Thay vì 'chạy trái tuyến', hãy cho con học trường gần nhà

Chọn trường nào cho con học, học đúng tuyến hay trái tuyến, học công lập (CL) hay ngoài công lập (NCL) vẫn là câu hỏi khiến mỗi bậc cha mẹ đều phải cân nhắc thiệt- hơn khi mùa tuyển sinh đang diễn ra nóng bỏng khắp cả nước.

Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với thầy Nguyễn Xuân Khang -Hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Marie Curie Hà Nội- người gắn bó lâu năm với ngành GD và nhất là GD NCL, để giúp phụ huynh có thêm một góc nhìn đáng suy ngẫm.

Nhiều phụ huynh cho rằng phương pháp giáo dục và cách thức giáo dục phổ thông ở trường NCL rất khác so với trường CL. Chẳng hạn, có sự khác biệt thấy rõ là nhiều trường CL bậc THCS, THPT chỉ dạy 1 buổi/ngày (nửa buổi còn lại gia đình tự quản lý, trông coi, dạy dỗ con em); trong khi đó, hầu hết trường NCL từ tiểu học đến hết THPT đều dạy và học 2 buổi/ngày... HS ở trường NCL đóng tiền học phí khá cao, song HS được học ngoại khóa rất nhiều, kỹ năng sống và cả môn ngoại ngữ được đặc biệt chú trọng. Có nhiều kinh nghiệm của một chuyên gia về giáo dục NCL, thầy nghĩ sao về quan niệm trên?

- Có thể thấy, cuối giờ học ở trường NCL có cơ sở vật chất tốt, đầu tư bài bản, nhiều HS ở lại trường chơi các môn thể thao yêu thích. Không chỉ học trong các tiết học ngoại khóa, các tiết thể dục, mà HS còn được chơi thể thao thật sự theo khả năng của các em. Đó là điều mà trường CL khó làm được, do không có kinh phí.

Người ta bây giờ vẫn nói đến hội nhập quốc tế trong GD, mà ở bậc phổ thông thì chìa khóa hội nhập quốc tế chính là ngoại ngữ. Khi vẫn là HS phổ thông, nếu nghe - nói - đọc - viết tiếng Anh tốt, HS có thể vào mạng Internet để tìm kiếm các kiến thức mở rộng dễ dàng. Giải quyết tốt ngoại ngữ cho HS từ bậc phổ thông phải nói là các trường NCL có ưu thế hơn trường CL, nhờ có nguồn kinh phí đóng góp từ chính cha mẹ HS.

Đó là phần ngoại khóa, đó cũng là điểm mạnh mà trường NCL có điều kiện để thực hiện. Nếu đã đóng học phí đắt thì phải “xắt ra miếng”, chứ phụ huynh không cho con học CL để vào trường NCL học, phải đóng tiền cao, đương nhiên họ phải đòi hỏi con họ được cái gì hơn theo học trường CL, nhà trường NCL phải làm được điều mà phụ huynh mong muốn thì mới tồn tại và phát triển bền vững được.

Vậy tại sao nhiều trường CL có bề dày cũng không thực hiện được những nội dung tăng cường ngoại khóa, hay tăng cường về môn ngoại ngữ, điều mà nhiều phụ huynh cho rằng rất cần với HS hiện nay?

- Phải nói rằng có những hoạt động của HS ở trường NCL trường CL không thể thực hiện được, vì không có kinh phí, thêm nữa ở trường CL đại đa số cha mẹ HS không có tiền nhiều để đóng góp cho những hoạt động ngoài học chính. Nếu huy động đóng góp, người này có tiền đóng, người kia không có khả năng đóng, người này đồng tình với nhà trường, người kia không đồng tình thì làm sao triển khai được. Học phí trường CL ở tiểu học thì không thu, có đóng học phí ở những bậc học như THPT chẳng hạn thì cũng rất thấp, kêu gọi phụ huynh đóng thêm khoản tiền nào ngoài những khoản quy định chung rất khó.

