Thay đổi kết cấu đê sông Hồng: Không thể nói chẳng có vấn đề gì đâu

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói rõ, khi thay đổi kết cấu đê sông Hồng 'phải khẳng định với bà con là chúng tôi làm chỉ có bền vững hơn thôi, tốt hơn thôi, không thể nói chẳng có vấn đề gì đâu'.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, khi thay đổi kết cấu đê sông Hồng phải thẩm định, mời các nhà khoa học có kinh nghiệm tham gia và công bố cho người dân biết

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, khi thay đổi kết cấu đê sông Hồng phải thẩm định, mời các nhà khoa học có kinh nghiệm tham gia và công bố cho người dân biết

Ngày 17/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra các dự án hạ tầng giao thông, cấp nước trên địa bàn TP Hà Nội.

Tại điểm kiểm tra tuyến đê Yên Phụ - Nghi Tàm, đoạn nút giao An Dương, Phó Thủ tướng đã nghe Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung báo cáo về hiện trạng khu vực ngoài đê hữu Hồng.

Đây là địa điểm, Hà Nội kiến nghị thay đổi kết cấu đê đất thành đê bê tông cốt thép để mở rộng đường giao thông 2 làn đường, mỗi bên 3,7m.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sau khi thay đổi kết cấu đê đất thành đê bê tông, phía tường bê tông ngoài đê vẫn còn cách các khu dân cư mới đến mép nước sông Hồng. Vì vậy, mặt đê bê tông cốt thép sau xây dựng không chịu áp lực trực tiếp của mực nước và sóng nước khi nước nâng cao.

“Ngay bên Hà Lan cũng xây dựng đê bê tông ngoài biển”, ông Chung khẳng định, sau khi thay đổi kết cấu đê đất thành đê bê tông sẽ đảm bảo chống lũ, giao thông dân sinh tốt hơn và mỹ quan đẹp hơn.

Lãnh đạo TP Hà Nội cũng cho hay, TP xin ý kiến toàn bộ dân cư ở khu vực từ khách sạn Thắng Lợi cho đến An Dương và được đồng tình rất cao làm con đường như vậy.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, khi nghe thông tin thay đổi kết cấu một phần đê người dân sẽ nảy sinh tâm lý lo lắng.

Ông yêu cầu Hà Nội, cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành lập 1 hội đồng thẩm định dự án này. Khi thẩm định mời các nhà khoa học có kinh nghiệm và trách nhiệm tham gia, sau đó công bố cho người dân biết.

“Phải dùng cơ chế phản biện của các nhà khoa học, cần thiết mời cả tư vấn của nước ngoài đến để người dân yên tâm, để các nhà khoa học trong nước yên tâm”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề quan trọng nhất là phải trả lời việc này có an toàn không để người dân yên tâm. Người dân không đồng tình là không làm được.

“Tôi nói với tư cách quản lý Nhà nước, quản lý thì không thể nói chẳng vấn đề gì đâu mà phải khẳng định là có an toàn, hay không an toàn. Phải nói dứt khoát như thế, không thể nói chung chung”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh 4 điều cần lưu ý khi thực hiện dự án này. Đó là, đảm bảo an toàn chống lũ cho Thủ đô; giảm ùn tắc giao thông; tạo ra công trình kiến trúc đẹp cho Thủ đô; người dân khu vực này phải có cuộc sống chất lượng hơn cả về đi lại và cảnh quan môi trường.

"Nếu được đồng tình cao thì tiến hành xây dựng thật nhanh. Vấn đề gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng", Phó Thủ tướng lưu ý.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết, về hạ tầng giao thông, TP hiện có 20.374km đường bộ, trong đó 2.003km do TP quản lý, 1.667km do quận, huyện quản lý và 16.704km đường giao thông nông thôn và nội đồng.

TP có 6 tuyến đường sắt với tổng chiều dài đường qua địa bàn TP là 145,5km, gồm các tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; Gia Lâm - Hải Phòng; Hà Nội - Lạng Sơn; Đông Anh - Thái Nguyên; Hà Nội - Lào Cai; Tuyến vành đai (phía Tây).

Theo quy hoạch, TP Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị, dài 305km. Hiện tại, TP đang đầu tư xây dựng 2 tuyến: Tuyến số 2A do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, hiện đang hoàn thiện dự kiến cuối năm 2017 đưa vào sử dụng. Tuyến số 3 do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư, hiện đang tiến hành xây dựng.

Về cấp nước, hiện nay, tổng công suất các nhà máy nước, trạm cấp nước của TP Hà Nội khoảng 1.050.000 m3/ngày đêm, tỉ lệ bao phủ cấp nước khu vực đô thị đạt 96%. Dự kiến đến năm 2017 nhu cầu sử dụng nước của Thủ đô Hà Nội khoảng 1.350.000m3/ngày đêm, năm 2018 khoảng 1.450.000m3/ngày đêm.

Như vậy, so với dự báo nhu cầu sử dụng nước của TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2017 - 2018, lượng nước còn thiếu khoảng 300.000 - 350.000m3/ngày đêm, trong đó chưa tính đến các khu vực phát triển mở rộng mạng lưới cấp nước.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/thay-doi-ket-cau-de-song-hong-khong-the-noi-chang-co-van-de-gi-dau_t114c1159n115243