Thầy giáo Biên phòng dịch tiếng Mông ở Lũng Cú

11 tuổi quân, gần 4 năm vượt núi băng rừng dịch, dạy chữ Mông cho các em học sinh ở nhiều bản làng xa xôi trên địa bàn Lũng Cú, Ma Lé, Trung úy Vừ Mí Chứ, đội trưởng đội vận động quần chúng ở Đồn Biên phòng Lũng Cú Hà Giang chẳng nhớ bao lần chân mình bật máu vì đá tai sắc nhọn, bao lần vắt rừng cắn sưng tay chân, nhưng mỗi một em học sinh được vận động đến trường, niềm hạnh phúc trong anh lại dâng tràn vui sướng.

Thầy giáo quân hàm xanh, Trung úy Vừ Mí Chứ

Thầy giáo quân hàm xanh, Trung úy Vừ Mí Chứ

1. Tôi có dịp gặp và trò chuyện với Trung úy Vừ Mí Chứ, trong một lần đến đây tặng quà cho cán bộ chiến sĩ. Có một câu chuyện làm chúng tôi xúc động, đó là việc Trung úy Vừ Mí Chứ vượt núi băng rừng dịch, dạy chữ Mông cho các em học sinh xã Ma Lé, Lũng Cú hơn ba năm qua. Anh bảo “Lính Biên phòng thì ở đâu cũng gian khổ. Ngày canh biên giới, đêm vượt rừng dạy chữ là bình thường. Tôi chỉ muốn cùng góp sức đưa các em học sinh ở bản làng xa xôi đến trường là cảm thấy mình hạnh phúc”.

Cho đến bây giờ đã gần một năm kể từ ngày anh cứu ba cháu nhỏ giữa rừng sâu Ma Lé, nhưng mỗi lần ai hỏi đến chuyện dịch chữ, Trung úy Chứ lại bùi ngùi xúc động. “Hơn ba năm bám bản dạy chữ, lần cứu ba em bé tôi không thể nào quên. Cái tên bố nuôi cũng xuất phát từ lần đi dạy chữ ấy”, anh chia sẻ.

Trung úy Vừ Mí Chứ kể lại: Chừng này năm ngoái, anh được giao nhiệm vụ xuống bản dịch chữ Mông cho một lớp học giữa rừng. Cũng như bao lần “xuống núi” khác, hành trang của thầy giáo biên phòng ngoài sách vở, đèn pin, áo mưa chống rét, tinh thần tận tụy, còn có “Phương án tác chiến” để sẵn sàng đối phó với tình huống bất ngờ xảy ra. Hai giờ chiều từ Đồn Biên phòng Lũng Cú, Trung úy Vừ Mí Chứ vượt 8 km đường rừng núi đến lớp học. Sau buổi dịch chữ, anh trở về đơn vị lúc trời xẩm tối.

Lần theo đường mòn quen thuộc, bỗng anh nghe tiếng trẻ con văng vẳng từ xa “Cứu tôi với. Có ai không cứu tôi với”. Bằng linh cảm và nghiệp vụ của “lính rừng biên giới”, Chứ phán đoán: Một là có kẻ xấu bắt cóc học sinh đem đi biên giới bán, hai là trẻ em bị bố mẹ bỏ rơi giữa rừng. Trấn tĩnh, anh bí mật tiến lên phía có tiếng trẻ con kêu cứu.

Tác giả (áo hải quân) cùng đoàn tặng quà chụp ảnh lưu niệm với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên Phòng Lũng Cú

Đúng như dự đoán, ba đứa trẻ bị người mẹ bỏ rơi giữa rừng vượt biên trốn sang Trung quốc. Thấy anh tới, chúng chạy lại ôm chầm lấy anh kêu khóc. Đứa chị nói: “Chú ơi cứu cháu với, mẹ cháu bỏ đi rồi”. Hai đứa em mặt mũi nhem nhuốc khóc kêu đói bụng. “Lúc đó xúc động quá. Tôi ngồi xuống hỏi chuyện mới biết, bố các cháu chết rồi. Mẹ bỏ đi lấy chồng ở Trung Quốc, bỏ ba con ở lại. Tôi lấy lương khô cho các cháu ăn và dẫn các cháu về Đồn, báo cáo với đơn vị”, Trung úy Chứ hồi tưởng lại.