Tôi thấy ở TP Hồ Chí Minh một số trường CL cũng kêu gọi phụ huynh đóng góp để phát triển hoạt động ngoại khóa cho HS, nhưng chỉ là một bộ phận trường CL thôi. Còn ở phía Bắc, như Hà Nội chẳng hạn, trường CL mà muốn thu thêm các khoản ngoài quy định rất khó. Vậy các trường CL lấy kinh phí ở đâu ra mà dạy tăng cường kỹ năng sống, dạy tăng cường ngoại ngữ cho HS?

Tôi thử hỏi, 50 HS trong lớp mà 40 phụ huynh đồng thuận đóng thêm chi phí cho con, nhưng 10 phụ huynh không đồng ý đóng thì trường CL làm sao thực hiện được những hoạt động ngoại khóa ngoài quy định. Trong khi đó ở trường NCL tôi chỉ cần thông báo lúc tuyển sinh, phụ huynh đồng thuận các khoản đóng góp, có đủ điều kiện tài chính thì theo học, không có đủ điều kiện thì không vào. Giữa trường NCL và phụ huynh các khoản đóng góp là thỏa thuận từ đầu khi vào trường, thỏa thuận từ đầu năm học.

Vậy các bậc cha mẹ đóng góp tài chính nhiều hơn sẽ tạo ra cái gì cho HS? Đó là “sản phẩm” HS thành thạo nghe- nói- đọc- viết tiếng Anh khi học hết lớp 9; đó là những giờ thể dục không phải học đối phó để đạt yêu cầu, mà HS còn được chọn học những môn thể thao yêu thích như bóng rổ, bóng đá, bơi lội… học thật sự, tập luyện để thư giãn với những huấn luyện viên có chuyên môn, chứ không phải chỉ học kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.

Đang trong giai đoạn “nóng” tuyển sinh đầu các cấp học. Thầy khuyên gì với phụ huynh có con chuẩn bị bước vào học lớp đầu cấp?

-Có rất nhiều lời khuyên mà tôi hay GV và cả những phụ huynh đã trải qua chuyện chọn trường, chọn lớp cho con có thể đưa ra cho các phụ huynh có con đang đứng trước ngưỡng cửa lớp đầu cấp. Tuy nhiên, lời khuyên tôi muốn nói với số đông phụ huynh: Hãy chọn trường gần nhà cho con học. Nhất là với HS nhỏ tuổi, tôi nói rất chân thành như vậy.

Tại sao khuyên các phụ huynh nên cho con học trường gần nhà? Thứ nhất, phần lớn phụ huynh không có khả năng kinh tế để cho con theo học trường NCL có học phí và các khoản tiền đóng góp tới 7-8-10 triệu đồng/ tháng (chưa kể đến các trường bán quốc tế và quốc tế có học phí mười mấy triệu tới vài chục triệu đồng mỗi tháng). Còn làm sao phụ huynh cứ phải cố gắng chạy chọt mất tiền để vào một trường CL xa nhà, cố chen chân vào học trái tuyến tại trường có “tên tuổi” nổi? Để con các vị phải vào học một lớp có sĩ số tới 60- 70 HS, trong khi trường CL không nổi tiếng ngay gần nhà sĩ số chỉ chưa tới 40 hơn 40 HS thì không học.

Thực tế thì GV ở trường này cũng vẫn thế, GV ở trường kia cũng thế, chương trình học vẫn thế, sao cứ phải bon chen bằng được vào học trái tuyến ở những trường “bị cái tiếng” (tôi nói “bị cái tiếng” chứ không phải là “được cái tiếng”) là trường “điểm” này nọ.

