Thay vì nữ quyền, hãy nói về quyền con người

Với những biến động trên chính trường thế giới và tại các quốc gia trong những tháng vừa qua, phong trào nữ quyền lại tiếp tục lên ngôi với những chiến dịch đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Nhưng có lẽ, “quyền bình đẳng” này, đừng chỉ nhắm vào phụ nữ, mà quên mất đi - tất cả con người trên thế giới đều cần được đấu tranh và bảo vệ bình đẳng.

Tại sao chúng ta lại có Ngày phụ nữ mà không có Ngày đàn ông? Phụ nữ tranh luận rằng bởi họ là phái yếu, là những người phải chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh hơn trong cuộc sống gia đình. Nên họ cần một ngày để tôn vinh bản thân mình. Nhưng nếu như, phụ nữ ngày càng đấu tranh nhiều hơn để đòi quyền bình đẳng cho mình, thì một ngày nào đó, khi họ được ngang hàng với nam giới trong công việc, gia đình và xã hội, chúng ta có nên xóa bỏ luôn Ngày phụ nữ hay không?

Trên thực tế, nam giới đôi khi cũng phải chịu những định kiến từ xã hội nhiều không thua kém gì phụ nữ. Một phụ nữ làm việc trong quân đội thì được tôn vinh là một người mạnh mẽ, nhưng nam giới làm y tá thì lại bị nhận xét là thiếu nam tính. Trong một cuộc tranh cãi, nam giới không được phép nặng lời, không được động tay động chân bởi như vậy là vũ phu, bạo lực. Phụ nữ có thể mặc các trang phục với số màu vô hạn, còn nam giới nếu “chẳng may” mặc màu hồng thì sẽ ngay lập tức bị xì xào sau lưng.

Một trong số các poster của phong trào Bình đẳng giới, trong đó nam giới cũng cần được bình đẳng - Tại sao nam giới luôn phải là người giữ cửa, xách đồ nặng và kéo ghế cho phụ nữ như thể một quy định bắt buộc

Thực tế, nữ giới không phải là những đối tượng duy nhất phải chịu thiệt thòi. Các bé gái không còn là đối tượng duy nhất của các vụ lạm dụng, ngay cả các bé trai cũng phải đối mặt với hiểm họa tương tự. Trong công việc, dù bạn là nam hay nữ, bạn cũng cùng phải xử lý một khối lượng công việc như nhau, cùng một deadline như nhau và nam giới sẽ dễ bị coi là “bất tài” nếu họ không đủ khả năng gánh vác cho cả gia đình. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên có cái nhìn rộng hơn là chỉ hô to khẩu hiệu “nữ quyền”.

Trong bất kỳ một bản tuyên ngôn của quốc gia nào, có một điều luôn được nhấn mạnh “mọi người đều sinh ra bình đẳng”. Hãy thôi chỉ bênh vực phụ nữ trong các cuộc tranh luận mà thay vào đó chúng ta nên nhìn vào bản chất, ai đúng và ai sai. Đừng nói rằng “Bạn là con gái nên như vậy là tốt rồi”, thay vào đó, hãy động viên tất cả mọi người, dù họ là nam hay nữ, để họ vượt lên được giới hạn bản thân. Bởi cuối cùng, tất cả mọi người đều xứng đáng được đối xử một cách bình đẳng. Hillary Clinton, Theresa May hay Angela Merkel không trở thành nhà lãnh đạo bởi họ hô hào “hãy bầu cho chúng tôi vì nữ quyền”, mà họ đứng ngang hàng với những chính trị gia nam khác bởi khả năng của chính bản thân mình.

Cách đây không lâu, tại Việt Nam, trong khi người người nhà nhà tổ chức ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, thì một bài báo với tựa đề khá “giật tít” về việc Nam giới phương Tây không tặng hoa cho phụ nữ vào ngày 8/3. Lý do được đưa ra đơn giản không ngờ: vì họ cần được tôn vinh tất cả các ngày trong năm chứ không phải chỉ một ngày. Và không chỉ riêng phụ nữ, ngay cả nam giới cũng xứng đáng được ghi nhận với mọi đóng góp của họ trong cuộc sống. Thông điệp này nhận được khá nhiều sự đồng tình của các bạn trẻ hiện nay.

Facebooker N.T chia sẻ: “Mình may mắn được gia đình dạy từ nhỏ rằng: Việc gì người khác làm được thì con cũng làm được, dù con là con gái hay con trai. Vì thế mình cũng chưa bao giờ tự coi mình là phái yếu cần được quan tâm đặc biệt cả. Mình cho rằng mọi người dù nam hay nữ cũng đều xứng đáng nhận được sự công nhận như nhau”.

Không thể phủ nhận rằng, trong quá trình phát triển hàng trăm năm của xã hội, đã có những bất công xảy ra với phụ nữ, dẫn tới nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới. Song với sự phát triển ngày càng cao của nhận thức xã hội, chúng ta nên hướng tới một cái nhìn rộng lớn, là đấu tranh cho sự bình đẳng của tất cả mọi người, chứ không chỉ gói gọn trong hai chữ “nữ quyền”.

Anh Nguyễn

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-gia-dinh/thay-vi-nu-quyen-hay-noi-ve-quyen-con-nguoi