Thay đổi quy chế giao dịch chứng khoán mới: Nhà đầu tư thấy 'rối'

Việc HOSE đã tiến hành thay đổi quy chế giao dịch với nhiều điểm mới từ 12.9 với kỳ vọng sẽ tăng thêm sức hấp dẫn cho thị trường nhưng xem ra việc không đơn giản.

Cụ thể, theo quy chế này thì sẽ tăng khối lượng tối đa của một lệnh đặt lên 500.000 cổ phiếu/chứng chỉ quỹ, gấp hơn 25 lần so với quy định cũ (tối đa 19.990 cổ phiếu/chứng chỉ quỹ trên một lệnh đặt) kể từ ngày 12.9. Khối lượng tối thiểu của giao dịch thỏa thuận được giữ nguyên theo quy định cũ là 20.000 cổ phiếu/chứng chỉ quỹ.

Bên cạnh đó, nhằm cung cấp thêm tiện ích cho nhà đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy thanh khoản, HOSE đã có quy định áp dụng đơn vị yết giá mới được chia nhỏ so với quy định hiện tại. Cụ thể, đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng với mức giá < 10.000 đồng, đơn vị yết giá là 10 đồng; mức từ 10.000 - 49.950 đồng thì đơn vị yết giá là 50 đồng, mức > 50.000 đồng thì đơn vị yết giá là 100 đồng. Còn với chứng chỉ quỹ ETF sẽ áp dụng đơn vị yết giá 10 đồng cho tất cả các mức giá.

Vào thời điểm ban đầu, theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán việc thay đổi quy chế giao dịch của HOSE sẽ mang lại sự tích cực cho thị trường. Đây là giải pháp kỹ thuật mà thị trường chờ đợi đã lâu nhằm cải thiện thanh khoản. Cụ thể, việc chia nhỏ các bước giá được kỳ vọng sẽ đẩy thanh khoản thị trường chung vì bước giá càng nhỏ, nhà đầu tư càng dễ mua bán. Ngoài ra việc nâng khối lượng đặt lệnh tối đa sẽ giúp việc khớp lệnh diễn ra nhanh hơn. Thay vì phải đặt từng lệnh một 19.990 đơn vị hoặc đặt một nhóm lệnh, người giao dịch có thể đặt ngay một lệnh, tức thời gian để khớp khối lượng mua/bán sẽ nhanh hơn. Về phía các các quỹ ETFs có cơ hội mua bán cổ phiếu nhanh hơn nếu các nhà đầu tư của họ bất ngờ rút hoặc thêm vốn vào.

Tuy nhiên, thực tế mà thị trường phản ứng lại khác nhiều. Ngay từ ngày bắt đầu áp dụng quy chế mới, TTCK đã có 3 phiên giảm điểm liên tiếp. Theo anh Nguyễn Hoàng, một nhà đầu tư trên sàn KimEng, quy định nâng khối lượng đặt lệnh tối đa lên 500.000 cổ phiếu/chứng chỉ quỹ, cho rằng quy định này sẽ giúp nhà đầu tư đỡ phải đặt nhiều lệnh, đặc biệt nhà đầu tư tổ chức với giao dịch lớn thì việc mua bán sẽ thực hiện nhanh hơn. Tuy nhiên, việc chia nhỏ bước giá gây khó chịu cho nhà đầu tư. Giá cứ san sát nhau khiến bảng điện tử dường như rối mắt hơn và các trạng thái tăng-giảm-đi ngang của CP dường như cũng trở nên khó lường hơn rất nhiều.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Khối Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Bảo Việt, quy định về bước giá thực chất không tác động lớn đến hoạt động đầu tư trên thị trường. Về phản ánh của nhà đầu tư rằng việc chia nhỏ bước giá khiến việc theo dõi bảng điện tử khó khăn hơn, chẳng hạn cổ phiếu chỉ giảm rất ít nhưng vẫn đỏ bảng, trong khi xanh ngát thực chất lại chỉ tăng rất nhẹ, ông Bình cho rằng, vấn đề nằm ở thói quen theo dõi bảng điện tử của nhà đầu tư. Thực tế, muốn xem mức độ tăng giảm của cổ phiếu, nhà đầu tư nên theo dõi cả đồ thị chỉ số, chứ không nên chỉ nhìn vào bảng giá chứng khoán. Theo ông Bình, sẽ mất khoảng 1 - 2 tuần để nhà đầu tư làm quen với quy định mới.

Còn theo ông Nguyễn Duy Phương, chuyên viên của CTCK Bản Việt, những thay đổi trong quy chế giao dịch mới của 2 sở phù hợp với xu thế phát triển thị trường chung của thế giới, kích thích sự tham gia giao dịch của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, làm tăng tính thanh khoản và tạo ra sự thu hút cho thị trường. Việc bước giá “mịn” hơn sẽ hỗ trợ các hoạt động tạo lập thị trường và có cơ hội cho các nhà đầu tư năng động giao dịch trong ngày một cách linh hoạt. Không những vậy, dữ liệu giá có thể được thể hiện dưới các đồ thị kỹ thuật 5 phút, 15 phút để nhà đầu tư có thể đánh giá được hình thái giao dịch của cổ phiếu dưới con mắt kỹ thuật trong ngày. Việc theo dõi các bước giá ban đầu có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư, nhưng về dài hạn, tôi đánh giá đây là bước chuyển biến quan trọng nhất trong 15 năm trở lại đây của cơ chế giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bảo Chương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/thay-doi-quy-che-giao-dich-chung-khoan-moi-nha-dau-tu-thay-roi-599272.bld