Thấy gì sau 'sự cố' thí sinh điểm 10 môn Lý, điểm 0 môn Toán, hỏng tốt nghiệp?

Trường hợp "thí sinh đạt điểm 10 môn Vật lý nhưng vẫn hỏng tốt nghiệp" đã được hội đồng chấm thi Đại học Vinh làm sáng tỏ, giải tỏa được những mối nghi ngờ của giáo viên, phụ huynh và học sinh cả nước. Tuy nhiên, nguyên nhân “điểm 10” và bài học rút ra từ “sự cố” hy hữu này cần phải được nghiêm túc xem xét.

Sự nghiêm túc của một phòng thi liệu có là sự thật ? (Ảnh minh họa từ Internet)

Vừa qua, trường Đại học Vinh đã lập hội đồng kiểm tra việc thí sinh Nguyễn Sỹ Hùng, số báo danh TDV007452 (học sinh Trường THPT Tây Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) đạt điểm 10 môn Vật lý nhưng lại hỏng tốt nghiệp vì môn Toán điểm 0. Kết quả kiểm tra, điểm thi của thí sinh này hoàn toàn chính xác, không có gì thay đổi so với kết quả đã công bố : môn Vật lý điểm 10, Hóa 8, Văn 2.5, Ngoại ngữ 2.13, Toán 0.

Vậy là không có chuyện thí sinh bị hỏng oan do giám khảo chấm sai hay bộ phận làm phách, nhập điểm nhầm lẫn. Sự việc đã sáng tỏ, giải tỏa được những mối nghi ngờ của giáo viên, phụ huynh và học sinh cả nước. Tuy nhiên, nguyên nhân “điểm 10” và bài học rút ra từ “sự cố” hy hữu này cần phải được nghiêm túc xem xét.

Trước hết, đâu là nguyên nhân một thí sinh học yếu, Toán điểm 0 lại đạt “điểm 10” môn Lý ?

Giả định thứ nhất, thí sinh “khoanh bừa” đáp án. Nếu chọn đáp án ngẫu nhiên mà đạt 10 điểm thì xác suất “siêu thấp”, khó xảy ra hơn trúng số độc đắc hàng tỷ lần. Nếu chọn phương án giống nhau (hoặc A, hoặc B, hoặc C, hoặc D) cho cả 40 câu trắc nghiệm thì xác suất đúng chỉ bằng 1/4, thí sinh chỉ đạt 2.5 điểm. Thực ra xác suất đúng 1/4 cũng ít khi xảy ra, vì không phải bao giờ số phương án đúng cũng chia đều cho 4 phương án A, B, C, D trong đề thi trắc nghiệm. Vậy chuyện thí sinh “đánh bừa” được điểm tối đa là hết sức vô lý.

Giả định thứ hai, thí sinh này chép bài của thí sinh ngồi bên. Nếu vậy, thí sinh ngồi bên phải là thí sinh rất giỏi, bài làm điểm 10. Trong bảng điểm của cụm thi số 35 (Đại học Vinh) cho thấy, có 2 thí sinh khác cũng đạt điểm 10 môn Vật lý, đó là 2 thí sinh số báo danh TDV007441, TDV007442 (cùng tên là Nguyễn Mạnh Hùng), cùng vần H. Vậy thí sinh Nguyễn Sỹ Hùng có cùng phòng thi với 2 thí sinh đó không? Nếu cùng phòng thi thì buổi thi môn Vật lý, phương án đánh số báo danh có xếp (ngẫu nhiên) em Nguyễn Sỹ Hùng ngồi gần 1 trong 2 em nói trên không? Nếu công tác lưu trữ hồ sơ thi của hội đồng thi đúng quy định thì sơ đồ số báo danh tất cả các phòng thi vẫn còn lưu, việc “truy” vị trí chỗ ngồi thí sinh không có gì khó.

Thí sinh xem bài của bạn, nếu không cùng mã đề thì việc đối chiếu câu hỏi, đáp án giữa 2 đề thi sẽ mất khá nhiều thời gian, chỉ trừ khi giám thị thực sự “lơ là” thì thí sinh mới có thể “quay” rất nhiều lần để đối chiếu, chép đúng tất cả các đáp án của bạn ngồi bên cạnh. Hoặc có thể 2 thí sinh ngồi gần nhau cùng một mã đề, nên việc sao chép đáp án rất dễ dàng. Nếu vậy thì giám thị phát đề thi không đúng quy định. Theo quy định, phải phát đề sao cho 2 thí sinh gần nhau không cùng một mã đề.

Có một trường hợp nữa xảy ra, thí sinh dễ “qua mặt” giám thị, nếu giám thị không kiểm tra việc tô mã đề của thí sinh có đúng với mã đề của đề thi được phát hay không. Nếu bỏ qua khâu kiểm tra này, sẽ có trường hợp thí sinh “sao nguyên” đáp án của thí sinh bên cạnh, sau đó ghi mã đề giống như thí sinh bên cạnh luôn. Khi thu bài thi, giám thị không thể nhớ số mã đề của từng thí sinh, nên khó có thể phát hiện sự gian lận trên.

