Thay đổi giá bán 8 loại than trong nước

Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa quyết định điều chỉnh giá bán một số chủng loại than tại thị trường trong nước.

Ảnh minh họa

Theo quyết định này, giá bán một số chủng loại than ở thị trường trong nước như than cám 1, 2, 3, 6 theo TCVN 8910:2015 và than cám 7A, 7B, 7C theo TCCS 04:2012/Vinacomin đều có sự điều chỉnh.

Cụ thể, than cám 1, mã sản phẩm 02-C1 có mức giá là 2.350.000 đồng/tấn; than cám 2, mã sản phẩm 02-C2 có mức giá 2.250.000 đồng/tấn; than cám 3a.1, mã sản phẩm 03-C3A.1 giá 2.150.000 đồng/tấn; than cám 3b.1, mã sản phẩm 03-C3B.1 giá 2.050.000 đồng/tấn; than cám 6b.6, mã sản phẩm 06-C6B.6 giá 1.025.000 đồng/tấn.

Đối với than cám 7A, mã sản phẩm CKH 07A có giá mới 785.000 đồng/tấn; than cám 7B, mã sản phẩm CKH 07B giá 685.000 đồng/tấn; than cám 7C, với mã sản phẩm CKH 07C, giá mới là 625.000 đồng/tấn.

Giá bán các chủng loại than cục TCVN 8910:2015 tại quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, giao trên phương tiện tại cảng, bến, ga, kho của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam và thay thế giá bán các chủng loại than cục TCVN 8910:2015 tương ứng tại quyết định số 1409/QĐ-TKV ngày 5.7.2016.

TKV cũng cho biết thêm giá bán các chủng loại than khác vẫn được giữ nguyên theo quyết định trên.

Thời gian qua, vấn đề giá than trong nước cao hơn giá than nhập khẩu luôn được quan tâm và bàn luận sôi nổi. Xoay quanh câu chuyện này nhiều ý kiến cho rằng ngành than trong nước đang ngày càng mất thế cạnh tranh so với than nhập khẩu do giá thành.

Lý giải nguyên nhân về giá, đại diện TKV cho biết là do điều kiện khai thác than cộng với trình độ cơ giới hóa tại nhiều dây chuyền sản xuất còn thấp là yếu tố đẩy giá thành than trong nước lên cao. Cụ thể, nhiều mỏ và hầm lò hiện nay phải xuống độ sâu hơn 300m so với mực nước biển mới có thể khai thác được than. Trong khi đó, thuế phí đánh trên than của Việt Nam đang cao hơn từ 5-7% so với nhiều nước trong khu vực.

Chưa kể giá than thế giới sụt giảm quá mạnh theo giá dầu những tháng đầu năm cũng khiến mức chênh lệnh giữa than trong nước và than thế giới tăng lên. Ngoài việc quản trị của ngành than thì tất cả chi phí và điều kiện khai thác là yếu tố làm tăng giá than trong nước.

Bên cạnh đó, theo đại diện ngành than thì hiện nay TKV không còn độc quyền trong việc nhập khẩu và cung cấp than cho các hộ sản xuất và tiêu dùng.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thay-doi-gia-ban-8-loai-than-trong-nuoc-47077.html