Thầy cúng chạy “sô” theo các đám lễ

Dù còn vài ngày nữa mới đến Tết Thượng Nguyên (Rằm tháng Giêng), nhưng tại nhiều di tích đình, đền, các cuộc lễ đã diễn ra khá tập nập. Đội ngũ những người theo nghề cúng đang được mùa, thậm chí “chạy sô” theo đám lễ.

Thầy cúng “chạy sô” Gần 20 năm theo nghề cúng bái thuê và sắp đồ lễ, thầy cúng Nguyễn Văn T. (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã không chỉ thuộc làu các bài kinh kệ, ông T., mà còn là người khá nhập tâm và dễ phiêu với “nhà thánh”, nên ông luôn đượ

Thầy cúng “chạy sô”

Gần 20 năm theo nghề cúng bái thuê và sắp đồ lễ, thầy cúng Nguyễn Văn T. (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã không chỉ thuộc làu các bài kinh kệ, ông T., mà còn là người khá nhập tâm và dễ phiêu với “nhà thánh”, nên ông luôn được người dân trong làng, ngoài xóm tìm đến mỗi dịp có lễ.

Có mặt tại đền Yên Phú (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì), chúng tôi đã chứng kiến được thầy cúng T. lên đàn làm lễ. Mỗi đám cúng như thế này, theo ông T., thường mất khoảng 1 tiếng rưỡi và đều được ông cùng các học trò thực hiện bài bản, chỉn chu. Dù bận khá nhiều đám, nhưng ông T., phải dành thời gian để về cúng Tết Thượng Nguyên tại chùa ở địa phương. “Đi đâu thì đi, chứ bản quán mình thì phải làm tròn trước đã” - ông T. cho biết.

Sau phiên chầu lễ, ông T., lại vội vàng chuẩn bị hành trang để sang một đám lễ khác. Toàn bộ đồ đạc lỉnh kinh của đoàn: Trống, kèn, mõ... đều được gia chủ chờ sẵn và chở đi, còn các thầy chỉ thong dong đến và ngồi lễ. Theo ông T., từ ra tết đến nay, trung bình mỗi ngày, ông có 2 đám lễ, đặc biệt là trong dịp Tết Thượng Nguyên tới đây, sẽ càng bận.

Qua tìm hiểu, số lượng những người hành nghề thầy cúng ngày càng nhiều, tuy nhiên, số người đắt khách cũng khá hạn chế, bởi, người dân thường có tâm lý tìm đến những thầy giỏi, có tên tuổi hoặc thầy có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Cũng bận rộn tương tự, thầy Nguyễn Văn B., (phường Văn Quán, quận Hà Đông, HN) cho biết, từ ra tết đến hết rằm tháng giêng, nghề cúng sẽ bận.. tối mặt, bởi tâm lý của người dân làm lễ đầu năm.

Đốt hàng chục triệu vàng mã

Theo ông T., dịp Tết Nguyên Tiêu, các gia đình thường sắm 2 lễ cúng: Cúng Phật và cúng gia tiên. Gia chủ có thể lập đàn tràng tại gia để làm lễ giải hạn. Cúng Phật là mâm lễ chay. Cúng gia tiên là mâm lễ mặn. Khi hóa thì thêm chút vàng mã, giấy tiền để cúng với thần linh và người âm, nhưng hiện nay, nhiều gia đình lại khá lạm dụng.

“Tôi đã qua lễ cho nhiều gia đình, có nơi, chỉ riêng đồ vàng mã cũng mất tới hàng chục triệu đồng, đó là chưa kể tiền nọ kia” - ông T., cho biết. Bản thân ông T., vừa làm nghề thầy cúng, vừa bán vàng mã, nhưng ông không ủng hộ cách phí phạm của nhiều người trong việc đốt quá nhiều vàng mã.Thực tế, trong việc sử dụng vàng mã để đốt, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chạy theo tâm lý: Trần sao, âm vậy.

Mua sắm hàng triệu tiền hàng để đốt, gây lãng phí tiền bạc và không phù hợp với văn hóa truyền thống. “Cốt ở lòng thành và tâm đức mình thôi, chứ có đâu phải phung phí đốt hàng đống vàng mã.” - cô Nguyễn Thị Hòa - một khách hành hương tại chùa Yên Phú - cho biết.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/thay-cung-chay-so-theo-cac-dam-le-179915.bld