Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Ngô Đức Đễ: 'Sống là cho…'

Tận tụy trong công việc, yêu thương bệnh nhân như chính mình, thân thiện với đồng nghiệp và đôn hậu trong cuộc sống… BS. Ngô Đức Đễ - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai)...

Tận tụy trong công việc, yêu thương bệnh nhân như chính mình, thân thiện với đồng nghiệp và đôn hậu trong cuộc sống… BS. Ngô Đức Đễ - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) là một thầy thuốc đáng kính cả trong chuyên môn lẫn nhân cách. Một đời, ông sống và cống hiến chỉ gói gọn trong ba từ giản đơn “sống là cho…”.

Một “cuộc chiến” sinh tử

Cả cuộc đời BS. Ngô Đức Đễ gần như chỉ lặng lẽ trong phòng phẫu thuật. Bởi ngay cả những người được ông cứu sống ở tình trạng “thập tử nhất sinh” khi xuất viện xin gặp để hậu tạ, ông cũng ít khi ra mặt, lại càng không bao giờ nhận của ai thứ gì. Sẽ chẳng nhiều người biết đến ông cho đến khi “sự kiện” ông cứu sống thành công một cách ngoạn mục một thanh niên trẻ bị máy nghiền cà phê cuốn đứt nửa người - ca phẫu thuật có thể được đưa vào y văn thế giới - nhiều người đã biết đến ông với sự kính phục.

Nhớ lại ngày 22/8/2013, BS. Ngô Đức Đễ nói rằng, trong 37 năm làm nghề, tham gia nhiều cuộc đại phẫu, ông chưa bao giờ “sốc” như khi đứng trước ca cấp cứu bệnh nhân Trần Tất Doanh - công nhân Công ty Vina café bị máy nghiền cà phê cuốn đứt nửa người. Trước mắt ông hôm ấy, một thanh niên trẻ nằm trên cáng với vết thương vùng bụng vỡ toác, toàn bộ ruột non xổ ra ngoài; chân trái và xương chậu trái mất hoàn toàn; bộ phận sinh dục không còn; máu tuôn xối xả từ vết thương giập nát chảy xuống sàn lênh láng. Bệnh nhân trong tình trạng choáng nặng do mất máu, huyết áp không đo được, mạch không bắt được, có lúc tim ngừng đập.

Chẩn đoán xác định, BS. Đễ còn phát hiện bên cạnh những vết thương khủng khiếp, bệnh nhân này còn bị bó động mạch và tĩnh mạch; thần kinh tọa bị giật đứt; bàng quang bị bóc tách phía trước và hai bên; vỡ toác hậu môn; gãy sụp xương ngành ngồi mu và ngành chậu mu bên phải… Tiên lượng đây là một ca đa chấn thương rất nặng, hy vọng sống mong manh, nhưng BS. Đễ quyết tâm “còn nước còn tát” và ngay lập tức cùng 16 bác sĩ của 6 khoa phòng bắt tay vào ca mổ chỉ sau 30 phút chuẩn bị. Tất cả đều đau đáu hy vọng giành lại sự sống cho bệnh nhân còn rất trẻ này.

Là một phóng viên phụ trách lĩnh vực y tế, hôm ấy, tôi cũng được chứng kiến ca mổ qua phòng kính. BS. Ngô Đức Đễ, bình thường vốn rất lặng lẽ, từ tốn, nhưng hôm ấy với vai trò trưởng kíp mổ phải điều hành cả một đội ngũ hàng chục bác sĩ, kỹ thuật viên từ các khoa, ông trở nên nhanh nhẹn và năng động khác thường. Lúc này, ông là một nhạc trưởng chỉ huy “giàn giao hưởng” phối hợp một cách rất nhịp nhàng, ăn ý: người lo cầm máu, người khâu lại bàng quang, tạo hình niệu đạo lỗ tiểu mới, người rửa và đưa toàn bộ ruột vào ổ bụng, người làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn, người cắt lọc tạo hình vùng sàn chậu trái và làm mọi cách để giữ lại chân phải cho bệnh nhân…

Trong suốt gần 3 giờ đồng hồ thực hiện ca phẫu thuật, 2 lần bệnh nhân ngưng tim trên bàn mổ. Trong thời khắc ấy, tôi thấy cảnh cả kíp mổ trải qua những khoảnh khắc căng thẳng cực độ khi vừa hồi sức tích cực, vừa tiếp tục phẫu thuật. Chưa hết, máu tiếp vào bao nhiêu ra bấy nhiêu, huyết áp tụt thấp dưới ngưỡng và đồng tử giãn rộng... Với kinh nghiệm ứng phó khẩn cấp nhiều trường hợp bệnh nhân tổn thương nặng, BS. Đễ vừa trấn an đồng nghiệp vừa đưa ra những hướng xử lý hết sức hiệu quả. Phẫu thuật xong, sự căng thẳng vẫn chưa nguôi trên khuôn mặt ông vì 6 giờ sau, bệnh nhân mới ra khỏi tình trạng hôn mê.