Ngay sau khi Trung úy Vừ Mí Chứ báo cáo với Ban chỉ huy về trường hợp ba em học sinh người Mông bố chết, mẹ bỏ đi Trung Quốc không nơi nương tựa, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú đã tự nguyện quyên góp từ tiền lương, phụ cấp của mình giúp đỡ mỗi tháng 500.000 đồng / mỗi em. “Số tiền đó được cán bộ chiến sĩ tự nguyện góp vào quĩ “Nâng bước em tới trường” và chuyển đến các em đều đặn hàng tháng. Tuy chưa nhiều, nhưng đủ để các em có cái ăn hàng ngày”, Trung úy Chứ cho biết.

Hỏi chuyện Trung úy Chứ được ba đứa trẻ nọ gọi là bố nuôi, Chứ cười hiền: “Sau lần cứu ba cháu giữa rừng sâu ấy, các cháu gọi em là bố nuôi. Mỗi lần đi dịch chữ, em vẫn ghé thăm. Bọn trẻ thích lắm. Nhờ động viên kịp thời mà nó không bỏ học. Đứa lớn đã học lớp ba rồi”, chia sẻ.

Những đứa trẻ theo cha lên rẫy trỉa bắp ở Lũng Cú

2. Với những thầy giáo quân hàm xanh, việc dạy chữ cho các em học sinh đồng bào thiểu số quanh địa bàn đóng quân được thực hiện vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Bởi vậy, anh Chứ không có khái niệm ngày nghỉ. Các ngày trong tuần phải huấn luyện SSCĐ, tuần tra biên giới, canh gác cột cờ Lũng Cú; thứ bảy, chủ nhật anh Chứ lại hành trình xuống núi. Công việc chính là dịch tiếng Việt sang tiếng Mông và ngược lại cho học sinh và giáo viên trong bản. “Giáo viên dạy học ở đây chủ yếu là người Kinh không biết tiếng Mông. Khi cô giáo nói đến đâu, tôi dịch ra tiếng Mông, rồi nói cho các em học sinh nghe đến đó. Ngược lại, khi học sinh trả lời bằng tiếng Mông, tôi lại dịch ra tiếng Việt cho cô giáo hiểu”, thầy giáo Chứ cho biết

Gia đình vợ con chỉ cách nhà 8 km, nhưng chưa bao giờ Trung úy Chứ bên vợ con hai ngày nghỉ cuối tuần trọn vẹn. Khi đơn vị không trực chiến thì xuống núi dịch chữ, khi đồn trực chiến thì tuần tra biên ải và túc trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đột xuất khi có lệnh.

Nói về khó khăn nhất hiện nay trong nhiệm vụ vận động trẻ em đến trường học chữ, Trung úy Chứ cho biết, 100% bà con người dân tộc Mông, trình độ dân trí thấp, văn hóa lạc hậu, sống ở tách biệt rải rác trên lưng chừng đồi núi. Đa phần các gia đình kinh tế khó khăn. Lương thực hằng ngày của bà con chủ yếu ăn mèn mén, tức là ngô bột hấp. Khi chưa đến vận động, họ không muốn cho con đi học, bắt ở nhà bế em, hoặc lên rừng đào măng. Khi hiểu cái chữ thoát nghèo, họ đồng ý cho con đến trường. “Ở vùng biên giới này chuyện mẹ bỏ đi Trung quốc lấy chồng bỏ con bơ vơ nhiều lắm. Những trường hợp như vậy, chúng tôi cử cán bộ chiến sĩ đến tận nơi tìm hiểu vận động các em tới tường”, Trung úy Chứ cho biết.

Mai Thắng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thay-giao-bien-phong-dich-tieng-mong-o-lung-cu-43363.html