Thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận

Thực hiện chủ trương của MTTQ Việt Nam về phát huy sức mạnh đại đoàn kết, cùng chung tay bảo vệ môi trường (BVMT), các cấp MTTQ TP Hà Nội đang tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Bằng các giải pháp như: Phối hợp với các chức sắc tôn giáo đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường; tổ chức cho nhân dân ký kết tham gia vệ sinh môi trường… MTTQ các cấp thành phố đã tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức và trách nhiệm của nhân dân trong BVMT.

Việc giữ gìn vệ sinh môi trường cần có sự tham gia của MTTQ, chính quyền các cấp và người dân.
Ảnh: Anh Tuấn

Chung tay bảo vệ môi trường

Chùa Pháp Vân (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) được chọn thực hiện mô hình điểm tham gia các hoạt động BVTM và ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung vào việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai và các hoạt động về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là một trong những cách làm mới, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp tích cực của chức sắc và tín đồ các tôn giáo đối với nhiệm vụ BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời tập hợp sức mạnh đại đoàn kết chung tay của mọi người dân đối với việc BVMT trong dân cư.

Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân cho biết, theo mô hình này, Mặt trận, chính quyền, nhà chùa và người dân cùng phối hợp triển khai nhiều hoạt động BVMT. Trong đó, CLB Môi trường xanh của chùa Pháp Vân đã tích cực tổ chức dọn vệ sinh môi trường trong khu dân cư, đường làng, ngõ xóm và tuyên truyền bà con nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định...

Dù mới triển khai (trung tuần tháng 9-2016), song ông Lưu Bách Phượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hoàng Liệt cho rằng, với sự tham gia 4 bên như hiện nay, chắc chắn kết quả tuyên truyền, vận động nhân dân ở địa bàn dân cư tham gia BVMT, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ đạt kết quả tốt hơn…

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Bùi Anh Tuấn cho biết, MTTQ thành phố đã chỉ đạo xây dựng được 3.700 mô hình khu dân cư (KDC) tự quản BVMT với phương châm sạch từ mỗi gia đình, mỗi KDC. Điển hình như tại tổ dân phố số 10 phường Việt Hưng (quận Long Biên), từ khi MTTQ thực hiện “Mô hình điểm KDC tự quản BVMT”, cán bộ, đảng viên đã gương mẫu giữ nhà sạch, ngõ sạch, đổ rác đúng giờ và tổng vệ sinh KDC vào thứ bảy hằng tuần. Thấy cán bộ, đảng viên làm, bà con làm theo, giờ thì tổ dân phố số 10 luôn sạch, đẹp, không còn những điểm đen về rác tại ngã ba, chân cột điện, xung quanh chợ hay các cửa hàng ăn uống.

Gắn với các cuộc vận động để thu hút mọi tầng lớp tham gia

Nói về vai trò của MTTQ đối với việc BVMT, nhiều ý kiến cho rằng, ở đâu có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tham gia cùng MTTQ và ban hành nghị quyết, kế hoạch hành động cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng mô hình tự quản BVMT, thì ở đó phát huy được trách nhiệm, ý thức tự giác của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng.

Tuy vậy, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm, vẫn còn “khoán trắng” cho Mặt trận, dẫn tới kết quả không đồng đều. Chưa kể, ý thức giữ gìn, BVMT của một bộ phận nhân dân và tổ chức, doanh nghiệp chưa thực sự có chuyển biến; hoạt động tự quản về môi trường ở nhiều địa bàn dân cư vẫn chủ yếu là đôn đốc, nhắc nhở, chưa có hình thức, chế tài xử phạt để răn đe.

Để nâng cao hiệu quả BVMT, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cho rằng, các cấp MTTQ, trong đó có Hà Nội cần quan tâm củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Vận động các tổ tự quản BVMT, nhất là vai trò của các ban công tác Mặt trận ở KDC. Qua thực tiễn triển khai cho thấy, các địa phương nên lồng ghép mô hình “KDC tự quản BVMT” với cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Cùng với mô hình này, Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiến hành khảo sát, hỗ trợ một số mô hình điểm BVMT của Phật giáo và Công giáo tại các tỉnh, thành, trong đó có mô hình triển khai ở chùa Pháp Vân. Qua đó đánh giá thực trạng, nhu cầu, khả năng đáp ứng để nhân rộng nhằm phát huy tối đa vai trò định hướng hành vi BVMT cho người dân tại cộng đồng dân cư. Nếu như mỗi xã, phường, thị trấn, mỗi tôn giáo đều xây dựng được những mô hình nhân dân tự quản BVMT; vận động người dân thay đổi nhận thức, sử dụng nước hợp vệ sinh, thu gom và xử lý rác thải hợp vệ sinh…, chắc chắn sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Linh Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/855016/thay-doi-nhan-thuc-tao-su-dong-thuan