Những ngày ấy, BS. Đễ hầu như túc trực tại bệnh viện. Ngoài việc tham gia những ca mổ khác, thời gian còn lại ông gần như ở bên bệnh nhân Trần Tất Doanh suốt giai đoạn hậu phẫu với đôi mắt lo âu, chong chong theo dõi từng chỉ số trên máy. Như đã dự đoán, bệnh nhân dù ra khỏi hôn mê nhưng nguy cơ nhiễm trùng nặng đe dọa. Với lượng máu truyền nhiều gấp 4 - 5 lần lượng máu trong cơ thể người bình thường đã gây nên tình trạng choáng kéo dài, nhiễm trùng, nhiễm độc, hoại tử gây suy gan, suy thận, rối loạn điện giải… bệnh nhân đã nhiều lần chết lâm sàng nhưng rồi lại được hồi sinh.

Đến ngày thứ 8, bệnh nhân bỗng bị sốc nặng do tràn dịch màng phổi và ngưng tim lần thứ ba. Hôm ấy là đêm đầu tiên BS. Đễ về nhà nghỉ ngơi sau 7 đêm túc trực trong bệnh viện, nhưng nửa đêm, ông lại được huy động vào để tận lực cứu bệnh nhân. Mặc dù mong manh nhưng với sự tận tụy của BS. Đễ cũng như đội ngũ bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, sức sống mãnh liệt của bệnh nhân như một hạt giống đã nảy được mầm. Ngày thứ mười, bệnh nhân đã có chuyển biến tích cực với các chỉ số sinh tồn ổn định, nhưng tình trạng hoại tử vẫn tiếp tục phải được xử lý. Hôm ấy, tôi vào thăm vì muốn đưa tin thêm về diễn biến tình trạng bệnh nhân, nhưng vừa vào đến giường bệnh, tôi vội vã quay ra. Nếu không có tình yêu thương, sẽ chẳng ai dám đứng bên bệnh nhân để tỉ mỉ nạo vét, cắt tỉa những phần thịt hoại tử hôi thối đến lợm người nhưng BS. Ngô Đức Đễ vẫn cứ lặng lẽ làm.

Có mặt ngay sau khi ca mổ thành công, BSCK2 Chu Văn Nhuận - Phó Khoa niệu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá: “Ca này có thể được đưa vào y văn thế giới. BS. Đễ cũng như kíp mổ đã làm rất tốt về chuyên môn. Nếu ở Chợ Rẫy, chúng tôi cũng chỉ làm được đến thế”.

Bác sĩ Đễ chia sẻ và động viên trước nỗi lo của người nhà bệnh nhân.

Bác sĩ mổ tim… bất đắc dĩ

Sau khi tốt nghiệp Đại học y khoa Huế năm 1979, BS. Ngô Đức Đễ vào làm việc tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và ông luôn là thầy thuốc đi đầu trong nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi cũng như tiếp nhận, làm chủ nhiều kỹ thuật mới.

Năm 1994, với sự chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), ông là bác sĩ đầu tiên của bệnh viện tiếp nhận và làm chủ kỹ thuật phẫu thuật sọ não. Đến năm 2001, ông lại cùng đồng nghiệp triển khai kỹ thuật mổ nội soi. Tài năng được khơi gợi và cũng là lúc nhiều thử thách được đặt lên vai ông. BS. Đễ nhanh chóng trở thành thầy thuốc được mệnh danh có “đôi tay vàng” trong “làng” ngoại khoa Đồng Nai.

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc tại khoa ngoại, BS. Đễ luôn day dứt và đau lòng khi chứng kiến những ca thủng tim, vỡ tim vào bệnh viện rồi phải chuyển lên tuyến trên trong tình trạng nguy cơ tử vong cao. Và thực tế, nhiều ca đã không đến được nơi cần đến. Sau nhiều đêm trăn trở, ông đề xuất với lãnh đạo bệnh viện cho mình được “khăn gói” lên Bệnh viện Chợ Rẫy 2 tháng để học chuyên khoa ngoại lồng ngực - tim mạch.

