Thấy gì từ vụ 'thanh trừng' ĐBQH quy mô chưa từng có của ông Tập?

Vụ bê bối gian lận bầu cử "chưa từng thấy" ở Liêu Ninh hé lộ tín hiệu không mấy tốt đẹp về hiệu quả chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình.

Thấy gì từ vụ "thanh trừng" ĐBQH quy mô chưa từng có của ông Tập?

Theo Nikkei Asian Review ngày 19/9, có hơn 70% đại diện trong cơ quan lập pháp của tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc đã bị sa thải vì gian lận bầu cử.

Có 454 trong số gần 523 ủy viên Nhân đại tỉnh (cơ quan lập pháp) bị sa thải vì bị tình nghi hối lộ trong bầu cử.

Có 45 trong số 62 thành viên Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) của tỉnh Liêu Ninh cũng bị sa thải vì vụ bê bối này. Theo đó, mỗi đại biểu bị cáo buộc đã trả 4 triệu nhân dân tệ (khoảng 600.000 USD) để có ghế cho mình, mà không qua bầu cử.

Các gian lận bầu cử ở tỉnh Liêu Ninh được cho là một phần trong vụ bê bối tham nhũng liên quan đến cựu Bí thư tỉnh Liêu Ninh Wang Min. Ông Wang cũng là một thành viên (NPC). Wang bị bắt giữ ngay trước ngày diễn ra cuộc họp thường niên của NPC hồi tháng 3.2016.

Theo đó, ông Wang đã tăng gấp đôi số đại biểu của Nhân đại tỉnh Liêu Ninh trong nhiệm kỳ của mình. Cơ quan điều tra cáo buộc Wang đứng sau hoạt động tham nhũng tràn lan trong các cuộc bầu cử tại địa phương và hối lộ nhiều quan chức chính phủ.

Đây được xem là vụ bê bối bầu cử "chưa từng thấy" trong hoạt động của cơ quan lập pháp tại Trung Quốc. Và sau hơn 3 năm thúc đẩy chiến dịch "đả hổ diệt ruồi", xem ra Chủ tịch Tập Cận Bình mới đi được một quãng đường rất ngắn ngủi.

Những nước cờ chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ ảnh rất lớn đến quy hoạch nhân sự cho thế hệ lãnh đạo mới tại Trung Quốc. Ảnh : AFP

Xu hướng quy hoạch nhân sự thế hệ lãnh đạo mới tại Trung Quốc

Có thể thấy rằng, mục đích chiến dịch " đả hổ diệt ruồi" của Chủ tịch Tập Cận Bình không chì nhằm làm trong sạch hóa bộ máy công quyền tại Trung Quốc, mà qua đó còn nhằm nhận diện những nhân tố mới để xây dựng tiêu chí cho quy hoạch thể hệ lãnh đạo mới tại Trung Quốc.

Với hiệu ứng của chiến dịch " đả hổ diệt ruồi", ông Tập đã gạt bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của những cựu lãnh đạo đối với đời sống chính trị tại Trung Quốc.

Do vậy, ngay từ bây giờ - một năm trước khi đại hội lần thứ 19 đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra - việc chuẩn bị nhân sự cho thế hệ lãnh đạo mới phải xây dựng được phương án. Song vì hiệu ứng của chiến dịch " đả hổ diệt ruồi" khiến cho việc chuẩn bị nhân sự rất khó đoán biết.

Dư luận Trung Quốc có thể phán đoán, chỉ những nhân vật miễn nhiễm trong chiến dịch "đả hổ" mới nằm trong diện được xem xét quy hoạch nhân sự các cấp khi Đại hội 19 diễn ra.

Thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang là hạt nhân, trưởng thành trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (CMVH).

Thế hệ lãnh đạo thứ 6 sẽ phải là những người trưởng thành sau CMVH, trong giai đoạn Trung QUốc bắt đầu mở cửa.

Thế hệ lãnh đạo tiếp theo tại Trung Quốc sẽ là những người cứng rắn và kiên định về lập trường chính trị, có khả năng quản lý nền kinh tế được tái cơ cấu với kinh tế dịch vụ sẽ dần đóng vai trò then chốt và miễn nhiễm với tham nhũng, bất kể ở cấp nào.

Do vậy, thời gian qua chiến dịch "đả hổ" chủ yếu tập trung vào cán bộ trung ương và cán bộ cấp cao. Qua đó cho thấy, dường như Tập Cận Bình đã phát hiện những nhân tố mới cho bộ máy lãnh đạo kế cận.

Trụ sở cơ quan lập pháp tỉnh Liêu Ninh – tâm điểm của bê bối bâu cử "chưa từng có" tại Trung Quốc. Ảnh : Nikkei Asian Review

Sự "lệch pha" giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường

"Lửa" của chiến dịch chống tham nhũng đã chuyển về cấp địa phương – nơi mà gánh nặng nợ công và nạn tham nhũng đang hoành hành, vượt tầm kiểm soát của trung ương.

Tuy nhiên, việc có tới 70% đại diện trong cơ quan lập pháp của tỉnh Liêu Ninh bị xử lý vì tình nghi hối lộ cho thấy việc quy hoạch cán bộ không dễ thực hiện.

Thứ nhất, sự miễn nhiễm với tham nhũng khó quán triệt, hoặc sẽ không có cán bộ để quy hoạch, hoặc sẽ phải chấp nhận quy hoạch những nhân tố "chưa thật trong sạch". Thứ hai, sự "lệch pha" giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thù tướng Lý Khắc Cường sẽ gia tăng.

Liêu Ninh được xem là nơi đặt nền móng quan trọng nhất cho sự nghiệp chính trị của đương kim Thủ tướng Trung Quốc. Ông Lý Khắc Cường từng làm Bí thư tỉnh này từ năm 2004 đến năm 2007 và ảnh hưởng của ông tại đây vẫn còn rất lớn.

Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình "càn quét" vào Liêu Ninh có thể được xem như lời cảnh báo "ngầm" cho người đứng đầu chính phủ. Và đương nhiên, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng sẽ có những nước đi riêng của mình.

Sự hiệu chỉnh các nước cờ của các ông Tập, Lý sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới việc quy hoạch nhân sự cho Đại hội 19 và hình thành nên một thế hệ lãnh đạo tiếp theo.

Tóm lại, vụ bê bối chấn động tại Liêu Ninh đã lộ ra rất nhiều vấn đề lớn của đất nước Trung Quốc.

Trong đó, việc chính phủ Trung Quốc đang bế tắc trong kiểm soát kinh tế địa phương và những bê bối tại địa phương có tác động rất lớn tới chính trường Trung Quốc, là có thể nhận diện rõ nhất.

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/thay-gi-tu-vu-thanh-trung-dbqh-quy-mo-chua-tung-co-cua-ong-tap-20161003132326256.htm