Thấy trẻ đi vệ sinh dấu hiệu khác thường, cha mẹ phải biết có nguy hiểm

Màu sắc phân của bé thể hiện những dấu hiệu cảnh báo sức khỏe có thể bé đang bị bệnh nguy hiểm nào đó.

Bs Trần Thu Thủy (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, phần lớn các biến đổi của phân ở trẻ em đều bắt nguồn theo độ tuổi và chế độ ăn của trẻ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý về màu sắc phân của bé vì đó chính là dấu hiệu cảnh báo có thể bé đang bị bệnh nguy hiểm nào đó.

 Mẹ cần phải biết các dấu hiệu cảnh báo sức khỏe ở trẻ để kịp thời điều trị. Ảnh Daily Mail

Mẹ cần phải biết các dấu hiệu cảnh báo sức khỏe ở trẻ để kịp thời điều trị. Ảnh Daily Mail

Dưới đây là các lưu ý của bác sĩ để cha mẹ có thể nhìn phân đoán bệnh cho trẻ.

Phân trẻ có màu đỏ hoặc có máu

Khi đã loại trừ khả năng bạn cho con ăn các loại thực phẩm có màu đỏ như canh rau dền, củ cải đỏ hay dưa hấu, cà chua.. mà phân của trẻ vẫn có màu đỏ thì đó có thể là dấu hiệu của máu. Trẻ có thể bị chảy máu do nhiều nguyên nhân như: rách hậu môn khi trẻ cố rặn đi ngoài, pô líp trực tràng, lồng ruột, hoặc trẻ bị chảy máu ở một chỗ nào đó trong đường tiêu hóa.

Màu đen thẫm

Nếu máu có màu hơi đen, trẻ có thể bị chảy máu từ trước. Có thể trẻ đã nuốt phải máu của mẹ khi mẹ đang bị nứt hay chảy máu đầu ti. Màu đen trong phân có thể là biểu hiện của máu đã khô lại vì máu để lâu sẽ chuyển từ màu đỏ thành màu đen. Tuy nhiên, nếu đây là phân trong lần đại tiện đầu tiên của bé (hay còn gọi là phân su) thì việc phân có màu đen và dính là chuyện hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, khi bạn thấy phân của trẻ có màu hơi đen, bạn cũng nên đặt câu hỏi xem liệu trẻ có ăn thức ăn hoặc uống thuốc gì để phân có màu tương tự hay không? Nếu cảm thấy băn khoăn, bạn có thể đưa bé tới gặp bác sĩ để làm xét nghiệm phân. Một khả năng nữa cũng có thể xảy ra là do trẻ bị lồng ruột.

Phân nhạt màu, hơi trắng

Hiện tượng phân trắng khá hiếm. Kháng sinh là một trong những nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài phân trắng và táo bón.

Ngoài ra, nếu trẻ không uống kháng sinh mà đi phân trắng và táo bón thì trẻ có thể đã bị bệnh về đường tiêu hóa như bệnh gan, ruột non hay túi mật: viêm gan, các ống dẫn mật bị dị tật bẩm sinh, viêm ruột, viêm đường mật, hẹp đường mật và các lỗi trao đổi chất bẩm sinh. Mẹ nên nhanh chóng đưa con đến bệnh viện.

Phân trắng là hiện tượng hiếm, mẹ cần lập tức đưa con đi khám nếu gặp trường hợp này. Ảnh: Health

Phân màu xanh cỏ úa hoặc màu vàng nhạt, hơi lỏng và lợn cợn thức ăn, có mùi thối

Nếu trẻ đi tiêu gặp tình trạng phân này, nó có thể là do trẻ ăn quá nhiều.

Trẻ có phân màu xanh

Là cha mẹ, ít nhất một lần bạn sẽ nhìn thấy trẻ đi ngoài phân xanh. Khi được một vài ngày tuổi, trẻ sẽ chuyển từ giai đoạn đi ngoài phân su (phân có màu xanh đen) sang giai đoạn đi ngoài ra phân trông giống như mù tạt và có màu hơi xanh.

Khi lớn hơn một chút, thì chế độ dinh dưỡng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp lên màu sắc và cấu trúc phân của trẻ. Những trẻ được cho ăn chế độ ăn giàu chất sắt hoặc ăn những thực phẩm bổ sung sắt sẽ đi ngoài ra phân có màu xanh, tối. Nếu bạn ăn nhiều rau hoặc ăn những thực phẩm có màu xanh, ví dụ như soda và nước uống thể thao, thì màu sắc sữa mẹ và cả màu sắc phân của trẻ cũng sẽ thay đổi theo màu sắc đồ ăn của bạn.

Khi trẻ bị đau bụng và bị nhiễm virus đường tiêu hóa, tình trạng này có thể sẽ ảnh hưởng đến màu sắc và tính chất phân của bé, đặc biệt là nếu bé cũng bị tiêu chảy. Bên cạnh đó, phân của em bé có thể sẽ có màu xanh hoặc có một lớp nhầy nếu bé nhạy cảm với một thành phần nào đó trong chế độ ăn của bạn, mặc dù đây là nguyên nhân ít gặp. Một nguyên nhân khác, Bé cũng có thể sẽ dị ứng với một loại thuốc mà bạn đang uống. Trong những trường hợp này, phân xanh và nhầy thường đi kèm với các triệu chứng khác về đường tiêu hóa, về da hoặc các vấn đề về hô hấp.

Đôi khi, tình trạng bé đi ngoài ra phân xanh sẽ đi kèm với chất nhầy. Việc này sẽ thường xảy ra trong khi bé đang mọc răng và chảy nước dãi quá mức. Đôi khi, đây cũng là một dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng. Hãy trao đổi với bác sỹ nhi khoa nếu tình trạng này không biến mất và đi kèm với các triệu chứng bệnh khác.

Phân da cam

Xuất hiện khi thức ăn không tiêu hóa được pha trộn với nhau.

Cần đưa bé đi khám khi:

– Bé có vẻ mệt mỏi, màu sắc phân không trở lại bình thường sau vài ngày.

– Đi ngoài ra máu mà không hề táo bón.

– Phân nhợt màu kéo dài.

– Đi ngoài phân xanh và lỏng, thể trạng mệt mỏi, kèm theo các biểu hiện bệnh lý khác.

– Đi ngoài phân xanh và lỏng trong khi đang bú bình hoàn toàn, không bú mẹ.

Cần đưa bé đi cấp cứu khi:

– Đi ngoài phân màu đỏ, sền sệt như thạch. Chú ý không cho trẻ ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì trong khi đợi cấp cứu.

– Da hay lòng trắng mắt bị vàng.

– Nước tiểu sẫm màu (vàng nâu hoặc đen).

– Phân có màu bất thường sau khi dùng thuốc.

Dũng Linh (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/dau-hieu-canh-bao-van-de-ve-suc-khoe-trong-phan-tre-me-can-phai-biet-d127168.html