Thực tế, khoảng thời gian này, điều kiện nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai còn rất thiếu thốn và thô sơ, nhưng bằng cái tâm của một thầy thuốc, với những gì học được từ tuyến trên, BS. Đễ đã mạnh dạn tiến hành các ca phẫu thuật cấp cứu cho những bệnh nhân bị thủng tim, vỡ tim với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp. Chỉ trong 2 năm sau khi triển khai, BS. Đễ cùng đồng nghiệp phẫu thuật kịp thời cứu sống 2 bệnh nhân bị vỡ tim và 8 bệnh nhân bị thủng tim.

Để cứu sống được nhiều người hơn, ngoài cách mổ theo đường xương sườn như được đào tạo, BS. Đễ đã nghiên cứu và triển khai thành công mổ bằng phương pháp chẻ xương ức. Ông nói: “Cách này giúp bác sĩ phẫu thuật kiểm soát toàn bộ các thương tổn của bệnh nhân. Phương pháp này vốn chỉ được các bác sĩ chuyên khoa ở tuyến trên thực hiện với đầy đủ trang thiết bị cũng như đội ngũ nhân lực giỏi chuyên môn”. Thành công này đã nâng tầm uy tín của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũng như cá nhân BS. Đễ. Nhiều bệnh viện trong và ngoài tỉnh đã đến học hỏi, xin được chia sẻ kinh nghiệm. Hiện nay, mỗi năm BS. Đễ tham gia hàng trăm ca phẫu thuật các loại. Riêng các ca thủng tim, vỡ tim, có đến 96% số ca nhập viện được phẫu thuật thành công mà không phải chuyển lên tuyến trên.

Nhớ lại những tháng ngày vượt khó ấy, BS. Đễ tâm sự, trong đời ông đã phẫu thuật tim cứu sống cho nhiều người, nhưng ca đáng nhớ nhất là ca cứu sống bệnh nhân Lê Thị Thúy Liêm, 55 tuổi (ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vào năm 2007, bởi lúc ấy, những gì ông học được, làm được vẫn chưa đủ tự tin ứng phó với ca vỡ tim…“khủng”.

Bệnh nhân Thúy Liêm được đưa đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong tình trạng lơ mơ, vật vã, khó thở, sùi bọt mép, choáng nặng, mặt phù, tím tái, mạch và huyết áp khó bắt, có một vết thương ở trán... Người nhà cho biết, trong khi nằm ru cháu ngủ, bà Liêm bị bức tường nhà sập đè lên. Tiếp nhận bệnh nhân, BS. Đễ thấy bệnh nhân bị choáng nặng, chấn thương ngực kín, gãy xương ức, vỡ tim, tràn máu màng tim và màng phổi.

Tiên lượng nguy cơ tử vong cao nhưng vẫn phải được phẫu thuật, dù hy vọng mong manh nhất. BS. Đễ đã cùng kíp phẫu thuật tiến hành mổ theo phương pháp chẻ xương ức. Trong quá trình phẫu thuật, ngoài việc xử lý máu cục trong khoang màng tim, ông còn phát hiện bệnh nhân có vết vỡ kéo dài 8cm từ mặt trước của tâm thất trái đến mỏm tim rồi ra mặt sau mỏm tim. Máu từ vết thương phun ra rất nhiều. Ông nhớ lại: “Lúc ấy tôi hơi bị mất tinh thần vì gặp một ca vỡ tim quá lớn, diễn biến đột ngột. Tôi nghĩ bệnh nhân khó có thể qua khỏi. Sau khi trấn tĩnh, tôi đã cùng các đồng nghiệp khẩn trương chặn vết vỡ tim rồi tiến hành khâu kín mặt ngoài của vết thương tim, đồng thời đảm bảo mạch vành không bị nghẽn. Nhưng bệnh nhân này không chỉ bị vỡ tim mà còn bị giập hai phổi và tràn máu màng phổi nên chúng tôi còn phải tiến hành đặt ống dẫn lưu màng phổi. Ca phẫu thuật kéo dài gần 2 giờ và hơn 1 tuần sau, bệnh nhân đã bình phục và xuất viện”.

Nếu đếm số người gọi ông là “ân nhân cứu mạng” ở thời khắc “nghìn cân treo sợi tóc” có lẽ chẳng đếm xuể. Nhưng những kỷ niệm về họ ông vẫn nhớ như in từng ca một. Ông kể vui: “Một buổi chiều ba mươi Tết, khi tôi đang loay hoay dọn dẹp nhà cửa thì có một người khách mang hoa đến tận nhà riêng thăm tôi. Mãi một lúc sau tôi mới nhớ ra vị khách “không mời mà đến” ấy là bệnh nhân Nguyễn Văn Sáng (ở huyện Long Thành, Đồng Nai), bị vỡ tim do tai nạn giao thông vào ngày 22/6/2005. Đây là ca đầu tiên tôi ứng dụng phương pháp mổ chẻ xương ức.