Nếu giám thị trong phòng thi “lơ là” hoặc dung túng cho thí sinh quay cóp, thì dù 2 thí sinh không ngồi gần nhau, không cùng mã đề, thí sinh này vẫn có thể chép đáp án của thí sinh khác qua việc trao đổi, chuyền, ném giấy nháp, bài thi, đề thi (đã khoanh đáp án). Bởi vì, 40 câu trắc nghiệm là hoàn toàn giống nhau giữa các đề thi, chỉ khác nhau về thứ tự câu hỏi và đáp án.

Chia sẻ với phóng viên báo chí, em Hùng đã tiết lộ: “Em nhìn thấy bài bạn làm nên khoanh theo, đến khi sắp hết giờ, còn một số câu cuối thì em khoanh bừa”. Không biết em nói có chính xác không, nhưng rõ ràng, qua phân tích nêu trên, việc em quay cóp là có thực, vấn đề là em quay cóp thế nào mà thôi.

Có người nói, không có chứng cứ để nói thí sinh gian lận khi thí sinh đã hoàn thành bài thi, ký nộp bài thi đúng quy định, thí sinh không bị giám thị lập biên bản vi phạm quy chế thi. Và thí sinh “điểm 10” này không có nghĩa vụ phải chứng minh kiến thức của mình với mọi người, kể cả hội đồng thi.

Đúng như vậy, nhưng vấn đề ở đây không phải lên án thí sinh, mà đề cập đến trách nhiệm của hội đồng coi thi. Liệu khâu coi thi của 3 giám thị (2 giám thị trong phòng thi, 1 giám thị hành lang), khâu giám sát của thanh tra thi lại “đúng quy trình”?

Trên diễn đàn, có người đề xuất đề thi cần có phần tự luận bên cạnh phần trắc nghiệm để hạn chế thí sinh quay cóp. Nhưng đâu phải vì đề trắc nghiệm mà thí sinh dễ quay cóp ? Tất cả là do khâu chỉ đạo, điều hành thi của chủ tịch hội đồng, khâu giám sát của thanh tra, đặc biệt khâu coi thi của giám thị. Không ai có thể thay thế giám thị trong việc ngăn chặn thí sinh gian lận trong phòng thi. Trong trường hợp này, chỉ có giám thị nghiệp vụ coi thi yếu hoặc thiếu trách nhiệm mới để thí sinh quay cóp 100% đáp án của 40 câu trắc nghiệm.

Ở một số hội đồng thi, khâu coi thi còn lỏng lẻo, có xu hướng buông lỏng, lơ là cho thí sinh trao đổi, quay cóp, nhất là thí sinh ở cụm thi tốt nghiệp do Sở GD&ĐT địa phương chủ trì. Đối với thí sinh sử dụng tài liệu, trao đổi bài thi, sử dụng điện thoại ... giám thị rất ngại lập biên bản đình chỉ thí sinh thi. Phần vì “thương” học trò vất vả 12 năm học, phần vì sợ mang tiếng “khắt khe”, sợ lãnh đạo và đồng nghiệp không ủng hộ…

Vấn đề tiêu cực trong thi cử gần đây đã giảm đáng kể, chứ không phải không còn. Bệnh thành tích trong giáo dục vẫn đó. Tại sao ở một số địa phương, cụm thi tốt nghiệp có tỷ lệ điểm trung bình cao hơn cụm thi đại học (một số môn tự luận), trong khi cả 2 cụm đều chung đề thi và thí sinh cụm tốt nghiệp có học lực yếu hơn cụm đại học ? Rõ ràng, không có chuyện ngẫu nhiên.

Thực tế, có nơi có lúc việc chống tiêu cực trong thi cử không phải dễ khi người chống tiêu cực bị “cô độc”, thậm chí bị cô lập. Sở dĩ không ai dám ủng hộ người chống tiêu cực vì họ sợ liên lụy, phiền toái, nhiêu khê. Lối sống “an phận thủ kỷ”, ngại va chạm, thỏa hiệp với cái xấu tạo điều kiện cho tiêu cực nảy sinh.

Kỳ thi THPT quốc gia đã qua được 3/4 chặng đường (tổ chức thi, chấm thi, công bố kết quả), còn 1/4 chặng đường nữa là xét tuyển đại học. Có lẽ có nhiều bài học kinh nghiệm sẽ được rút ra để năm học tới sẽ có một kỳ thi tốt hơn, trong đó có bài học thí sinh “điểm 10” hỏng tốt nghiệp ở Nghệ An.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc-quan-tam/thay-gi-sau-su-co-thi-sinh-diem-10-mon-ly-diem-0-mon-toan-hong-tot-nghiep-575842.bld