Hãy chọn cho con trường CL gần nhà để học, không nhất thiết phải chạy trái tuyến vào trường CL xa nhà chỉ với những suy nghĩ không thấu đáo của cha mẹ, đặc biệt là ở bậc tiểu học. Còn nếu phụ huynh có điều kiện kinh tế, muốn con mình được học trong môi trường GD có những đầu tư mà ở trường CL dù nhà trường muốn cũng không thể được thì có thể học trường NCL, có xe bus của trường đưa đón. Chứ các con còn nhỏ tuổi mà ngày nắng cũng như ngày mưa, bố mẹ phải tha lôi bằng xe máy đi một quãng đường dài, thậm chí trên dưới 10 km để tới trường, các con cũng mệt mỏi mà bố mẹ cũng vất vả.

Dựa vào những yếu tố nào để phụ huynh có thể nhận biết một môi trường giáo dục phù hợp với con em của mình, thưa thầy?

- Nhiều phụ huynh cứ tưởng tưởng ra đủ chuyện này chuyện kia thôi, chứ thực tế GV ở trường tôi cũng như GV ở các trường khác về mặt năng lực (năng lực GV dạy môn Toán, Tiếng Việt, năng lực GV môn Ngữ Văn, năng lực GV môn Lý, môn Hóa, môn Tiếng Anh…) cũng không hơn kém nhiều đâu, kể cả ở trường CL hay NCL. Bởi vì chương trình GD phổ thông tầm tầm như thế, GV dạy HS đại trà (không phải HS chuyên, hay bồi dưỡng HS giỏi) thì đòi hỏi của chương trình với GV cũng ở tầm tầm như thế.

Chỉ khác là phong cách làm việc của GV ở trường này hơn GV ở trường kia. Sau khi xét năng lực của con mình, phụ huynh có thể chọn trường theo khả năng tài chính của gia đình, cũng như mong muốn định hướng tương lai (học lên các cấp học trên như thế nào, định hướng nghề nghiệp cho con ra sao…)

Còn trong hệ thống các trường phổ thông đại trà làm gì có trường “điểm” này nọ, nếu phụ huynh không tự thổi phồng, tự huyễn hoặc, vô tình hay hữu ý tâng trường này trường kia lên, để dẫn đến tình trạng trường thì quá tải, đông HS trái tuyến, trường thì không tuyển được đủ số HS đúng tuyến trong địa bàn. Nếu các phụ huynh chỉ cần nghĩ sâu một chút thôi thì tự có thể hiểu rằng với độ tuổi học lớp 1 chẳng hạn, với một lớp có sĩ số tới 60- 70 HS thì GV có là thánh cũng không làm ra chất lượng GD tốt được, không thể quan tâm tới từng HS được. Còn vào học trường NCL để con được học nhiều hơn các môn ngoại khóa, được rèn kỹ năng sống sâu hơn, được học ngoại ngữ nhiều hơn, sĩ số trung bình 24- 30 HS/ lớp thì lại phải đóng nhiều tiền.

Ở trường tôi mỗi lớp 1, 2, 3 bình thường có 30 HS mà xếp tới 2 GV (một cô giáo chủ nhiệm và một cô giáo phó chủ nhiệm có năng lực), 2 GV cùng dạy và chăm sóc 30 HS mà tôi còn mong mỏi tiến tới phải làm sao giảm sĩ số xuống được khoảng 24 HS mỗi lớp thì chất lượng chăm sóc, dạy dỗ HS còn được sâu sát hơn. Chứ lớp quá đông HS mà 1 GV cáng đáng hết thì dù GV có tâm huyết đến đâu, giỏi đến đâu cũng bị quá tải.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của thầy với các phụ huynh!

Phụ huynh đưa con đến trường làm quen trước khi nhập học.

Học sinh dùng bữa trưa tại một trường tư thục ở Hà Nội.

Thầy Nguyễn Xuân Khang tham gia 1 ngày trải nghiệm của trẻ sắp bước vào lớp 1.

Phụ huynh đóng học phí cao- học sinh trường tư thục được trải nghiệm nhiều kỹ năng sống.

Học sinh một trường tư thục ở Hà Nội diễn tập phòng cháy chữa cháy.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thay-vi-chay-trai-tuyen-hay-cho-con-hoc-truong-gan-nha-3315608-c.html