” và phải quay lại - khủng hoảng xuất hiện. Để rồi, kết phim khép lại với điệu nhảy nhanh nhịp nhàng ăn khớp giữa hai con người tưởng như trái ngược như dụ ngôn của Đại suy thoái đã kết thúc, kinh tế đang phục hồi và tăng tốc mạnh mẽ. Cái nắm tay đầy dứt khoát của vị đạo diễn đã nói lên tất cả.

Trong một bộ phim George đóng, nhân vật của George bị tra tấn để buộc nói ra bí mật. Hình ảnh này có thể dịch ra là đặt áp lực lên các nhà sản xuất đừng đổ tiền cho những câu chuyện phù phiếm mà tôn vinh các bộ phim nghiêm túc (phim nghiêm túc vẫn có thể hài hước và nhẹ nhàng, như “The Artist”). Nhưng sau đó, nhân vật của George lại chạy thoát và đeo mặt nạ như theo đúng sở thích của khán giả “đương đại” đang bị thu hút bởi một loạt các vị anh hùng “ẩn danh”.

Cửa sổ, tượng trưng cho sự phản ánh, và bộ áo vest cũng là một dạng mặt nạ của thế giới đô thị. Bản thân George cũng đeo vô số mặt nạ. Vợ George thích vẽ lên khuôn mặt của ông: răng đen, có ria mép và tóc “đảo điên”, đó là hình dung của bà về chồng mình, cho thấy một George đời thực khác với một tài tử dòng phim câm. Khi lâm vào cảnh túng quẫn, George buộc phải bán tài sản, bao gồm cả bộ vest, ngụ ý ông đang lột dần mặt nạ để sống thực hơn. Nhưng không dễ để cưỡng lại cám dỗ. Cảnh George mê mẩn nhìn lại bộ vest một thuở thì có ngay cảnh sát/bảo vệ ra quát tháo. Có thể ông ta khinh bỉ kẻ nghèo hèn như George, nhưng đồng thời cũng cảnh tỉnh ông ta không thể sa vào cám dỗ cũ và nhìn lại cuộc đời mình một cách thẳng thắn, trung thực.

Có một hình ảnh xuất hiện nhiều lần trong phim và có cả vị trí trong trailer ngắn ngủi là bức tượng ba con khỉ khôn ngoan “che mắt, che tai, che miệng”, tức “không nhìn, không nghe, không nói”. Trong cuộc sống của mỗi người sẽ có những lần chứng kiến những điều thị phi, sai trái, nếu ai cũng chỉ an phận “không nhìn, không nghe, không nói”, thì xã hội này sẽ đi về đâu, cuộc đời còn ý nghĩa gì? Đó là lời gửi gắm mà The Artist gửi đến các nhà làm phim nói riêng cũng như xã hội nói chung.

Xem thêm:

Dead Poets Society: đi tìm “Tồn tại hay không tồn tại”

Du Du

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/the-artist-cai-gi-con-lai-cua-nghe-thuat-truoc-su-lui-tan-kinh-te