Chính điều đó đã giúp tôi cứu sống bệnh nhân. Còn bệnh nhân Lê Thị Thúy Liêm, bây giờ gia đình bà đã chuyển ra Huế sống, nhưng cứ đến Tết và Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, bà Liêm lại gọi điện chức mừng và thăm hỏi tôi. Có lần, biết tôi ra Hà Nội hội thảo, ông bà còn bay ra tận Hà Nội để được gặp tôi. Điều đó khiến tôi rất hạnh phúc”.

Một nhân cách lớn

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống ngành y ở Thành nội Huế với 8 anh chị em trong gia đình đều là những bác sĩ giỏi, có lẽ vì thế mà BS. Ngô Đức Đễ hiểu hơn ai hết về ý nghĩa nhân văn cao cả của cái nghiệp cứu người. Điều đó dẫu không nói ra nhưng trong ngành ai cũng nhìn nhận một BS. Đễ tận tụy, cần mẫn với công việc; một BS. Đễ tác phong giản dị, chân thực và giàu tình cảm; một BS. Đễ không màng chức tước, danh vọng.

Chuyện đời, chuyện người, chuyện nghề, BS. Đễ từ tốn chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ, trăn trở của mình, thỉnh thoảng lại nở một nụ cười đôn hậu. Khi được hỏi, trong đời ông có tiếc nuối hay day dứt điều gì? BS. Đễ trả lời: “Cuộc đời làm nghề của tôi, tiếc nuối thì không, nhưng day dứt thì nhiều lắm. Y khoa là một ngành khoa học không chắc chắn và là một ngành mà kỹ thuật có sự thay đổi, phát triển từng ngày. Bởi cho đến tận bây giờ, sau hàng ngàn năm nghiên cứu, cơ thể con người vẫn còn là một bí ẩn. Nhiều khi chứng kiến cái chết của bệnh nhân, thầy thuốc cũng day dứt vì bất lực trong chuyên môn. Vì thế, tôi luôn khuyên anh em trẻ và chính bản thân tôi luôn ý thức việc tự rèn luyện để nâng cao tay nghề, để rồi - dù có phải không thể cứu được bệnh nhân - thì cũng không phải day dứt vì mình chưa tận lực với người bệnh”.

Tâm sự thêm với chúng tôi về một thực tế, có những bác sĩ có trong tay tấm bằng y khoa rồi thì không học nữa hoặc học rất nhiều nhưng chỉ để phục vụ cho sự thăng tiến, quyền lực, ông nói: “Trong cuộc sống, điều đó vẫn đang diễn ra ở một bộ phận thầy thuốc. Song đa phần, người học ngành y đến với nghề trước hết là để cứu người. Bản thân tôi rất trân trọng sự học. Tôi chưa bao giờ ngơi nghỉ sự học. Cơ thể con người là một bí ẩn. Cuộc sống, dưới tác động của ô nhiễm môi trường và những biến đổi của tự nhiên, ngày càng xuất hiện những bệnh lạ... Vì thế, giới khoa học ngành y luôn “bận rộn” để mở những cánh cửa ấy. Người thầy thuốc dù là giáo sư, tiến sĩ, là chuyên khoa cấp I, cấp II cũng không thể nói “tôi học thế đã đủ rồi”. Nếu thầy thuốc nào “dừng” việc học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, người đó sẽ trở thành tội đồ. Hàng chục năm trước, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ bề chúng tôi đâu được học mổ sọ não hay mổ nội soi, chúng tôi cũng không được đào tạo chỉ để chuyên mổ tim… mà tất cả đều do tự học cũng như sự truyền đạt, hướng dẫn của những anh em đi trước mà thành. Qua trải nghiệm thực tế, kinh nghiệm sẽ dày lên. Điều này thì không bằng cấp nào “lo” nổi”.

“Tôi có những người thầy vĩ đại trong nghề như: GS.BS. Tôn Thất Tùng, GS. Hồ Đắc Di, GS. Phạm Biểu Tâm... là những người đến với nghề bằng tâm nguyện tốt và họ làm được rất nhiều điều cho bệnh nhân, làm lan tỏa giá trị y đức đến đồng nghiệp. Còn với tôi, ngoài trách nhiệm người thầy thuốc phải luôn tự rèn luyện để nâng cao chuyên môn, năng lực của mình nhằm phục vụ tốt nhất cho người bệnh thì y đức không phải điều gì quá cao siêu, nhiều khi chỉ là một lời an ủi, động viên; một cái nhìn cảm thông, chia sẻ; một câu giải thích cặn kẽ hay một cái nắm tay thăm hỏi tận tình của người thầy thuốc với bệnh nhân… Tất nhiên, cũng có những người vào nghề bằng suy nghĩ khác, nhưng tôi nghĩ, số này ít thôi, chỉ như “con sâu làm rầu nồi canh” và rồi họ sẽ tự đào thải chính mình”, ông nói.

“Nói và làm” luôn đi đôi với nhau nơi người thầy thuốc đáng quý này. Dù đã cao tuổi nhưng ông vẫn nỗ lực cống hiến hết mình cho y nghiệp. Với những thành tích được ghi nhận, nhiều lần BS. Đễ được đề bạt, cất nhắc lên chức Phó giám đốc bệnh viện nhưng lần nào ông cũng từ chối với lý do rất chính đáng: “Nếu đánh giá tôi làm tốt chuyên môn thì hãy để tôi làm chuyên môn. Làm công tác quản lý cũng hay, nhưng tôi lo sẽ không có đủ thời gian để tập trung cho chuyên môn và điều đó gây lãng phí tay nghề của một thầy thuốc”. Ngay cả cái chức trưởng khoa, ban giám đốc bệnh viện cũng phải vận động nhiều lần BS. Đễ mới chịu nhận để có một vị trí mà bảo ban anh em bác sĩ trẻ.

Trong công việc, BS. Đễ là người không hám danh, cũng chẳng ham lợi; ở cuộc sống đời thường, ông lại càng rất giản dị khi sống trong một ngôi nhà nhỏ. Vợ ông - BS. Nguyễn Thị Măn (công tác tại Bệnh viện đa khoa Biên Hòa đã nghỉ hưu) tâm sự: “Anh Đễ luôn tận trung với nghề nghiệp, tận tụy với đồng môn và tận lực với người bệnh. Còn ở nhà, anh luôn sống mẫu mực với cha mẹ, anh em và vợ con. Những gì có ích cho mọi người là anh ấy làm, nhiều khi có thiệt thòi về mình cũng chẳng kêu ca hay phàn nàn”. BS. Măn kể chuyện, có nhiều đêm vừa đặt mình xuống giường sau một ngày làm việc, bệnh viện gọi báo có ca bệnh nặng cần phẫu thuật, không bao giờ đợi xe của bệnh viện đến đón, anh ấy tất bật khoác áo rồi phóng xe máy vào ngay. Cũng may, trong những lần đi trong đêm khuya khoắt, anh ấy chưa gặp rắc rối nào và hầu hết những ca anh ấy vào phẫu thuật cũng đều suôn sẻ. “Đôi lúc tôi cũng buồn, bởi nhiều khi gia đình có hiếu - hỉ, anh ấy cũng chẳng dự được khi tính mạng bệnh nhân đang cần đôi tay của anh ấy. Nhưng tôi chỉ buồn chút xíu rồi quên vì đó là trách nhiệm của anh ấy”.

Nói về người thầy, người anh, người đồng nghiệp của mình, TS.BS. Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chia sẻ: “Anh Đễ là một con người tuyệt vời trong cả công việc lẫn nhân cách. Liên tục trong 20 năm giữ chức trưởng khoa, anh là một người anh, một người thầy, một đồng nghiệp rất đáng kính của tôi và nhiều thế hệ bác sĩ trong bệnh viện. Anh luôn sống đúng với trách nhiệm của một thầy thuốc. Dù đã về hưu, nhưng anh vẫn luôn được trọng dụng tại bệnh viện và anh cũng chưa một ngày rời xa bệnh viện bởi bệnh viện không thể thiếu anh ấy”.

Thầy thuốc ưu tú, BSCKI Ngô Đức Đễ

“Tôi không làm nghề này để lấy lời khen, cũng không làm vì để được bệnh nhân nhớ ơn. Món quà lớn nhất đối với tôi là trả lại được sức khỏe và tính mạng cho người bệnh. Tôi đã “sống - cho đi” và cũng đã được “nhận lại”, đó là sự nhắc nhớ, là yêu thương của bệnh nhân và người nhà của họ”.

Bài, ảnh: Nguyễn Phương Liễu

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thay-thuoc-uu-tu-bac-si-ngo-uc-e-song-la-cho-n128742.html